Chứng khoán

Nên đầu tư cổ phiếu nào trong tháng 11?

Như Phúc Thứ Hai | 12/11/2018 17:40

Nhà đầu tư chờ đợi cơ hội mua trong tháng 11. Ảnh: Quý Hòa

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư tháng 11.
Nhà đầu tư chờ đợi cơ hội mua trong tháng 11. Ảnh: Quý Hòa

VDSC nhận định, mặc dù các chỉ số vĩ mô vẫn đạt mục tiêu của Chính phủ và các doanh nghiệp nội địa vẫn hoạt động tốt, thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đang nhạy cảm hơn đối với thị trường  toàn cầu và các sự kiện quốc tế. Vì vậy, tháng 10 đã trở thành tháng tồi tệ thứ hai trong năm khi VN-Index giảm 10% (tháng 4: giảm 11%) ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của  thị trường  chứng khoán toàn cầu và các tin xấu liên quan đến chiến tranh thương mại, tình hình Iraq...

Nen dau tu co phieu nao trong thang 11?
 

Thêm vào đó, các quỹ ETF như VNM ETF, FTSE ETF và VFMETF đã liên tục bị rút ròng trong thời  gian gần đây. Xu hướng này khác với tình hình cùng thời điểm năm ngoái, khi mà các ETF liên tục được bơm ròng, khiến VDSC có chút lo lắng về triển vọng năm tới đối với thị trường chứng khoán. 

VDSC kỳ vọng cơ hội mua sẽ xuất hiện trong tháng 11 sau khi các tin xấu được phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu. Ở thời điểm hiện tại, VDSC đánh giá cơ hội ngắn hạn vẫn đang hiện hữu, nhưng sẽ bị giới hạn ở một nhóm nhỏ cổ phiếu.

Nen dau tu co phieu nao trong thang 11?
Nguồn: VDSC

Dưới đây là những cổ phiếu được chuyên viên ngành của VDSC khuyến nghị dựa trên dự báo khả quan về kết quả kinh doanh trong quý 4 tới. 

Cổ phiếu bất động sản

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đã tăng mạnh trong quý III và 9 tháng năm 2018. Mặc dù vậy, chuyên viên phân tích của VDSC tin rằng vẫn còn một số công ty có thể ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong Q.IV. Trong đó, VDSC ưa thích HDG bởi (1) HDG báo cáo lợi nhuận sau thuế (LNST) 139 tỉ đồng trong 9 tháng 2018 (cùng kỳ lỗ 21 tỉ), tương đương 25% dự báo của VDSC cho năm 2018. Điều này có nghĩa rằng HDG có thể ghi nhận 428 tỉ đồng lợi nhuận (tăng 96%) trong qúy IV, chủ yếu nhờ đóng góp của dự án Centosa và (2) chuyên viên phân tích của VDSC kỳ vọng các dự án năng lượng mới của HDG có thể giúp công ty tạo ra dòng tiền ổn định từ năm 2019.

Lựa chọn thứ 2 trong nhóm bất động sản là VHM, công ty con của VIC. Trong năm 2018, VDSC kỳ vọng VHM có thể hoàn thành mục tiêu 17 ngàn tỷ đồng LNST với sự đóng góp của dự án Golden River, Central Park và các dự án Harmony và các mảng kinh doanh khác. Dài hạn hơn, dự án lớn Vincity sẽ giúp VHM duy trì sự tăng trưởng.

Cổ phiếu bất động sản cuối cùng là DIG, một doanh nghiệp BĐS có quỹ đất lớn. Mặc dù vậy, trong quý cuối năm, yếu tố hỗ trợ đến từ lộ trình thoái vốn. Theo đó, DIG lên kế hoạch thoái vốn khỏi Vina-Đại Phước (tỉ lệ sở hữu 8%) và Việt Thiên Lâm (tỉ lệ sở hữu 22%) trong quý cuối năm. Nếu việc thoái vốn thành công, DIG có thể ghi nhận khoảng 180 tỷ đồng Lợi nhuận trước thuế (LNTT) từ việc thoái vốn này. Tuy nhiên, DIG dự kiến sẽ phát hành khoảng 20% cổ phần cho cổ đông hiện hữu nhằm phát triển các quỹ đất hiện tại. Do đó, pha loãng là rủi ro mà nhà đầu tư nên lưu ý trong trường hợp này.

Cổ phiếu tiêu dùng

Ý tưởng đầu tư khác trong tháng này là các cổ phiếu liên quan tiêu dùng như MWG, VJC và PME.

 Về VJC, chuyên viên ngành cho rằng thu nhập từ bán và cho thuê trong quý IV.2018 sẽ không biến động nhiều so với cùng kỳ. Ngược lại, nhờ tăng trưởng mạnh của khách quốc tế, hoạt động kinh doanh cốt lõi của VJC dự báo sẽ tiếp tục cải thiện. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi dự báo sẽ tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng LNST năm 2018 dự báo tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về MWG, chuyên viên ngành kỳ vọng Bách Hóa Xanh, thương hiệu bán lẻ của MWG, sẽ hòa vốn trong quý IV.2018, qua đó giúp LNST tăng trưởng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả cổ tức tiền mặt, VJC và MWG đang giao dịch thấp hơn giá mục tiêu của VDSC lần lượt 28% và 44%. Mặc dù vậy, đây là hai cổ phiếu thuộc nhóm VN30, vốn rất dễ bị tác động bởi hoạt động mua bán của các quỹ đầu tư chỉ số.

Đối với nhóm dược phẩm, kết thúc 9 tháng 2018, IMP, PME và DHG hoàn thành 71%, 71% và 62% dự báo LNST cho năm 2018 của VDSC. Trong khi DHG bắt đầu gặp thách thức trong tăng trưởng thì tình hình bán hàng qua kênh bệnh viện của IMP cũng chậm hơn kỳ vọng của chuyên viên ngành.

Do vậy, chuyên viên ngành của VDSC ưa thích PME hơn IMP bởi việc bán hàng vào kênh bệnh viện của PME vẫn khả quan. Thêm vào đó, PME còn được hỗ trợ bởi thông tin STADA dự kiến sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại PME lên 70% từ mức 49% hiện tại. Với sự tương quan cao của VN-Index và thị trường chứng khoán toàn cầu vào thời điểm này, VDSC cho rằng PME sẽ là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư phòng thủ. Trong 10 tháng đầu năm 2018, VN-Index mất 7% nhưng PME chỉ giảm 2%.

PVS và TCM, hai cổ phiếu ưa thích của VDSC trong tháng 8-9, cũng ghi nhận kết quả lợi nhuận tốt trong 9 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, trong quý cuối cùng của năm 2018, VDSC nhận thấy một số lo ngại.

Đối với PVS, VDSC vẫn tin tưởng vào triển vọng của công ty trong năm 2019, nhưng trong quý IV.2018, lợi nhuận có thể không tốt như 9 tháng đầu năm. Bởi lẽ PVS có thể sẽ ghi nhận lỗ từ giải thể công ty con, phần nào làm ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của công ty trong A4/2018.

 Sears, một khách hàng Mỹ của TCM, đã đệ đơn xin phá sản vào tháng 10.2018. Nhà bán lẻ này chiếm 7% tổng doanh thu của TCM và khoảng 95 tỉ đồng trong các khoản thu hiện tại của TCM. Trong kịch bản cơ sở, chuyên viên ngành dự báo TCM sẽ trích lập dự phòng 30% giá trị khoản phải thu từ Sears (khoảng 28 tỉ đồng) trong quý 4/2018 và phần còn lại sẽ được trích lập trong năm 2019. Theo kịch bản này, EPS dự phóng trong năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 3.440 đồng và 2.540 đồng. VDSC cũng giảm giá mục tiêu của TCM xuống còn 25.500 đồng/cp.

(*)Nhận định của các công ty chứng khoán mà NCĐT trích dẫn chỉ mang tính tham khảo.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày