Tạp chí số 520

Điều gì đang xảy ra ở Toshiba?

Văn Quốc Thứ Hai | 20/02/2017 12:30

Bị thua lỗ nặng nề, Toshiba gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán tài sản để huy động vốn.

Hầu hết mọi người vẫn còn nhận ra cái tên Toshiba qua các sản phẩm điện tử của tập đoàn Nhật này, nhưng hàng điện tử tiêu dùng không còn là mảng cốt lõi của nó. Toshiba đã không còn sản xuất tivi phục vụ xuất khẩu và mảng hàng điện tử gia dụng của Công ty đang làm ăn thua lỗ. Toshiba của ngày hôm nay là một tập đoàn đa ngành và những rắc rối gần đây nhất lại đến từ mảng năng lượng hạt nhân, vốn chiếm khoảng 1/3 doanh thu.

Thứ Ba tuần qua, Toshiba đã ghi nhận giảm 6,3 tỉ USD giá trị tài sản liên quan đến một thương vụ được thực hiện bởi chi nhánh Mỹ Westinghouse Electric. Westinghouse đã mua lại bộ phận các dịch vụ và xây dựng hạt nhân từ Chicago Bridge & Iron vào năm 2015. Nhưng tài sản này ít giá trị hơn so với những gì họ tưởng ban đầu. Shigenori Shiga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Toshiba, đã từ chức vào thứ Tư tuần qua, nhận lãnh trách nhiệm vì đã gây ra vụ thua lỗ trên.

Rắc rối không chỉ có vậy. Các nhà điều hành Toshiba buộc phải gửi báo cáo lợi nhuận hằng quý của Công ty vào thứ Ba tuần qua - hạn chót theo luật của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo là phải gửi báo cáo trong vòng 45 ngày - nhưng họ đã không gửi đúng hạn. Thay vào đó, Công ty cho biết “chưa sẵn sàng” để đưa ra báo cáo và xin nộp sau 1 tháng nữa. Được biết, trong cả năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3, Toshiba dự kiến lỗ ròng 390 tỉ yen, một sự đảo ngược hoàn toàn so với mức dự báo vào tháng 11 là lãi 145 tỉ yen. Cổ phiếu của Công ty đã giảm mạnh tới 8% vào thứ Ba tuần qua trong phiên giao dịch trong nước.

Toshiba giờ đang chịu áp lực phải vạch ra một kế hoạch khả thi để “vực dậy” bảng cân đối kế toán, vốn bị “bầm dập” bởi vụ bê bối vào năm 2015. Theo đó, Toshiba bị phát hiện đã thổi phồng lợi nhuận suốt 7 năm, dẫn đến việc phải tái cấu trúc trên diện rộng, bị thua lỗ nặng nề và phải bán tài sản. Các vấn đề ở bộ phận quốc tế khiến cho tình hình ở Toshiba càng thêm trầm trọng. Công ty đã và đang nỗ lực kiềm chế mức chi phí quá cao tại các nhà máy điện hạt nhân ở Georgia và Nam Carolina (Mỹ). Mặc dù nói rằng sẽ hoàn tất xây dựng các lò phản ứng hạt nhân này, nhưng Toshiba đã cắt giảm kế hoạch bành trướng tại Anh và những nơi khác.

Trong bối cảnh rối ren này, giá cổ phiếu Toshiba tiếp tục đà trượt dốc, khi nhà đầu tư tỏ ra quan ngại về diễn biến ngày càng xấu đi ở Công ty. Đã vậy, các tổ chức xếp hạng tín dụng đã hạ bậc tín nhiệm nợ của Toshiba, càng khiến cho Công ty gặp khó khăn trong việc vay vốn (vì phải vay với chi phí rất cao).

Việc giá cổ phiếu lao dốc cũng làm giảm lượng vốn có thể huy động được nếu Công ty quyết định phát hành cổ phiếu. Vì thế, muốn huy động vốn, Toshiba phải gõ cửa ngân hàng hoặc phải bán đi các tài sản sinh lợi.

Dieu gi dang xay ra o Toshiba?
Toshiba dự kiến lỗ ròng 390 tỉ yen trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2017. Ảnh: ibtimes.com

Toshiba cho biết đang xem xét bán đi phần lớn cổ phần trong bộ phận chip nhớ. Trước đó Công ty chỉ tính bán tối đa 20% cổ phần để duy trì quyền kiểm soát, nhưng giờ phải thay đổi kế hoạch. Điều đó cho thấy tình hình ở Toshiba căng thẳng như thế nào. Công ty cũng cho biết sẽ chia tách mảng chip vào cuối tháng 3 và sẽ họp cổ đông trong cùng tháng. Các nhà đầu tư chiến lược và các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài nằm trong số những người mua tiềm năng, theo các nguồn tin thân cận với vụ việc.

Chip nhớ nhanh NAND, được sử dụng trong điện thoại thông minh và ổ cứng SSD, là một trong số ít điểm sáng trong danh mục đồ sộ của Toshiba, vốn bao gồm cả máy tính cá nhân, tivi, hệ thống đường sắt và thang máy. Bộ phận chip nhớ đã tạo ra 50,1 tỉ yen lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm tài chính vừa qua, chiếm tới hơn phân nửa tổng lợi nhuận hoạt động trong cùng kỳ. Toshiba, nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới chỉ sau Samsung, chưa công bố lợi nhuận của bộ phận này trong quý gần đây nhất.

Dù Toshiba có một số động thái nhưng vẫn chưa thể xoa dịu nhà đầu tư và giới phân tích. “Có quá nhiều câu hỏi xung quanh các vấn đề của Toshiba. Nhà đầu tư muốn biết điều gì sẽ xảy ra cho các mảng chip và năng lượng hạt nhân. Liệu mảng thang máy và một số công ty con niêm yết của Toshiba có bị bán đi hay không? Cũng có câu hỏi tại sao việc ghi giảm giá trị ở mảng năng lượng hạt nhân lại xảy ra”, Masahiko Ishino, chuyên gia phân tích tại Tokai Tokyo Securities, nhận xét.

Thương vụ thâu tóm Westinghouse trị giá 5,4 tỉ USD vào năm 2006 của Toshiba là canh bạc đặt cược vào tương lai của năng lượng hạt nhân và là một cách để Công ty tìm kiếm nguồn doanh thu dài hạn, làm đối trọng với mảng sản xuất chip, vốn thường biến động. Nhưng tầm nhìn này đã “trật quẻ” sau khi thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 đã làm giảm nhu cầu và công nghệ điện nguyên tử thế hệ mới AP1000 của Công ty lại khó triển khai.

Thực vậy, kể từ thảm họa Fukushima, năng lượng hạt nhân đã trở thành “món hàng” khó bán hơn rất nhiều. Chính phủ một số nước đã chọn cách co cụm kế hoạch dựa vào hạt nhân như một dạng năng lượng thay thế hoặc quay lưng hoàn toàn với năng lượng hạt nhân để tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo.

Các dự án hạt nhân lớn trên khắp thế giới đã bị hoãn lại, một phần khác cũng là do thiếu các lao động có kỹ năng đáp ứng được tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý. Tại Mỹ, Westinghouse đang triển khai 2 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới ở Georgia và Nam Carolina, vốn đang bị trễ hạn và chi phí bỏ ra quá lớn.

Toshiba gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài bán tài sản. Đây không phải là lần đầu tiên Toshiba bán đi các tài sản sinh lợi. Năm 2016, Công ty đã bán bộ phận thiết bị y tế (sản xuất các thiết bị như MRI, siêu âm và X quang) cho Canon với giá 5,9 tỉ USD. Nhưng một câu hỏi đặt ra: khi bán đi các tài sản sinh lợi lâu dài, Toshiba sẽ còn gì để giúp Công ty chống đỡ trong khi các mảng khác trong đó có mảng hạt nhân đang gặp nhiều khó khăn và chưa thấy lối thoát?

Các chuyên gia phân tích giờ lo ngại về khả năng Toshiba, vốn tuyển dụng gần 200.000 nhân viên tại Nhật, sẽ phải nộp đơn xin phá sản. “Đây là một trong những doanh nghiệp lâu đời của Nhật và đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này. Vì thế, số phận của Toshiba có ý nghĩa rất lớn đối với Nhật. Nó thậm chí sẽ tác động đến hệ số tín nhiệm nợ của nước Nhật nếu tạo ra hiệu ứng mạnh”, Tom O’Sullivan, chuyên gia phân tích ngành năng lượng tại Tokyo, nhận xét.

Những thông tin tiêu cực mới nhất về Toshiba xuất hiện chỉ một ngày sau khi các số liệu chính phủ cho thấy nền kinh tế Nhật tăng trưởng chỉ 0,2% trong 3 tháng kết thúc vào tháng 12.2016, quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng chậm lại.

Văn Quốc

Nguồn Tổng hợp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày