Chi ngân sách trên GDP của Việt Nam cao hàng đầu khu vực suốt nhiều năm

Thứ Năm | 23/03/2017 08:51

So với các nước khu vực, tỷ trọng chi/GDP của Việt Nam thuộc loại cao nhất trong hơn 10 năm qua. Năm 2016, tỷ trọng này vẫn ở mức trên 28% GDP.

Đó là thông tin được đưa ra tại báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016 và triển vọng năm 2017 của nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế Quốc dân.

Trong báo cáo, GS. TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân dẫn số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ trọng chi ngân sách/GDP của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây.

"So sánh với các nước trong khu vực, tỷ trọng chi trên GDP của Việt Nam thuộc loại cao nhất trong hơn 10 năm qua. Cho đến năm 2016, tỷ trọng này vẫn ở mức trên 28% GDP", báo cáo cho biết.

Theo thống kê, tổng chi ngân sách năm 2016 ước đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 190,5 nghìn tỷ đồng (74,7%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng (95,4%); chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỷ đồng (96,9%).
Nhận xét về con số trên, GS.TS. Trần Thọ Đạt cho rằng chi thường xuyên vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn (tới 70%). Theo đó, chi thường xuyên đã lớn hơn mức thu từ thuế và phí. 

Như vậy, theo vị Giáo sư này, các biện pháp cải cách hành chính vẫn chưa phát huy tác dụng, hệ thống và cơ chế chi tiêu thường xuyên chưa có cải thiện tích cực và trong những năm tới khả năng giảm nhanh chi thường xuyên là không dễ dàng.

Điều này theo GS. TS. Trần Thọ Đạt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thâm hụt ngân sách và nợ công trong trung và dài hạn khi ngân sách có thể phải đi vay để chi thường xuyên chứ không phải để đầu tư phát triển. 

Thống kê cho thấy, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã giảm mạnh từ 28,5% (giai đoạn 2001-2005), 24,4% (giai đoạn 2006-2010), 18% (giai đoạn 2011-2015) và chỉ còn 15,2% trong tổng chi ngân sách năm 2015.

Đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế Quốc dân, việc chi ngân sách tăng cao trong khi thu ngân sách lại có xu hướng giảm.

Cụ thể, dẫn số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tổng thu ngân sách namư 2016 ước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, bằng 93% dự toán năm, trong đó thu nội địa 744,9 nghìn tỷ đồng (94,9%) thu từ dầu thô 37,7 nghìn tỷ đồng (69,2%); thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 156,2 nghìn tỷ đồng (90,8%). 

Như vậy, mặc dù thu nội địa tăng 13,4% nhưng một số các khoản thu quan trọng như thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu đều đã giảm mạnh, với mức giảm tương ứng 39,6% và 2,3% so với năm 2015.

Theo đó, tỷ lệ thu ngân sách/GDP của Việt Nam đang liên tục suy giảm qua các năm. Nếu như giai đoạn 2006-2010, thu ngân sách nhà nước ước đạt 28,7% GDP thì giai đoạn 2011-2015 giảm chỉ còn 23,3%. Năm 2016, tỷ lệ ước tính chỉ còn 22,1%. 

Có thể thấy tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước/GDP của Việt Nam đang ở mức trung bình trong khu vực nhưng đang ngày càng giảm dần và do một số nguyên nhân như kinh tế chưa thực sự khởi sắc, cắt giảm thuế quan theo lộ trình tham gia các Hiệp định thương mại, thu từ dầu thô suy giảm do giá dầu và sản lượng dầu suy giảm, báo cáo cho biết.

Nhu cầu chi lớn khiến nợ công tăng nhanh

Thâm hụt ngân sách lớn đã khiến nợ công năm 2016 chạm trần 65% GDP. Tỷ lệ này hiện cũng đang ở mức rất cao so với nhóm nước trong khu vực, đặc biệt là tăng rất nhanh so với các nước kể từ năm 2011. 

GS. TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, áp lực chi trả nợ công đang ngày càng gia tăng khi tỷ trọng chi trả nợ trung và dài hạn đã vượt ngưỡng 25% tổng thu ngân sách (năm 2016 ước đạt 26,3%). 

Ngoài ra, rủi ro nợ công của Việt Nam còn nằm ở hai yếu tố, đó là nợ công trên chưa tính đến nợ của khu vực doanh nghiệp trong nước trong khi khu vực này vẫn luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ và là nguồn tiềm ẩn đối với nợ công. 

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả hợp nhất năm 2015 của riêng 103 tập đoàn, tổng công ty đã là 1.547.859 tỷ đồng, tương đương hơn 70 tỷ USD (chiếm khoảng 35% GDP). 

Như vậy, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ nợ công đã vượt quá 100% GDP. Tốc độ gia tăng nợ công nhanh trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn phía trước, ngân sách trung hạn thiếu bền vững, tỉ trọng trả nợ vay trong tổng chi ngân sách đã vượt ngưỡng cho phép đang là nguy cơ rất lớn đến nền kinh tế, nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế Quốc nhận định.

Liên quan đến vấn đề nợ công, tại cuộc họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã có những giải trình liên quan đến nguyên nhân khiến nợ công tăng cao. Trong đó, ngoài nguyên nhân liên quan đến điều hành, Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng vì chi tiêu thì quyết theo nhu cầu, nhưng tăng trưởng kinh tế không năm nào đạt như dự báo.

Năm 2016, kế hoạch tăng trưởng kinh tế là 6,7%, thực tế chỉ đạt 6,21%. Giá trị GDP làm mẫu số để tính các chỉ số nợ công, bội chi được cơ quan dự báo đưa ra 5,1 triệu tỷ đồng, song con số thực đạt chỉ 4,5 triệu tỷ...  

Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả. Nhu cầu chi lớn nên vay lớn, vì thế nợ công tăng nhanh, Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Nguồn BizLIVE


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày