Thế giới

TS Lê Đặng Trung và hành trình từ World Bank, UNDP đến PAPI

Nguyệt Nguyễn Thứ Tư | 28/09/2016 08:00

“Tôi lựa chọn cạnh tranh toàn cầu bằng chất lượng, chứ tuyệt đối không hạ giá dịch vụ”.

“Tôi lựa chọn cạnh tranh toàn cầu bằng chất lượng, chứ tuyệt đối không hạ giá dịch vụ”.

Gần đây, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được công bố rộng rãi. Nhiều tổ chức quốc tế đã lấy kết quả khảo sát này làm cơ sở chuẩn mực đáng tin cậy để đánh giá những tiến bộ cải cách hành chính của Việt Nam. Điều bất ngờ là chỉ số này dựa trên đơn vị cung ứng giải pháp công nghệ thu thập dữ liệu real-times của một công ty Việt Nam có tên là RTAnalytics.

Ra đời từ năm 2009, chỉ số PAPI là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Có tính chất quốc tế nhưng PAPI lại được khảo sát thủ công với câu hỏi trên giấy. Vì thế, thời gian khảo sát thực địa và xử lý hậu kỳ thường kéo dài trên 10 tháng. Hai năm gần đây, nhờ áp dụng giải pháp công nghệ thu thập dữ liệu real-times của RTAnalytics, sau khi có kết quả thực địa, thời gian để ra báo cáo cuối cùng chỉ còn 1-2 tháng. 

Trở về từ Đan Mạch, Tiến sĩ kinh tế Lê Đặng Trung, Tổng Giám đốc Công ty RTAnalytics, là tác giả đóng góp vào việc rút ngắn thời gian và chi phí để thực hiện chỉ số PAPI trong việc đánh giá công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công. Chỉ số này dựa trên khảo sát gần 75.000 người dân ở 63 tỉnh thành. Thông thường, các khảo sát lớn quy mô quốc gia như PAPI vì có tầm quan trọng đặc biệt nên quyền thực thi và tư vấn giải pháp tổng thể sẽ thuộc về các tổ chức uy tín giàu kinh nghiệm của nước ngoài.

Cụ thể, từ khi mới ra đời đến năm 2011, lần lượt Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) cùng với UNDP tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) đã đồng tài trợ cho sáng kiến PAPI trong giai đoạn đầu của nghiên cứu. Một công ty Việt Nam được tin tưởng cung cấp giải pháp khảo sát, phân tích thống kê cấp quốc gia là chưa từng có.

NCĐT đã gặp gỡ Tiến sĩ Lê Đặng Trung để tìm hiểu thêm về thành công của RTAnalytics trong lĩnh vực liên quan đến thống kê học, vốn có rất nhiều thách thức, ngay cả đối với những những quốc gia giàu truyền thống phân tích số học như Mỹ, Pháp và Đan Mạch.

Ý tưởng thành lập một công ty chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ nghiên cứu và tư vấn liên quan đến khoa học thống kê đã được Tiến sĩ Lê Đặng Trung nhen nhóm từ khi còn là nghiên cứu sinh tại Copenhagen, Đan Mạch. Khi giải pháp công nghệ điện toán đám mây và thiết bị di động trở nên phổ biến tại Việt Nam thì ông quyết định đây chính là thời điểm chín muồi để biến ý tưởng thành hiện thực. Hơn một thập niên sống và làm việc tại nước ngoài, Tiến sĩ Trung trở về và thành lập Công ty RTAnalytics ở TP.HCM. Hơn 20 tháng ròng, ông và cộng sự chỉ dồn công vào xây dựng hai gói sản phẩm chủ lực dựa trên nền tảng khoa học thống kê hiện đại là quản lý quy trình và quản lý khảo sát, điều tra thực địa.

Khác với vẻ ngoài trầm lặng, Tiến sĩ Lê Đặng Trung không chỉ lặng lẽ nghiên cứu các mô hình thống kê, kinh tế học, mà còn rất táo bạo trong kinh doanh và phát triển thị trường. Giai đoạn đầu của khởi nghiệp, khi hơn một nửa nhân sự tập trung vào kiện toàn sản phẩm thì ông lại rong ruổi khắp châu Phi và châu Á để tìm hiểu thị trường mục tiêu. “Thế giới ngày nay đã rất phẳng cho bất cứ ngành nghề nào, miễn là chất lượng sản phẩm đủ tốt”, ông giải thích động lực cho nhiều chuyến đi đến những mảnh đất xa xôi ở châu Phi, vì ông tin rằng khoa học thống kê sẽ là nền tảng cho những chuyển biến vĩ mô về kinh tế quản lý tại châu lục nghèo này.

Sau gần 2 năm, RTAnalytics cuối cùng cũng có những đơn đặt hàng đầu tiên. Nhờ giải pháp công nghệ khảo sát tiên tiến nên tiết kiệm tối đa được thời gian, nhân lực và chi phí khảo sát thực địa. Nhưng khi lượng khách hàng tìm đến sử dụng dịch vụ bắt đầu gia tăng thì Công ty lại đối mặt với một thách thức khác. Ông băn khoăn nên chọn chiến lược phát triển nhanh theo chiều rộng để trong thời gian ngắn nâng cao thương hiệu hoặc phát triển theo chiều sâu để tận dụng triệt để lợi thế độc quyền về kiến thức chuyên ngành.

“Cuối cùng, tôi lựa chọn cạnh tranh toàn cầu bằng chất lượng, chứ tuyệt đối không hạ giá dịch vụ”, Tiến sĩ Lê Đặng Trung chia sẻ thời điểm quan trọng khi ông cùng cộng sự thống nhất được chiến lược phát triển dài hạn cho RTAnalytics.

TS Le Dang Trung va hanh trinh tu World Bank, UNDP den PAPI
Tiến sĩ Lê Đặng Trung. Ảnh: Sơn Phạm

Thành lập tại Việt Nam nhưng thị trường mục tiêu của RTAnalytics lại nhắm tới thị trường toàn cầu. Đây là thách thức cho một công ty có quy mô nhỏ. Nếu so sánh về mức giá dịch vụ trên thị trường quốc tế, RTAnalytics có giá cao hơn từ 20-30% so với những công ty quốc tế. Điểm mấu chốt để cạnh tranh chỉ tập trung vào giải pháp công nghệ mà Tiến sĩ Lê Đặng Trung cung cấp cho các khách hàng khó tính như World Bank, UNDP, Ngân hàng Phát triển châu Á, Đại học North Carolina, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức Oxfam...

RTAnalytics vượt qua lựa chọn đấu thầu công khai cho dự án điều tra, khảo sát chất lượng cuộc sống tại các nước châu Phi với hợp đồng dài hạn với World Bank tại hơn 15 nước như Cameroon, Burkina Faso, Senegal, Zambia, Malawi, Kenya, Benin, Nigeria... Đáng chú ý là thời điểm đó, đội ngũ nhân sự của RTAnalytics chỉ vỏn vẹn có 35 chuyên gia.

“Điều thú vị và ngạc nhiên của giải pháp công nghệ chính là nhà quản lý dự án có thể theo dõi và cập nhật tiến triển quá trình điều tra… từng phút”, Tiến sĩ Lê Đặng Trung giải thích lý do vì sao một công ty mới khởi nghiệp như RTAnalytics lại có thể chiến thắng những gã khổng lồ trong ngành khoa học thống kê trên thế giới. Cụ thể như với chỉ số PAPI, RTAnalytics đã được lựa chọn sau khi đấu thầu cạnh tranh công khai tham gia tại Việt Nam chính từ sự tin tưởng của UNDP dựa trên uy tín mà Tiến sĩ Lê Đặng Trung cùng cộng sự đã gầy dựng trên thị trường thế giới.

Thông thường, khi đi đến gặp người dân, trước kia khảo sát viên sử dụng bản điều tra trên giấy, phải mất từ 1,5-2 tiếng để ghi chép, chưa tính thời gian tổng hợp thành báo cáo tổng quát gửi về lãnh đạo. Nhưng hiện nay, với giải pháp phần mềm tích hợp trên thiết bị di động cầm tay như tablet của RTAnalytics, thời gian điều tra chỉ còn tối đa khoảng 40 phút và người quản lý dự án có thể biết chính xác được mức độ hoàn thành của nhân viên, phân tích kết quả trên thời gian thực. Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên 3 quá trình có tác động lẫn nhau gồm xây dựng chính sách, thực thi chính sách; giám sát việc cung ứng các dịch vụ công và điểm về phân tích dữ liệu PAPI. Các nội dung được thiết kế đặc biệt dành cho bối cảnh Việt Nam ở cả tầm quốc gia lẫn cấp địa phương.

Thống kê được thế giới đánh giá là một trong các công cụ rất quan trọng của nhận thức và quản lý. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu ở Việt Nam mà mọi cơ quan nghiên cứu đang sử dụng chưa đầy đủ, nhiều bộ số liệu cần thiết chưa được thống kê, việc công bố chưa kịp thời, thường xuyên và công bằng cho tất cả mọi người. Đặc biệt chất lượng thống kê là điều bị kêu ca nhiều nhất. Hệ thống dữ liệu thống kê không chuẩn xác nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến chất lượng các nghiên cứu, báo cáo, nhận định và các quyết định của nhiều tổ chức, doanh nghiệp.

Vì thế, RTAnalytics không hề là những con số “thầm lặng”, mà Tiến sĩ Lê Đặng Trung đang thực sự nắm trong tay một động lực để đóng góp cho sự phát triển của kinh tế, xã hội đất nước. Đó cũng chính là mong mỏi của vị tiến sĩ trẻ này khi trở về Việt Nam để tự mình thực hiện ước mơ.

Nguyệt Nguyễn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày