Tài Chính

Quỹ hiến tặng của trường đại học ngày càng có giá

Ngô Ngọc Châu Thứ Tư | 28/09/2016 08:00

Quản lý tài sản cho các quỹ hiến tặng của trường đại học là phân khúc tăng trưởng hiếm hoi trong một ngành đang sa sút.

Khi Đại học Connecticut (UConn) treo bảng tìm người quản lý một phần khối tài sản quỹ hiến tặng (endowment) của mình, công ty dịch vụ tài chính TIAA đã đến gõ cửa. Thế nhưng, TIAA nhận thấy không chỉ mỗi mình công ty mà còn có tới 26 nhà quản lý tài sản khác đã chờ chực từ trước. Vì thế, TIAA đã gửi ngay Chủ tịch Công ty là Roger Ferguson, nguyên Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đích thân đến đàm phán.

Điều này cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng, công ty tư vấn, các công ty quản lý quỹ... trong việc giành thị trường quản lý tài sản cho các quỹ hiến tặng trị giá 100 tỉ USD. Theo Charles Skorina & Co, công ty tuyển dụng nhà điều hành tại Mỹ, khoảng 80 công ty đầu tư đã ra đời trong 1 thập niên qua, nhắm đến các quỹ từ thiện, các công ty quản lý tài sản gia đình và các trường đại học.

Quỹ hiến tặng của một trường đại học có thể hiểu là quỹ có được do sự chuyển nhượng tiền hay tài sản của nhiều người (phần lớn là cựu sinh viên trường) với mục đích chính là làm cho những món tiền hay tài sản đó đầu tư sinh lời. Quỹ hiến tặng chỉ chiếm một góc nhỏ trong chiếc bánh 53.000 tỉ USD ngành quản lý tài sản Mỹ, nhưng đây lại là một lĩnh vực tăng trưởng hiếm hoi trong một ngành đang sa sút.

Thực vậy, ngành quản lý tài sản đang chật vật cạnh tranh với các quỹ đầu tư theo chỉ số và các công ty giao dịch dựa trên nền tảng máy tính, vốn đang cắt giảm mạnh mức phí quản lý. Vì thế, các công ty quản lý tài sản không dễ bỏ qua một phân khúc tăng trưởng như quỹ hiến tặng. Mặt khác, các quỹ hiến tặng tại trường đại học cũng cho các nhà quản lý bên ngoài một cơ hội vàng để tiếp cận những mạnh thường quân giàu có cũng như các công ty ủy thác, vốn là những khách hàng cực kỳ tiềm năng.

“Phân khúc này trở nên chật chội không thể tin nổi. Nhưng về lý thuyết, không phải ai cũng trụ lại được và trở thành người chiến thắng...”, Kevin Quirk, một nhân vật quan trọng tại công ty tư vấn chiến lược quản lý tài sản Casey Quirk by Deloitte, nhận xét. 

Trường Đại học Kenyon đã thuê CornerStone Partners vào tháng 10 vừa qua để quản lý 218 triệu USD giá trị tài sản sau khi Giám đốc Đầu tư của trường này nghỉ hưu. Đại học bang Oregon đã cho 15 doanh nghiệp dự thầu để giành quyền quản lý quỹ hiến tặng trị giá 505 triệu USD vào tháng 4. Đến tháng 6, Trường đã chọn một bộ phận của Perella Weinberg Partners có trụ sở tại New York, Mỹ để quản lý tài sản thay cho công ty tư vấn Mercer, thuộc Marsh & McLennan. Mercer không bình luận gì.

Ngành quản lý tài sản quỹ hiến tặng đã trở nên cạnh tranh đến nỗi một số trường sẵn sàng thay nhà quản lý nhằm tìm kiếm mức sinh lợi tốt hơn. Trường đại học về nghệ thuật tự do University of the South (còn được gọi là Sewanee) ở bang Tennessee hồi đầu năm nay đã cho 6 công ty đấu thầu để giành quyền quản lý quỹ hiến tặng 336 triệu USD, thay cho JPMorgan Chase, vốn đã quản lý quỹ hiến tặng của trường này kể từ năm 2010. Sewanee cuối cùng đã chọn Edgehill Endowment Partners, đồng sáng lập bởi Ellen Shuman, cựu Giám đốc Đầu tư Carnegie Corp., vốn tạo ra mức sinh lời trung bình 10 năm lên tới 9,9%/năm khi bà rời khỏi vị trí này vào năm 2011. Shuman từng được đào tạo dưới trướng của David Swensen, vị Giám đốc Đầu tư huyền thoại của Đại học Yale.

John McCardell Jr., Chủ tịch Sewanee, nhận xét: “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ được phục vụ rất chu đáo. Chỉ cần nhìn vào bề dày thành tích của những người đứng đầu là có thể thấy được điều đó”. JPMorgan không bình luận gì về vấn đề này.

Ban đầu chỉ có các trường đại học nhỏ hơn mới nhờ đến các công ty bên ngoài quản lý tài sản giúp họ, nhưng sau đó xu hướng thuê ngoài quản lý tài sản đã bành trướng mạnh mẽ khi các thị trường tài chính ngày càng biến động. Đại học George Washington đã đóng cửa văn phòng đầu tư và chia tay với vị Giám đốc Đầu tư của mình vào năm 2014, thay vào đó mời Strategic Investment Group quản lý phần lớn khối tài sản 1,6 tỉ USD của quỹ.

Trong số ít nhất 529 tỉ USD tổng giá trị tài sản quỹ hiến tặng của các trường đại học, có khoảng 100 tỉ USD đã được đưa cho các công ty bên ngoài quản lý trong những năm gần đây, hơn gấp đôi số tiền được quản lý bởi các công ty thuê ngoài vào năm 2010, theo số liệu của National Association of College and University Business Officers (Nacubo) và Commonfund.

Investure đã quản lý quỹ hiến tặng 1,8 tỉ USD của Đại học Smith kể từ năm 2004, tạo ra mức sinh lời trung bình hằng năm trong 10 năm lên tới 9,5% cho đến hết tháng 6.2015, so với mức chỉ 6,3% của các quỹ hiến tặng nói chung, Nacubo cho biết.

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý quỹ mới gia nhập sân chơi này thì chưa rõ có mang lại mức sinh lời tốt hơn hay không. Nhiều trong số những người mới bước vào như TIAA (bắt đầu quản lý tài sản cho các đơn vị bên ngoài vào năm 2011) gần như không có thành tích lẫy lừng.

Không có ai trong số hơn 10 doanh nghiệp bên ngoài nhận quản lý tài sản cho các quỹ hiến tặng chịu tiết lộ tình hình đầu tư của họ. Họ cũng từ chối công bố mức phí quản lý. Dẫu vậy, một vài trường đại học cho biết một số công ty đã tính phí hơn 1% giá trị tài sản được quản lý hằng năm. “Vẫn là công thức cũ... Các con số không rõ ràng về tình hình kinh doanh và mức phí thì được giữ bí mật”, Erik Gordon, Giáo sư kinh doanh tại Trường Kinh doanh Stephen M. Ross thuộc Đại học Michigan, nhận xét.

Quy hien tang cua truong dai hoc ngay cang co gia
TIAA đã phải vượt qua 26 công ty khác mới giành được suất quản lý tài sản cho quỹ hiến tặng của Trường Đại học UConn. Ảnh: ctpost.com

Quỹ hiến tặng 332 triệu USD của UConn được quản lý bởi Ủy ban Đầu tư thuộc UConn Foundation, vốn “trông cậy” vào 2 chuyên gia tư vấn và 2 nhân viên, theo Jerry Ganz, Phó Chủ tịch UConn Foundation phụ trách tài chính và hành chính. Quỹ tạo ra mức sinh lời trung bình hằng năm trong 10 năm là 4,8% cho đến hết tháng 6.2015, Ganz cho biết.

UConn quyết định thuê ngoài quản lý 1/3 danh mục tài sản, bao gồm cổ phần tại các quỹ đầu cơ cũng như một số khoản đầu tư thu nhập cố định và cổ phiếu toàn cầu, theo Ganz. Phần còn lại - bao gồm các quỹ cổ phiếu dựa trên chỉ số và các khoản đầu tư tư nhân vào các quỹ mạo hiểm và quỹ mua lại cổ phần bằng vốn vay - thì vẫn để cho UConn Foundation quản lý, ông cho biết thêm.

Ganz từ chối tiết lộ mức phí cụ thể, chỉ nói rằng mức phí trong khoảng 0,25-0,75% giá trị tài sản được quản lý, tương tương lên tới 750.000 USD mỗi năm đối với trường đại học này. Con số trên còn thấp hơn mức lương trả cho 2 chuyên gia tư vấn của quỹ, theo Ganz.

Sau khi UConn sàng lọc danh sách các đơn vị tham gia đấu thầu, còn 3 công ty vào được vòng chung kết. TIAA đã đưa ra “át chủ bài” Roger Ferguson và họ đã thắng thầu. Kevin Nee, CEO của Covariance Capital Management, công ty con của TIAA phụ trách quản lý tài sản cho UConn, từ chối tiết lộ vai trò của Ferguson trong thương vụ này cũng như mức phí áp với UConn.

“Người đại diện cho một công ty lớn ngồi đó nói với bạn rằng đừng lo gì cả và rằng Công ty không phải làm ăn ngắn hạn mà họ cam kết hoàn toàn với bạn. Rõ ràng, ông ấy đã đưa ra những câu trả lời rất đẹp lòng người nghe”, Ganz nói.

Ngô Ngọc Châu

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày