Thế giới

Apple và đối tác sẽ khó lòng di dời khỏi Trung Quốc?

Bá Ước Thứ Hai | 04/02/2019 11:46

Ông Tim Cook - CEO Apple. Ảnh: ABC

Vấn đề nan giải của Apple là các tiêu chuẩn cao riêng của hãng đã tạo ra một chuỗi cung ứng cạnh tranh độc đáo, sẽ mất nhiều năm để nhân rộng.
Ông Tim Cook - CEO Apple. Ảnh: ABC

Mạng lưới quá lớn để di dời

Apple không chỉ là một trong những nạn nhân lớn nhất của trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, mà chuỗi cung ứng rất phức tạp mà Apple xây dựng tại Trung Quốc trong hơn 20 năm qua đã làm phát sinh một trong những đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất của họ: Huawei.

Điều đó làm giấy lên đồn đoán cho rằng công ty có thể di dời nhà máy khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, một phân tích của Nikkei Asian Review (Nikkei) cho thấy gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ này khó lòng làm được điều này.

"Hệ sinh thái chuỗi cung ứng khổng lồ và đầy đủ ở Trung Quốc là chìa khóa thành công của nhà sản xuất iPhone, nhưng nó cũng là điều khiến một gã khổng lồ khó mà chuyển đến một nơi khác", Jeff Pu, nhà phân tích kỳ cựu tại công ty chứng khoán GF có trụ sở tại Hồng Kông nhận định.

Apple đã không phải là công ty duy nhất đổ xô đến Trung Quốc. Nhưng các công ty khác, chẳng hạn như Samsung, đã sớm nhận ra những rủi ro của việc tập hợp tất cả sản xuất tại đất nước đông dân nhất thế giới. Hãng đã bắt đầu xây dựng một cơ sở sản xuất lớn Việt Nam từ năm 2008.

Pu tin rằng vị Ceo của Apple "đã chọn tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng hơn là nhìn về những rủi ro tiềm ẩn".

Apple va doi tac se kho long di doi khoi Trung Quoc?
Nguồn: Nikkei Asian Review.

Apple cho biết 200 nhà cung cấp hàng đầu của họ chiếm 98% tổng chi tiêu mua sắm. Trong năm 2017, khoảng 75% các nhà cung cấp này có ít nhất một nhà máy chỉ để phục vụ cho Apple tại Trung Quốc, trong khi 22% có từ 3 nhà máy trở lên.

Tổng cộng, các nhà cung cấp của Apple có 356 cơ sở tại Trung Quốc sản xuất các bộ phận hoặc lắp ráp sản phẩm, nghiên cứu của Nikkei cho thấy. Con số này cao hơn 7% so với năm 2012.

Để so sánh, số lượng các cơ sở tại Hoa Kỳ được vận hành bởi các nhà cung cấp lớn nhất của Apple đã giảm 31% xuống chỉ còn 57 nhà máy trong giai đoạn 2012-2017.

Có một số bằng chứng cho thấy Apple và các nhà cung cấp lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về đa dạng hóa. Phân tích của Nikkei Asian Review cho thấy sự gia tăng các cơ sở cung cấp Apple tại Ấn Độ và Việt Nam. Nhưng đây vẫn là một tỷ lệ nhỏ.

Trong khi đó, các nhà lắp ráp iPhone lớn Foxconn, và Pegatron đang báo hiệu kế hoạch đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, các quy trình và hậu cần phức tạp mà Apple yêu cầu và đặc biệt là iPhone, khiến việc sản xuất di chuyển trở nên khó khăn.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng đây sẽ là "nhiệm vụ bất khả thi" để thay đổi chuỗi cung ứng phức tạp của Apple kịp thời để giảm thiểu tình trạng nhu cầu đang một suy yếu hoặc tác động của cuộc chiến thương mại của Washington với Trung Quốc.

Doanh số của Apple đã giảm mạnh ở Trung Quốc khi người tiêu dùng phản đối hành động của Hoa Kỳ chống lại Huawei.

"Các nhà cung cấp không thể rời khỏi Trung Quốc chỉ trong một đêm ... Có thể mất ít nhất 10 năm và chúng tôi vẫn sẽ không hoàn thành việc di chuyển", CEO của Pegatron S.J. Liao cho biết gần đây.

Không đâu tốt hơn Trung Quốc?

Khó khăn nằm ở sự phức tạp của việc sản xuất iPhone, khi mà vẫn còn nhiều việc phải làm bằng tay và trong hệ sinh thái sản xuất các thành phần, hậu cần và tài năng đã được gây dựng trong và xung quanh các các địa điểm sản xuất của Apple.

Ngoài ra, đó còn là vì hệ thống hỗ trợ hào phóng của chính phủ Trung Quốc cho các công ty làm việc cho Apple, điều này đã giúp giữ cho chi phí của các nhà cung cấp ở mức thấp và tỷ suất lợi nhuận cao.

Một cuộc điều tra của New York Times năm 2016 đã nêu chi tiết những lợi ích mà thành phố Trịnh Châu mang lại cho Foxconn vào năm 2010 đối với nhà máy iPhone mới rộng lớn của họ, nơi hiện đang tạo ra khoảng một nửa số iPhone trên thế giới. Chúng bao gồm đào tạo và nhà ở cho công nhân, chi phí năng lượng rẻ hơn và giảm giá cho lao động, cũng như giảm thuế.

Giám đốc tài chính của Pegatron, Charles Lin, cho biết công ty của ông đã không thể tìm thấy bất kỳ quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc, mặc dù họ đang nỗ lực để đa dạng hóa sản xuất.

Vấn đề nan giải của Apple là các tiêu chuẩn cao của riêng họ đã tạo ra một chuỗi cung ứng cạnh tranh độc đáo sẽ mất nhiều năm để nhân rộng. "Apple là một khách hàng cực kỳ khó tính ... Nhiều [nhà cung cấp] đã chấp nhận lợi suất kinh tế ở mức thấp và nhiều công ty đã mất rất nhiều tiền trong quá trình này ... Điều này buộc các nhà cung cấp phải phát triển các khả năng mà trong nhiều trường hợp khá phi thường", Willy Shih, giáo sư quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard, nói với Nikkei Asian Review.

Apple va doi tac se kho long di doi khoi Trung Quoc?
 

Nhưng những khả năng đó - được Apple nuôi dưỡng và thúc đẩy bởi doanh số iPhone tăng nhanh trong thập kỷ qua.

Cook đã nhiều lần khẳng định rằng Apple hiện diện tại Trung Quốc không còn là vì lí do chi phí. Bây giờ, đó là về việc tiếp cận với một hệ thống có sản xuất chuyên sâu và các lao động tài năng.

Quyết định của Cook tìm kiếm đối tác với các nhà máy lớn ở Trung Quốc đã mang lại cho công ty của ông sự nhanh nhẹn, tiết kiệm chi phí và khả năng sản xuất mà ông cần để chế tạo cỗ máy kiếm tiền không thể so sánh được mà Apple đã có trong 10 năm qua. Trong năm tài chính 2018, Apple đã kiếm được doanh thu kỷ lục 265,59 tỉ USD, trong đó gần 20% đến từ Trung Quốc. Cook đã đi du lịch đến Trung Quốc 14 lần kể từ khi trở thành CEO, trong một dấu hiệu về tầm quan trọng mà ông gắn bó với thị trường.

Nhưng khi ngành công nghiệp điện thoại thông minh trưởng thành, câu hỏi về chi phí và giá cả sẽ càng trở nên cấp bách hơn. Sean Kao, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu IDC, cho biết sự thay đổi đó sẽ khiến Apple và các nhà cung cấp châu Á rất khó duy trì mức lợi nhuận như nhau.

Công ty Hoa Kỳ sẽ phải giảm sự phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc, khi chi phí và rủi ro ngày một tăng lên. Hầu hết các nhà cung cấp hàng đầu của công ty đang nói chuyện với Apple về cách giảm thiểu rủi ro khi ở lại Trung Quốc, Nikkei trích dẫn nguồn tin am hiểu cho biết. Nhưng chưa có ai tìm ra cách chuyển dời chuỗi cung ứng phức tạp của Apple.

"Chuỗi cung ứng điện thoại thông minh là phức tạp nhất trên thế giới ... và nó là điều khó khăn nhất để chuyển sang bất cứ nơi nào khác vì sự phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc," Kao nói.

Bất chấp nhiều vấn đề phức tạp, Trung Quốc vẫn cung cấp sự kết hợp tốt nhất của cơ sở hạ tầng, mạng lưới nhà cung cấp và tính linh hoạt lao động, các vị lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành cho hay.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày