Các đại dương "nghẹt thở" vì nhựa!

Diễm Trang Thứ Ba | 14/08/2018 08:00

Khoảng 8-13 triệu tấn nhựa được đưa vào môi trường hằng năm và tràn ngập nhiều đại dương.

Trái đất sẽ bị "nhà kính" vĩnh viễn


Thế giới đang đối mặt vấn đề rác thải nhựa với khoảng hơn 9,1 tỉ tấn tích tụ trên Trái đất. Dự báo, hơn 13 tỉ tấn rác thải nhựa sẽ được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương vào năm 2050. Trong khi đó,  phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm để một mảnh rác thải nhựa có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

Hơn 80% ô nhiễm nhựa biển đến từ châu Á

Cái chết gần đây của một con cá voi ở biển Songkhla, miền Nam Thái Lan, đã gây nên một làn sóng phẫn nộ của người dân trên toàn thế giới. Gần Mumbai, một con cá voi chết đã trôi dạt vào bờ biển Ả Rập, trong bụng toàn nhựa. Nhưng chưa hết... Một video của thợ lặn người Anh Rich Horner bơi qua những bãi cỏ dày đặc rác thải nhựa ngoài khơi đảo Bali của Indonesia đã lan truyền vào tháng 3 khiến tất cả bàng hoàng. Marine Drive là một trong những thành phố bị tàn phá bởi hàng tấn rác thải sau khi thủy triều dâng cao.

“Châu Á chiếm tới 80% rác nhựa thế giới, nhưng những nỗ lực về việc giảm thiểu rác thải nhựa dường như rất yếu ớt”, Tiến sĩ Theresa Mundita S. Lim, Giám đốc Điều hành của Trung tâm ASEAN về đa dạng sinh học thừa nhận. Nhóm của cô chỉ mới thúc đẩy thành công hành động bài trừ rác thải, bảo vệ đại dương trong năm nay.

Cac dai duong
 

Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc cho thấy khoảng 8-13 triệu tấn nhựa được đưa vào môi trường hằng năm. Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đi kèm theo đó là sự bùng nổ của ngành sản xuất nhựa, khu vực này đã tiêu thụ vượt quá mức. Thói quen tiêu dùng sản phẩm bằng nhựa đang làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Trong một ngày, người Singapore trung bình sử dụng 13 túi nylon và 2,2 triệu ống hút hằng năm. Những nỗ lực chính thức để giải quyết vấn đề đã thất bại.

Đảo nghỉ mát “hoang sơ” của Koh Tao có một ngọn núi rác lên tới 45.000 tấn. Vịnh Maya của Phuket, nơi bộ phim The Beach của Leonardo DiCaprio được quay, đã bị đóng cửa trong 4 tháng để phục hồi do quá tải và ô nhiễm. Koh Larn ngoài Pattaya nhận 10.000 lượt khách mỗi ngày và tích lũy 50.000 tấn rác.

Người Mỹ và người châu Âu sử dụng nhựa nhiều hơn bình quân đầu người so với người châu Á nhưng các hoạt động tái chế và xử lý chất thải thường hiệu quả hơn.

Debi Goenka, người sáng lập Tổ chức Hành động Bảo tồn, một tổ chức phi chính phủ Ấn Độ, xác nhận rằng, Ấn Độ với dân số 1,3 tỉ người có ít chất thải nhựa trên đầu người hơn các nền kinh tế tiên tiến, nhưng lại rất khó khăn trong việc quản lý. “Mô hình tiêu thụ của chúng tôi so với phần còn lại của thế giới là rất kinh khủng, nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết mình để loại bỏ và tái chế chất thải nhựa”, ông nói với tờ Nikkei Asian.

Nhựa, nhựa ở mọi nơi

Trong một chuyến thám hiểm 3 tháng tới Nam Cực vào đầu năm 2018, tàu Greenpeace Arctic Sunrise đã xác nhận sự hiện diện của vi mô trong nước, tuyết, băng và nhìn thấy những mảnh chất thải lớn tương đương một hòn đảo nhỏ.

“Nhựa không phải là tác nhân chính gây nên suy giảm của ngành thủy sản nó đang gây áp lực lớn”, Jerker Tamelander, người điều hành đơn vị bảo tồn san hô ở Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc tại Bangkok cho biết.

Có khoảng 640.000 tấn lưới đánh cá bị mất hoặc bị vướng trên biển, chủ yếu do nylon. Chúng có thể di chuyển hàng ngàn cây số và tiếp tục “câu cá” hoặc mắc vào các rạn san hô và phủ kín trong nhiều thập niên. Trên đất liền, nạn rác thải nhựa ở Đông Nam Á ngày càng trầm trọng hơn rác thải điện tử. Nhựa cứng trong linh kiện điện tử thường được xử lý bằng chất chống cháy brôm, nhưng chất này đã bị cấm ở Mỹ và châu Âu sau khi nghiên cứu tìm thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Cac dai duong
Nhiều biển tại châu Á đang bị rác thải nhựa đe dọa nghiêm trọng.

Cũng theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc, rác nhựa thải trên đại dương đe dọa sự sống của các sinh vật biển, thậm chí còn đi vào chuỗi thực phẩm của con người. Những loài sinh vật nhỏ như rùa biển hay những loài lớn như cá voi đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa. Đặc biệt, châu Á là khu vực gây ô nhiễm môi trường biển nhất do rác thải nhựa, chiếm 60%. Các quốc gia còn lại cũng đưa ra những mục tiêu tham vọng về giảm rác thải nhựa. Chính phủ Indonesia cam kết dành 1 tỉ USD/năm để giảm 70% lượng rác thải nhựa trên biển trước năm 2025.

Theo A. Pipattanawattanaku, nhà hoạt động vì đại dương của tổ chức Greenpeace ở Đông Nam Á, để hoạt động chống rác thải nhựa hiệu quả hơn, ASEAN cần có chiến lược chung về vấn đề rác thải nhựa. Giám đốc phụ trách các sáng kiến quốc tế của Tổ chức Bảo vệ Đại dương Susan Ruffo cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, mà các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và công dân đều có trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải nhựa.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày