Startup

Fastgo gọi cả trực thăng

Ngọc Thủy Thứ Tư | 24/04/2019 14:00

Ảnh: ven.vn

Trong khi còn đang tìm chỗ đứng ở dịch vụ gọi xe, Fastgo bất ngờ với kế hoạch mở dịch vụ gọi trực thăng.
Ảnh: ven.vn

Công ty Cổ phần FastGo Việt Nam, một startup công nghệ vừa thông báo, cuối tháng 4 này sẽ triển khai dịch vụ  gọi trực thăng với tên FastSky. Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo, tiết lộ: “FastSky sẽ có 4 dịch vụ chính là SkyTour, SkyWedding, SkySOS và SkyPlus”.

Lãnh đạo FastGo xác nhận, Công ty chỉ là đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ kết nối. Còn đối tác mới là hãng cung cấp trực thăng và lo các vấn đề thủ tục, giấy phép. FastGo chưa tiết lộ tên tuổi đối tác nhưng cho biết, đối tác sẽ cung cấp khoảng 10-12 trực thăng cho dịch vụ FastSky.

Thực tế, trong số hiếm các công ty Việt Nam sở hữu trực thăng, đáng chú ý nhất là Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Vietnam Helicopters, VNH). Theo thông tin website, VNH tham gia lĩnh vực cung cấp dịch vụ trực thăng cho các hãng dầu khí và cho chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA) suốt 30 năm qua. Ngoài ra, VNH và các công ty thành viên còn cho thuê trục thăng để phục vụ du lịch, khảo sát, cứu hộ, cứu nạn... Các hoạt động này không dừng ở Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Đến nay, số lượng trực thăng mà VNH sở hữu khoảng 28 chiếc, gồm nhiều loại như AW189 (Ý), E Mi 172, Bell 505 (Mỹ)...

Fastgo goi ca truc thang

Có thể thấy, dịch vụ cho thuê trực thăng không mới. Dịch vụ này lâu nay được triển khai ở nhiều điểm du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Vũng Tàu... Không ít các công ty lữ hành như APT Travel, Vitours, Indovina Travel đã kết hợp với VNH và các đơn vị thành viên tổ chức những tour tham quan bằng trực thăng. Hay các khách sạn lớn như Sofitel Metropole Hà Nội cũng từng đưa vào khai thác dịch vụ bay trực thăng phục vụ du khách quốc tế.

Giá vé thấp nhất cho mỗi tour khoảng 3-4 triệu đồng/người, bằng với mức giá rẻ nhất mà FastGo dự tính triển khai cho dịch vụ FastSky. Trường hợp bay lâu hơn hoặc di chuyển với số lượng người ít hơn, với loại trực thăng cao cấp hơn,  khách hàng phải trả tiền gấp đôi, gấp 3. Vì thế, đa số khách mua tour trực thăng thường là khách cao cấp. Đối với nhu cầu thuê riêng trực thăng, giá thuê rẻ nhất cũng khoảng 150-200 triệu đồng/chuyến. Theo ghi nhận chung, nhu cầu này chưa nhiều, chỉ một số ít doanh nhân, người thành đạt, nổi tiếng, giới đại gia mới sử dụng dịch vụ này.

Có lẽ vì tính phổ biến chưa cao nên phía cung cấp trực thăng đã nghĩ tới phương án kết hợp với hãng công nghệ để đẩy mạnh dịch vụ? Thực tế, nhu cầu bay trực thăng là có thật. Bất cứ ai cần di chuyển nhanh chóng, cần những cảnh quay đẹp, tạo màn cầu hôn ấn tượng, cần trải nghiệm thú vị..., đều muốn di chuyển bằng trực thăng.

Fastgo goi ca truc thang

Nhưng vì chi phí cho sử dụng dịch vụ này cao nên thường di chuyển trực thăng chỉ phù hợp với người có tiền. Tầng lớp này đang tăng lên tại Việt Nam và ước đạt 33 triệu người vào năm 2022, theo dự đoán của World Bank. Đó là chưa kể một lượng lớn du khách quốc tế, khi đến Việt Nam thông qua hàng trăm hãng lữ hành cũng có nhu cầu trải nghiệm, ngắm nhìn phong cảnh Việt Nam từ trên không.

Tuy nhiên, theo ý kiến của những người trong ngành, Việt Nam vẫn cần nhiều công ty tham gia cung cấp trực thăng để tăng tính cạnh tranh, tính đa dạng và hạ giá dịch vụ. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đơn giản hơn về thủ tục, cấp phép bay cho trực thăng. Bởi vì, một số doanh nhân như ông Đoàn Nguyên Đức (ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai), ông Trần Đình Long (ông chủ của Hòa Phát), ông Cao Văn Sơn (ông chủ của Hành Tinh Xanh)... tuy đã sắm trực thăng nhưng gặp nhiều khó khăn trong xin cấp phép bay. Ngành dịch vụ di chuyển bằng trực thăng cũng rất cần đến những đầu tư, nâng cấp hạ tầng. Có như vậy, dịch vụ di chuyển bằng trực thăng ở Việt  Nam mới có thể phát triển.

Trong khi đó, xu hướng thế giới cũng ngày càng chú ý đến di chuyển bằng trực thăng. Tháng 8.2018, Uber đã hé lộ dự án đi chung trực thăng, có tên UberAir. Dự kiến dịch vụ này sẽ triển khai ở các thành phố Sydney (Úc), Dallas và Los Angeles (Mỹ) vào năm 2020. Bên cạnh đó, Uber cũng dự tính sẽ triển khai UberAir ở các thành phố của Pháp, Brazil, Ấn Độ, Nhật. Nếu thuận lợi, Uber còn nghĩ tới phương án UberAir sẽ trở thành phương tiện giao thông công cộng phục vụ cho Thế vận hội Los Angeles năm 2028.

Fastgo goi ca truc thang

Không riêng Uber, từ năm ngoái, ở Singapore và New Zealand đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ dùng trực thăng như phương tiện giao thông công cộng. Hay mới đây, theo nguồn tin từ Bloomberg, Công ty Ascent Flights Global (AFG), có trụ sở chính ở Singapore dự kiến triển khai dịch vụ đi chung trực thăng chống tắc đường tại Philippines. Nếu việc kinh doanh tại Philippines thành công, Ascent Flights Global có thể sẽ mở rộng dịch vụ đi chung  trực thăng sang Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 2020, sau đó là Trung Quốc, Nhật.

Rõ ràng, đi chung trực thăng đã và sẽ là lựa chọn thịnh hành trong tương lai, nhất là trong giới doanh nhân và người có tiền. FastGo nhìn thấy xu hướng này và quyết định dấn bước. Chưa biết FastGo và đối tác sẽ thành công ra sao. Nhưng việc hai bên bắt tay nhau để cùng thúc đẩy dịch vụ đi chung trực thăng hứa hẹn giúp FastGo đa dạng hóa dịch vụ, tạo thêm cơ hội kinh doanh cũng như gây chú ý về mặt thương hiệu.
Còn đối với hãng cung cấp trực thăng, hợp tác với FastGo cũng sẽ mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng mới, dễ dàng hơn, giúp  dịch vụ đi chung trực thăng ở Việt Nam trở nên gần gũi và thuận tiện hơn. Trước mắt, FastGo sẽ triển khai FastSky tại Hà Nội và chỉ nhận khách hàng đặt chuyến qua thẻ ngân hàng. Nhưng khách hàng có thể trả góp qua thẻ tín dụng với lãi suất 0%, dưới sự hỗ trợ của VIMO Việt Nam.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày