Bốn kiến nghị của EuroCham với ngành chăn nuôi Việt Nam

Vân Nguyễn Thứ Hai | 18/03/2019 10:39

Ảnh: thanhnien.vn

Sách trắng 2019 nêu vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm và trách nhiệm nhận diện, theo dõi vật nuôi giữa lúc Việt Nam có dịch tả lợn.
Ảnh: thanhnien.vn

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong ấn phẩm Sách trắng 2019, đã đưa 4 kiến nghị Việt Nam về những vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm và trách nhiệm thông qua hệ thống nhận diện, theo dõi vật nuôi.

Thứ nhất, phân bổ ngân sách để thiết lập hệ thống nhận diện và theo dõi cho phép truy xuất nguồn gốc, bắt đầu với những sản phẩm Việt  Nam có khả năng cạnh tranh và có khả năng xuất khẩu, chẳng hạn như thịt heo.

Thứ hai, nhân rộng chương trình thí điểm tại TP Hồ Chí Minh trên cả nước, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc triển khai chương trình tại TP Hồ Chí Minh để nâng cao danh tiếng các sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm và xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời khuyến khích mọi cấp chính quyền phê duyệt, hỗ trợ và triển khai hệ thống này.

Thứ ba, áp dụng phí đăng ký thường niên cho hệ thống này và phí đăng ký cho từng vật nuôi, hoặc tham khảo mô hình mô hình tài chính của TP Hồ Chí Minh, soạn thảo các quy định nhằm ngăn chặn việc bán sản phẩm đang được kiểm tra và thử nghiệm, cũng như xem xét thông lệ tốt trên thế giới về truy suất nguồn gốc và áp dụng phương pháp này khi cần thiết để cải thiện tình hình ở Việt Nam.

Thứ tư, cải thiện an toàn thực phẩm thông qua việc khuyến khích sự tham gia của nhà sản xuất, đảm bảo nhà sản xuất cam kết cung cấp sản phẩm thực phẩm an toàn.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2 năm 2019 ước đạt 1,93 tỉ USD đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỉ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngành chăn nuôi heo đang phải đối mặt với thách thức to lớn khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã bùng phát tại 4 tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa mặc dù các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tất cả heo nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đang xem xét một số giải pháp ứng phó như hạn chế, thậm chí ngăn cấm vận chuyển lợn tùy theo khu vực, thời điểm và tình hình dịch bệnh; nghiêm cấm sử dụng thức ăn thừa cho lợn trong giai đoạn này.

Dù vậy, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cảnh báo các địa phương không chủ quan về nguy cơ dịch ASF lan rộng do buôn lậu vật nuôi xuyên biên giới và du lịch, virus ASF có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt heo sấy khô hoặc đã giết mổ.

Trong tháng 2.2019, giá heo hơi trong nước diễn biến trái chiều tại các khu vực. Tại miền Bắc, do xuất hiện dịch ASF, giá heo hơi giảm tại một số địa phương, cụ thể tại Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc giảm 1.000 đ/kg, xuống 47.000 – 48.000 đ/kg; Tuyên Quang giảm 2.000 đ/kg xuống 46.000 đ/kg.

Trong khi đó, giá heo hơi tại khu vực miền Nam tăng 2.000 đ/kg do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung giảm nhẹ, dao động trong khoảng 50.000 – 57.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung tương đối ổn định, dao động trong khoảng 44.000 –52.000 đ/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, do dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá heo hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt heo dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch ASF. Hiện Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt heo và sản phẩm từ heo sang quốc gia này vì dịch ASF.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày