Doanh Nghiệp

Khốc liệt như thị trường thương mại điện tử Việt Nam

Minh Anh Thứ Sáu | 29/03/2019 16:50

Robins vẫn để ngỏ về ngày quay trở lại thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Nguồn ảnh: Robins.vn

Website thương mại điện tử Robins bất ngờ thông báo tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam.
Robins vẫn để ngỏ về ngày quay trở lại thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Nguồn ảnh: Robins.vn

Central Group loay hoay tìm hướng đi cho thương mại điện tử

Ngày 27.3 vừa qua, Robins thông báo tạm dừng hoạt động bán hàng trực tuyến. Trên giao diện website Robins.vn đã không còn hiển thị chức năng mua sắm hàng hóa mà thay vào đó giới thiệu thông tin về hai cửa hàng Robins Department Store ở Hà Nội và TP.HCM.

Robins trước là trang thương mại điện tử Zalora thuộc Rocket Internet, một tập đoàn có trụ sở tại Đức, và công ty này cũng sở hữu cả Zalora và Lazada. Đến năm 2016, Rocket bán Zalora cho Central Group và đổi tên thành Robins.

Hiện Robins vẫn để ngỏ về ngày quay trở lại khi thông tin trên website của Robins, nêu rõ: “Cùng những kế hoạch và định hướng phát triển tương lai, chúng tôi sẽ quay lại phục vụ khách hàng với mô hình hấp dẫn và đa dạng hơn trong thời gian sớm nhất".

Đại diện truyền thông của tập đoàn Central Group Việt Nam, cho biết nguyên nhân Robins ngừng hoạt động để thực hiện chiến lược tái cấu trúc, thúc đẩy hơn nữa sức tăng trưởng kinh doanh của tập đoàn tại thị trường Việt Nam.

Central Group dường như không có duyên với hoạt động bán hàng trực tuyến tại Việt Nam. Cụ thể, thời điểm 2016, khi Central Group mua lại Big C thì cũng đã đóng cửa trang thương mại điện tử (TMĐT) Cdiscount.vn (thuộc Big C), dù đã đầu tư khá bài bản. Với Robins, Central Group đang cần một hướng đi mới cho trang TMĐT này.

Khoc liet nhu thi truong thuong mai dien tu Viet Nam
 

Thương mại điện tử đang đốt tiền như thế nào?

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng, mức tăng trưởng 43% mỗi năm, cao nhất trong các nước Đông Nam Á, theo Temasek, trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 11.2018.

Cũng theo nghiên cứu này, quy mô ngành thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 2,8 tỉ USD. Còn từ nay đến 2025 sẽ đạt 15 tỉ USD. Robins hiện ngưng hoạt động tạo sự bất ngờ đối với thị trường.

Vì theo "Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam quý IV/2018" của iPrice Group, Robins.vn là website thương mại điện tử về thời trang có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam với hơn 965.000 lượt mỗi tháng. Xếp hạng ứng dụng của Robins cũng cao hơn các đối thủ cùng ngành.

Nhìn lại thị trường Thương mại điện tử, hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử đều thua lỗ. Trước đó, Vuivui.com của Thế giới Di động cũng đã sáp nhập vào hệ thống của Bách hóa xanh. Hiện Thế giới Di động vẫn đẩy mạnh mảng Thương mại điện tử nhưng ông Nguyễn Đức Tài, tuyên bố “Thế Giới Di Động không đốt tiền vào thương mại điện tử”.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam, dù được đánh giá là vẫn còn sơ khai, nhưng với tốc độ phát triển lên tới 20-30% mỗi năm, đang là cuộc chơi "đốt tiền" của các đại gia như Shopee, Lazada thuộc Alibaba của Trung Quốc… Tiki, Sendo, Yes 24…

Theo đó, năm 2018, vốn ngoại vấn tiếp tục đổ vào thương mại điện tử Việt Nam. Shoppee nhận thêm 51 triệu USD từ từ SBI Holdings (Nhật Bản) và một số công ty khác. Ngay sau đó, sàn TMĐT Sendo cũng kêu gọi được tổng cộng 51 triệu USD từ SBI Holdings (Nhật Bản) và một số công ty khác.

Sau khi thâu tóm Lazada, Tập đoàn Alibaba cũng phải đầu tư một khoản lên tới khoảng 4 tỉ USD. Đến tháng 3.2018, tập đoàn Alibaba quyết định đổ thêm 2 tỉ USD vào Lazada để tăng khả năng cạnh tranh.    

Với thị trường còn phân mảnh và chưa có công ty nắm vị thế dẫn đầu một cách rõ ràng thì cuộc chiến đốt tiền sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Trước đó, thị trường TMĐT Việt Nam cũng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt trang website như Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn... hầu hết các website đều rời cuộc chơi vì lý do đã đốt quá nhiều tiền và đã cạn kiệt.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày