Chuyên đề

Ngân hàng phá sản được không?

Nguyễn Sơn Thứ Ba | 07/11/2017 08:00

123rf.com

Cụm từ “phá sản ngân hàng” được nhắc nhiều trong thời gian gần đây như một giải pháp triệt để xử lý các ngân hàng yếu kém.
123rf.com

Có thể đã đến lúc các ngân hàng yếu kém buộc phải phá sản, thay vì bị mua lại 0 đồng hay buộc sáp nhập vào một ngân hàng khác. Phát biểu trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết cơ quan quản lý đang xây dựng phương án cho phép một số ngân hàng yếu kém phải bị phá sản, coi đó là phương án được ưu tiên xử lý cuối cùng nếu các phương án tái cấu trúc khác không thật sự hiệu quả. Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho rằng Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng việc phá sản ngân hàng với an toàn toàn hệ thống, rủi ro tiềm ẩn với nền kinh tế.

Ngành ngân hàng thế giới cho thấy có nhiều ngân hàng lớn bị buộc phải phá sản. Nhưng liệu thời điểm này có phù hợp để cho các ngân hàng phá sản tại Việt Nam? Liệu có những rủi ro nào có thể xảy ra cho hệ thống tài chính ngân hàng một khi phương án chính thức được áp dụng?

Về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng, cho phép phá sản ngân hàng sẽ tác động tới tâm lý người gửi tiền và hoạt động ngân hàng vì người dân có thể ngần ngại gửi tiền vào ngân hàng và dùng tiền đó đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán hay vàng. “Nếu điều đó xảy ra sẽ ảnh hưởng tới huy động vốn của ngân hàng”, ông Hiếu nói. Đặc biệt, khi đề xuất mức bồi thường của bảo hiểm tiền gửi khi ngân hàng phá sản chỉ ở mức 75 triệu đồng khiến cho nhiều tranh luận nổ ra quyết liệt. Mặc dù vậy, phá sản ngân hàng còn nhiều điều để bàn luận.

Thời điểm tốt để dứt điểm

Không thể phủ nhận các hành động kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã giúp hệ thống ngân hàng giữ được sự ổn định, tạo điều kiện để tăng mạnh tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như có nguồn lực tài chính để giải quyết các thách thức của chính bản thân ngân hàng.

Mới đây, Công ty Xếp hạng tín dụng Moody’s đã nâng triển vọng ngân hàng Việt Nam từ mức ổn định sang tích cực trong 12-18 tháng tới. “Việc nâng triển vọng phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn của Việt Nam, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh, xuất khẩu tốt và đầu tư khu vực công”, Moody’s đánh giá. Nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh và đà phục hồi của thị trường bất động sản, tỉ lệ các khoản vay có vấn đề đã giảm từ 7,5% xuống chỉ còn 7,1% cuối năm 2016, dự kiến sẽ tiếp tục giảm còn 5,8% vào năm 2018.

Ngan hang pha san duoc khong?
 

Giống như người bệnh quá yếu, trước khi đại phẫu cần được tiêm thuốc bổ để ổn định sức khỏe. Hệ thống ngân hàng mạnh khỏe hơn hiện nay có thể xem là thời điểm lý tưởng để các nhà điều hành tung đòn quyết định, áp dụng các phương án tái cơ cấu để giải quyết dứt điểm các nút nghẽn của hệ thống.

Thực tế, ngoài lựa chọn này ra, Việt Nam cũng không còn con đường nào khác. Theo ông Eugene Tarzimanov, nhà phân tích của Moodys’, kinh tế tăng trưởng khả quan sẽ tác động tích cực, cải thiện chất lượng tài sản ngân hàng. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối nhanh có thể sẽ gây ra một số rủi ro mới cho các tổ chức tín dụng. Việc đẩy nhanh công tác xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ là bước đi quan trọng để kiểm soát được các rủi ro chớm nở.

Mặt khác, tác động tích cực của việc mạnh tay xóa sổ các ngân hàng yếu kém còn là cơ hội để giảm lãi suất khi một lượng lớn nợ xấu được xử lý, các ngân hàng khỏe mạnh hơn có điều kiện cắt giảm chi phí hoạt động để thu được lợi nhuận cao hơn, nhất là trong bối cảnh hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam vẫn thuộc diện thấp nhất khu vực.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse, Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng mạnh của tín dụng trong các năm tới nhưng điều đó không đồng nghĩa sẽ giúp cho lợi nhuận cải thiện đáng kể. Chi phí hoạt động tại 4 ngân hàng mà Credit Suisse đưa vào danh mục theo dõi tăng mạnh 16,3- 22% trong năm 2016 do chuyển đổi về mô hình hoạt động (như hướng tới mảng bán lẻ và tiêu dùng), cũng như nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. Đồng thời, biên thu nhập lãi thuần (NIM) tại một vài ngân hàng vẫn khó tăng mạnh do phải cạnh tranh về lãi suất tiền gửi, đặc biệt khi nhu cầu về các khoản tiền gửi cho trung và dài hạn buộc phải tăng lên theo các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước.

Những mục tiêu khác

Nhưng ý đồ của các nhà điều hành có thể còn nằm ở các mục tiêu quan trọng khác. Sau các sự kiện xét xử Hà Văn Thắm gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng OceanBank, sức khỏe của BIDV yếu đi đáng kể sau khi sáp nhập MHB, hay khối lượng nợ xấu khủng được công bố mới đây của Sacombank, có thể nói hiệu quả của các phương án xử lý như mua lại 0 đồng, kiểm soát các ngân hàng yếu kém hay buộc sáp nhập vào ngân hàng khác vừa qua vẫn chưa có được hiệu quả như kỳ vọng.

Bởi dù đánh giá ở khía cạnh nào, các phương án này đều ít nhiều tạo ra gánh nặng cho ngân sách, cả về nhân lực và lượng vốn bơm vào để tái cơ cấu. Trong khi đó, nhiều cổ đông hiện hữu tại các ngân hàng khỏe mạnh cũng chưa chắc mặn mà với các thương vụ tiếp quản ngân hàng yếu kém mà chất lượng tài sản của chúng vẫn là điều hoài nghi.

Ngan hang pha san duoc khong?
Ảnh: nguoiduatin.vn

Thực tế bản thân các ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng gần như là rỗng ruột, do vốn chủ sở hữu bị âm khi lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ. Còn nhớ vào thời điểm Ngân hàng Nhà nước vào kiểm soát, chấm dứt vai trò của các cổ đông hiện hữu thì tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng Xây dựng lên đến 99,6%, OceanBank là 59,7%, hay tỉ lệ nợ xấu tại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) lên đến 48,3%. Hay trước khi sáp nhập vào Sacombank, tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phương Nam vào năm 2013 lên đến 55,31% (theo Kiểm toán Nhà nước).

Thực tế, ngành ngân hàng Việt Nam từng có vài đợt củng cố và tái cơ cấu mạnh mẽ các tổ chức tín dụng. Kết quả của những đợt tái cơ cấu này là tiền gửi của dân cư được đảm bảo, không có ngân hàng nào phá sản, hệ thống trở nên vững chắc hơn. Mặc dù có nhiều cố gắng trong giai đoạn tái cơ cấu nhưng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vào năm 2016, năng lực tài chính của những ngân hàng này vẫn còn rất yếu, tỉ lệ nợ xấu lên đến 20-30%. Thêm vào đó, việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng còn nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực tài chính hỗ trợ vẫn là vấn đề rất nan giải.

Trong bối cảnh như vậy, có thể thông cảm với Ngân hàng Nhà nước khi phải sử dụng đến phương án như đóng cửa, phá sản để giải quyết dứt điểm các bóng ma đe dọa an toàn hệ thống. Tất nhiên, nó cũng giúp dập tắt rủi ro đạo đức (moral hazard) đối với một số nhà tài phiệt có tham vọng với ngành tài chính nhưng thiếu các kỹ năng chuyên môn.

Trong giai đoạn bùng nổ ngành ngân hàng những năm 2006-2010, đã có hơn chục ngân hàng nông thôn được phép nâng cấp lên ngân hàng đô thị, đặc biệt khi có sự tham gia hàng loạt của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hậu quả sau đó là bất ổn trong hệ thống ngân hàng liên tục xảy ra. “Lập ngân hàng cổ phần rồi để Nhà nước phải mua lại 0 đồng, Nhà nước phải đứng ra xử lý hậu quả thì ai cũng muốn làm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu về vấn đề này.

Ngan hang pha san duoc khong?
 

Một số quốc gia trên thế giới rất mạnh tay với việc buộc các ngân hàng phải đóng cửa. Trong giai đoạn 2008-2012, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) đã cho đóng cửa 465 tổ chức tín dụng, phần lớn có quy mô nhỏ để lành mạnh hóa hệ thống. Các khoản tiền gửi, tiền vay, chi nhánh đều được nhập vào một ngân hàng khác và FDIC chấp nhận hứng chịu một phần lỗ. Hay như ở Thái Lan, sau khi khủng hoảng năm 1997-1998 xảy ra, chính phủ nước này đã mạnh tay đóng cửa 56 công ty tài chính và quốc hữu hóa 4 ngân hàng bị mất thanh khoản.

Một hệ thống tài chính lành mạnh hơn cũng sẽ là một hồ sơ đẹp, giúp cho Chính phủ có thể phát hành trái phiếu thu hút lượng vốn đầu tư quốc tế, cũng như bán cổ phần ngân hàng cho các nhà đầu tư ngoại vốn bị tắc bấy lâu nay. Dù thời gian qua xuất hiện nhiều tin đồn về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ 100% cổ phần của một ngân hàng trong nước.

Hiện đề án áp dụng chuẩn mực Basel II trong đảm bảo rủi ro hệ thống ngân hàng đã được dời lại tới năm 2020 để các ngân hàng có thêm thời gian tìm thêm đối tác chiến lược, bổ sung vốn. “Các ngân hàng Việt cần bổ sung một lượng vốn rất lớn để đảm bảo cho tăng trưởng, cũng như tạo bộ đệm an toàn để chống lại các nguy cơ về suy giảm chất lượng tài sản”, Credit Suisse nhận định.

Giữ tiền cho người gửi

Ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt không phải hoạt động trên nguồn vốn tự có, mà là hoạt động trên nguồn vốn huy động của khách hàng, của người dân.  Việc cho phép các ngân hàng phá sản dự kiến sẽ gặp rất nhiều thách thức để triển khai thực tế. Đó có thể là rào cản từ các nhóm lợi ích khi chắc chắn, một số cổ đông có quyền lợi tại các ngân hàng sẽ không dễ dàng để tài sản bị mất đi hay rơi vào tay người khác. Chính phủ Thái Lan từng đối mặt với thách thức khi phải đương đầu với các gia tộc rất có thế lực trong công cuộc dọn dẹp hệ thống sau khủng hoảng năm 1997-1998.

Ngan hang pha san duoc khong?
Ảnh: Quý Hòa

Điều này tất nhiên có khả năng xảy ra ở Việt Nam. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, một khi một tổ chức tín dụng đã quá yếu, vốn tự có và nguồn dự trữ cũng như vốn điều lệ đã âm thì bản chất là “đã lâm vào tình trạng phá sản”. Nhưng một khi ngân hàng đã ở vào tình trạng đó thì các cổ đông không hợp tác xử lý và điều đó sẽ càng làm cho ngân hàng thêm trầm trọng. Hệ quả là ngân hàng đó lâm vào tình trạng bất ổn, gây nguy cơ cho an toàn hệ thống khi người gửi tiền sẽ đồng loạt rút tiền. “Cần phải có các quy định cho phép sự can thiệp của Nhà nước để chấm dứt quyền cổ đông”, Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ mong muốn. Do đó, Nhà nước cần chủ động xử lý những rủi ro tiềm ẩn để có thể bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội.

Thách thức ổn định giá trị đồng nội tệ, tránh gây ra các cú sốc cho thị trường một khi cho phép ngân hàng phá sản cũng là điều gây nhiều khó khăn. Đại đa số người dân trong nước vẫn chưa quen với các kỹ năng quản lý tài chính hiện đại và đa phần gửi tiền tiết kiệm. Một khi cảm nhận được rủi ro, có thể sẽ có làn sóng một lượng lớn tiền đồng được chuyển đổi sang vàng hay ngoại tệ, tạo ra sức ép sụt giảm giá trị tiền đồng và thậm chí là nguy cơ gia tăng lãi suất trên thị trường.

Việc dọn dẹp, thu hồi các khoản tín dụng cho vay (đặc biệt là nợ xấu) và thanh lý tài sản, các khoản tiền gửi của người dân, đồng thời tránh được rủi ro đổ vỡ hàng loạt cũng là thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý giải quyết trước khi ra quyết định đóng cửa ngân hàng. Nhìn chung, có khá nhiều thách thức đón chờ Ngân hàng Nhà nước khi ra quyết định cuối cùng về số phận của một ngân hàng. Ở đây, kinh nghiệm của một số quốc gia như Mỹ có thể là bài học hữu ích cho Việt Nam.

Ngan hang pha san duoc khong?
 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc đóng cửa một ngân hàng tại Mỹ được thực hiện với trình tự chuyên nghiệp, trật tự và an toàn cho hệ thống. Theo đó, một ngân hàng nếu được các cơ quan thanh tra, giám sát thẩm định là có khả năng phá sản, thì các cơ quan quản lý như FDIC sẽ lên kế hoạch đóng cửa và thường tìm những ngân hàng khác có thể mua lại toàn bộ hay từng phần của ngân hàng sẽ bị đóng cửa, hoặc chính FDIC là cơ quan tiếp quản và thanh lý tài sản.

Để chuẩn bị cho lộ trình chuẩn bị cho một ngân hàng giải thể hay phá sản, một số công cụ chính sách mới đã được ban hành. Điển hình là Nghị quyết 42 mới đây của Quốc hội đã trao quyền lực mạnh mẽ cho các ngân hàng trong việc thâu tóm các tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu để kê biên, thanh lý thu hồi một phần nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mở cửa rộng hơn cho các nhà đầu tư ngoại được sở hữu bất động sản tại Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lực từ bên ngoài tham gia giải quyết các dự án địa ốc bị đình trệ. Đặc biệt đối với tiền gửi của người dân, có thể trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xin Quốc hội thông qua chính sách mới về tiền gửi, trong đó Chính phủ có thể áp dụng chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi được quy định hiện nay là 75 triệu đồng trong trường hợp ngân hàng bị buộc phải phá sản. Tuy nhiên, con số vượt mức là bao nhiêu thì hiện chưa được công bố.

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, chính sách chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng trong trường hợp cho ngân hàng phá sản là cần thiết. Điều hành hệ thống có tính thận trọng, mang tính chiến lược chứ không thể nào nói cho phép phá sản là thực hiện ngay mà phải có bước đệm để đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định an toàn hệ thống ngân hàng. Và một bước đệm là cho phép Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quyền xử lý linh hoạt vượt chi hạn mức bảo hiểm tiền gửi.

Cần lưu ý là một ngân hàng phá sản thì không phải tất cả tiền gửi của khách hàng đều mất hết. Bản thân ngân hàng vẫn còn tài sản đáng giá như bất động sản hay có thể tiếp tục thu hồi một phần các khoản cho vay chưa rơi vào diện nợ xấu. Việc thanh lý các tài sản này sẽ giúp thu hồi một phần tiền và hoàn trả lại cho người gửi tiền.

Ngoài ra, để hướng tới một hệ thống tài chính chuyên nghiệp trong tương lai, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước cần thêm quy định về cơ chế công bố thông tin theo hướng hoàn toàn minh bạch thực trạng của các ngân hàng, thậm chí xếp hạng và phân loại chúng. Điều này sẽ giúp cho người dân xác định được đâu là ngân hàng phù hợp, đáng tin cậy để gửi gắm số tiền tích lũy, chứ không phải ngân hàng nào có lãi suất, khuyến mại nhiều nhất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải gửi tín hiệu sẽ không “bao bọc” cho mọi ngân hàng như hiện tại.

Nguyễn Sơn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày