Thế giới

Dữ liệu nói gì về kinh tế Trung Quốc và thế giới?

Thúy Nguyễn Thứ Hai | 15/04/2019 20:04

Ảnh: Bloomberg

Những cải thiện trong ngắn hạn không thể là sự đảm bảo trong dài hạn.
Ảnh: Bloomberg

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, cùng với bằng chứng ngày càng rõ ràng về áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, đã tạo ra một sự bất ổn lớn đối với nền kinh tế toàn cầu vào năm 2019. Dữ liệu được công bố vào tuần trước đã củng cố thêm khái niệm ổn định ngắn hạn ở Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có một bằng chứng thuyết phục nào cho thấy sự tăng trưởng cao hơn trong dài hạn , hoặc một con đường ít bất ổn hơn với nền kinh tế toàn cầu do sự lệch pha về tăng trưởng giữa các nền kinh tế chủ chốt.

Trải qua nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã khéo léo nương theo "cơn gió xuôi chiều" từ nền kinh tế toàn cầu để thúc đẩy sự chuyển đổi cung- cầu một cách mạnh mẽ và có lợi tại nước nhà: Từ việc tiếp cận thị trường nước ngoài để mở rộng sản xuất, thu nhập và việc làm, đến việc nhập khẩu và tiếp thu các tiến bộ công nghệ giúp nâng cao năng suất và cho phép Trung Quốc có thể cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, gần đây, “cơn gió xuôi chiều” này đã trở thành “cơn gió ngược chiều” do 3 yếu tố riêng biệt nhưng mạnh mẽ:

  1. Các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc đã trở nên kém năng động hơn, đặc biệt là ở khu vực châu Âu.
  2. Mỹ đã áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc và đe dọa mạnh tay hơn trong việc phản ứng với những bất bình về việc Trung Quốc sử dụng các hàng rào không thuế và trộm cắp tài sản trí tuệ.
  3. Ở một số khía cạnh nào đó, việc triển khai dự án Vành đai-Con đường của Trung Quốc (BRI) đã dẫn đến mối lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các điều khoản và điều kiện, tình trạng nợ nần ngày một tệ đi tại một số nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn thương.

Khi những cơn gió ngược từ nước ngoài được phản ảnh bằng các chỉ số kinh tế ngày một tệ đi tại Trung Quốc, chính quyền nước này đã lựa chọn một loạt các chính sách kích thích mạnh mẽ, bao gồm các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Về cơ bản, đây là một sự áp dụng lại với một loạt các biện pháp đã được sử dụng thành công trong quá khứ để tránh sự suy thoái kinh tế kéo dài, bao gồm cả hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Dữ liệu gần đây cho thấy các biện pháp kích thích đã bắt đầu có hiệu quả. Chỉ số của các nhà quản trị mua hàng đã được cải thiện, cùng với đó là một lượng tín dụng đáng kể đã được bơm vào nền kinh tế. Cùng với sự phục hồi về số lượng xuất khẩu của tháng 3 và kỳ vọng của một thỏa thuận thương mại Trung Quốc – Mỹ trong vài tuần tới là những lý do chính đáng để chờ đợi một sự hồi phục tăng trưởng kinh tế.

Đây cũng là tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu và cho các thị trường. Dự báo được công bố vào tuần trước cho thấy Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính sẽ có hơn 2/3 thế giới phát triển chậm lại trong năm 2019. Sự sụt giá của các tài sản tài chính đã phản ứng tức thì bằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã ngừng tăng lãi suất trong quý đầu tiên của năm nay, nhưng việc các thị trường quá phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương đã dấy lên lo ngại về tính bền vững và là rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Nhìn chung, cũng còn quá sớm để biến những sự cứu trợ ngắn hạn này thành sự lạc quan lâu dài cho cả Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã nhận thức rằng đất nước này cần nhanh chóng quay trở lại thực hiện các biện pháp cải cách cơ bản cần thiết hơn, tạo sức mạnh cho một nền kinh tế đang ngày càng trở nên phức tạp. Các biện pháp kích thích ngắn hạn không chỉ cho thấy hiệu quả ngày càng kém hơn theo thời gian, mà còn mâu thuẫn với các mục tiêu đã đề ra của Trung Quốc nhằm giảm các khoản nợ lớn của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, và nhìn chung là, tiếp tục chuyển sang phân bổ nguồn lực theo định hướng về giá nhiều hơn.

Ngoài những lo ngại về tính bền vững của sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, những câu hỏi quan trọng về tình hình của châu Âu vẫn chưa được trả lời thỏa đáng bằng các chính sách hành động dứt khoát. Bao gồm:

  1. Năm nền kinh tế lớn nhất (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh) vẫn chịu đang chịu sức ép tăng trưởng suy giảm.
  2. Sự phối hợp chính sách tại khu vực, việc xây dựng và thực thi các chính sách trên tiếp tục bị làm suy yếu bởi tình hình căng thẳng giữa các bên (bao gồm cả những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, và giữa Đức và Pháp, Pháp và Ý, Ý và chính quyền châu Âu, và chính quyền châu Âu và Hungary).
  3. Các khu vực đang tăng tưởng nhanh dường như cũng đang chững lại.
  4. Một số nền kinh tế dễ bị tổn thương có nguy cơ rủi ro cao, bao gồm cả Ý, nơi vẫn hiển hiện rủi ro suy thoái, có nguy cơ tái hiện lại những lo lắng về tính bền vững của khoản nợ dài hạn.

Trong vài tuần và vài tháng tới, sự ổn định kinh tế của Trung Quốc có thể tạo nên tin tốt cho người dân và cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn cho cả hai vẫn là điều chưa chắc chắn.

Ở Trung Quốc, phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng của chính quyền khi thực thi các chính sách hỗn hợp: duy trì sự kích thích tăng trưởng cùng với việc dần dần quay trở lại các chính sách cải cách lâu dài. Đây là điều cần thiết để tránh bẫy thu nhập trung bình và duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn ấn tượng.

Sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu và các thị trường cần nhiều hơn thế nữa. Điều này đòi hỏi ý chí chính trị kiên định ở châu Âu, trên cả cấp độ quốc gia và khu vực, để thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, tránh sự đình trệ kinh tế, giảm rủi ro về các bất ổn xuất phát từ gánh nặng nợ nần.

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày