Ai chịu giá điện cao?

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 25/03/2019 07:30

Ảnh: seea.vn

Phải tính giá điện thế nào cho đúng khi phải cân bằng lợi ích người dân và phát triển ngành điện?
Ảnh: seea.vn

Khoản lỗ hơn 1.300 tỉ đồng được công bố vào cuối năm 2018 và danh hiệu bất đắc dĩ “quán quân vay nợ” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác lập năm trước đó đã khiến cho việc tăng giá điện được chấp nhận như một điều tất yếu với điệp khúc: EVN lỗ do chi phí đầu vào tăng, khoản chênh lệch tỉ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỉ đồng; phát sinh chênh lệch tỉ giá năm 2018 là 3.516 tỉ đồng.

Trao đổi với báo chí về lần tăng giá mới nhất, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương vẫn cho rằng: “Ở lần tăng giá điện lên 8,36%, số này chưa được phân bổ hết vào giá thành, bởi nếu phân bổ hết thì mức tăng có thể sẽ lớn hơn”. Trên website chính thức của EVN Hà Nội, giá điện tại Việt Nam được chứng minh chỉ cao hơn 20/93 nước được thống kê, với mức trung bình là 0,07 USD/kWh, chỉ bằng một nửa so với giá điện bình quân của các nước trên thế giới năm 2018 là 0,14 USD/kWh.

Bằng những tính toán cơ học, nhiều luồng dư luận có trọng lượng thậm chí còn ủng hộ việc EVN tăng giá điện, để Việt Nam không thành vùng trũng của các loại công nghệ lạc hậu, tốn kém năng lượng, đổ gánh nặng kép lên môi trường. Chỉ có điều, một nửa sự thật chắc chắn không phải là sự thật.

Quả thật, ngay cả khi bỏ qua thực tế rành rành là thu nhập của người Việt đang ở mức trung bình thấp so với thế giới, không tính đến sự chênh lệch tương đối xa giữa thu nhập của nhân viên ngành điện và thành quả mưu sinh của phần đông còn lại, hùng biện về mức giá điện trung bình bằng một nửa thế giới cũng khó có thể đứng vững. Dựa vào thông tin do chính website của EVN Hà Nội công bố, nhóm các nước có giá điện thấp gồm Burma, Ai Cập, Iran, Iraq, Kuwait, Qatar, Malaysia... do có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt rất lớn.

Ai chiu gia dien cao?
 

Đối với Việt Nam, tính tới tháng 9.2018, cơ cấu các nguồn sản xuất điện: nhiệt điện than 36%, nhiệt điện khí 25%, thủy điện chiếm 36%, dầu 1%, điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc (2%). Trong phần đóng góp của nhiệt điện than, trong nhiều năm qua, nguồn than trong nước luôn chiếm ít nhất xấp xỉ 80%, còn về phần thủy điện, cũng như nhiệt điện, các nhà máy đang gánh tải lớn đều từ nguồn đầu tư nhà nước.

Trong khi đó, phần khấu hao và trả nợ vay đầu tư các hạng mục này chưa bao giờ được công khai chi tiết. Một mặt đặt dấu hỏi lớn cho khoản chênh lệch tỉ giá được báo cáo hằng năm; mặt khác, không thể bác bỏ tâm niệm phải được hưởng giá điện ưu đãi của gần 100 triệu người dân đang gánh trung bình 35 triệu đồng nợ công.

Đó là chưa kể, dẫu chấp nhận biện giải về việc tăng giá điện do giá nhiên liệu mà cụ thể là giá nhập than năm 2018 tăng, câu hỏi hợp lý không kém là tại sao sau cả chục lần điều chỉnh giá điện, không khi nào giá điện giảm? Sự mập mờ đã khiến cho thuyết trình của EVN đều trở nên khó thuyết phục và mọi tranh luận về giá điện phù hợp đều không mang lại kết quả như kỳ vọng.

Tiếp cận từ điểm nhìn này, dễ thấy, chiếc chìa khóa hóa giải những trăn trở về giá điện chính là sự minh bạch. Vậy phải làm điều này như thế nào? Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, chỉ ra 3 điểm cơ bản.

Đầu tiên, minh bạch hóa về giá điện. Theo đó, cách tính giá điện bình quân đang thực hiện theo công thức nào; cơ cấu nguồn điện thể hiện trong giá điện bình quân ra sao; giá phát điện hằng năm thay đổi vì thay đổi nhiên liệu đầu vào thế nào; chi phí nhân lực của EVN được cấu thành trong giá điện như thế nào, có phù hợp với mức trung bình của thế giới và thu nhập bình quân của người lao động nói chung hay không?

Ai chiu gia dien cao?
 

Hai là, công khai năng lực phát điện và hiệu suất đầu tư của từng nhà máy. Đơn giản bởi, sẽ rất vô lý khi túi tiền vốn đã eo hẹp của người dân phải trả cho cả sự yếu kém, thiếu trách nhiệm khiến các dự án điện kéo dài thời gian, đội vốn... Nếu buộc phải làm vậy vì trách nhiệm của những ông bà chủ, họ phải được biết, những sai sót được xử lý nghiêm minh.

Ba là, sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong việc tham gia thị trường phát điện đã công bằng và cạnh tranh hay chưa? Hiện tại, các nhà máy nhiệt điện xây dựng theo hình thức hợp tác công - tư đang có những ưu đãi đặc biệt về mức giá, bao tiêu sản lượng... khiến cho các nhà máy tư nhân nhỏ lẻ dù giá bán điện thấp nhưng vẫn khó nhập lưới điện. Nếu vậy, rất dễ tạo ra sự biến tướng, thay vì độc quyền là độc quyền - thân hữu.

Trong tất cả những tranh luận ủng hộ hay phản đối tăng giá điện, nạn nhân và người chịu trách nhiệm đều là EVN. Có lẽ, chính EVN phải trả lời băn khoăn lớn nhất hiện nay, họ có thật sự muốn minh bạch?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày