Cách nhìn khác về giáo dục mới Việt Nam

Bình Yên Thứ Hai | 17/12/2018 08:00

Giáo dục Mới không phải du nhập vào Việt Nam từ thập niên 2.000 mà đã có cách đây hơn 70 năm.

Giáo dục Mới không phải du nhập vào Việt Nam từ thập niên 2.000 mà đã có cách đây hơn 70 năm.

Khi bắt đầu nghiên cứu về Giáo dục Mới (Progressive Education) tại Việt Nam, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, Đại học Paris Descartes, chỉ nghĩ, đây sẽ là một công trình học thuật thuần túy, sẽ công bố gói gọn trong một buổi hội thảo nhỏ với sự tham dự của vài trăm độc giả. Không ngờ, khi hoàn thành, công trình Giáo Dục Mới Tại Việt Nam Thập Niên 1940 lại được đón nhận nồng nhiệt bởi những người làm giáo dục trong nước. Nguyên nhân là công trình thú vị này đã lật ngược nhận thức về lịch sử Giáo dục Mới. Nó khẳng định, Giáo dục Mới không phải du nhập vào Việt Nam từ thập niên 2.000 như nhiều người vẫn nghĩ, mà đã có cách đây hơn 70 năm.

Hiện là nghiên cứu viên tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương đang đảm nhận vai trò Giám đốc Mạng lưới Giáo dục, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Bà sở hữu Giải thưởng luận án Robert Mallet về Lịch sử Giáo dục, Giải thưởng Louis Cros của l’Académie des sciences morales et politiques, Pháp.

Cach nhin khac ve giao duc moi Viet Nam
 

Nhằm tìm lại chân dung những “tiền bối” trong giáo dục của Việt Nam, bà đã làm một cuộc du hành về miền Bắc thập niên 1940, lần theo bước chân của những nhà giáo tiên phong đưa Giáo dục Mới trên thế giới về Việt Nam để thấy rằng, ngay trong giai đoạn đất nước khó khăn nhất, công tác giáo dục vẫn được chú trọng và xây dựng trên tinh thần nhân văn, tiến bộ.

Được đánh giá là những ghi chép du hành xuyên thời gian, tác phẩm đưa người đọc gặp lại những nhà thực hành giáo dục tiến bộ của Việt Nam thời kỳ đầu tiên, như vợ chồng Nguyễn Phước Vĩnh Bang - Lê Thị Tuất, bà Nguyễn Thị Khang, ông bà Trịnh Hữu Ngọc... Những nhà tiên phong này xuất thân từ nhiều giai tầng, thành phần khác nhau trong xã hội nhưng đặc điểm chung ở họ là hướng đạo và thiện nghĩa. Họ tự nhận lấy trách nhiệm trong cuộc canh tân văn hóa - giáo dục của đất nước trong bối cảnh loạn lạc của những năm Việt Nam đang dâng cao khát vọng độc lập.

Để nắm được tinh thần và cốt cách giáo dục của những người tiên phong thể nghiệm giáo dục mới, tác giả, cùng với những cộng sự đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn tại Thụy Sĩ, Pháp, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn... với nhân vật, với những cựu sinh viên, cựu trợ lý và đồng nghiệp của họ... Nhờ vậy, công trình này có được tiếng nói đa chiều, sát thực. Ít ai biết, tại Đại học Geneva từng có một vị giáo sư gốc Việt danh tiếng trong ngành tâm lý học sư phạm quốc tế: Nguyễn Phước Vĩnh Bang. Ông là một hoàng thân của hoàng triều cuối cùng Việt Nam, cánh tay phải của Jean Piaget, một nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ, nổi tiếng về những nghiên cứu nhận thức luận với trẻ em.

Ngoài ra, Giáo Dục Mới Tại Việt Nam Thập Niên 1940 cũng mang đến người đọc cơ hội khám phá những ngôi trường mẫu giáo công lập lẫn tư thục đầu tiên của người Việt.

Qua những khám phá đáng ngạc nhiên, tác phẩm gửi đến hiện tại và tương lai những gợi mở đầy nhân văn, một câu hỏi lớn về trách nhiệm và sự nghiêm túc dành cho những vườn ươm con người trong bối cảnh mới. Sách do Phanbook thực hiện, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày