Metro số 1: Thiếu vốn sẽ lặp lại trong tháng tới

Hải Vân Thứ Sáu | 17/11/2017 08:45

tuoitre.vn

Khoản tiền chậm thanh toán đến hết năm nay sẽ lên tới 20 tỷ yên, khoảng 4,06 nghìn tỷ đồng.
tuoitre.vn

Tuyến Metro số 1 TP.HCM chậm thanh toán sẽ ảnh hưởng thế nào?

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 16/11, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) đặt câu hỏi về chậm phân bổ, giải ngân vốn cho một số dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1).

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, thừa nhận về tình trạng chậm thanh toán. Theo ông, nguyên nhân là do dự toán bố trí vốn nước ngoài thấp.

TP.HCM hồi cuối tháng 10 đã tạm ứng hơn 1.173 tỉ đồng ngân sách thành phố để trả nợ nhà thầu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ trung ương.

Về việc này, Bộ trưởng Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Quốc hội xin điều chỉnh bố trí vốn nước ngoài cho TP.HCM để giải ngân cho dự án metro số 1. Ông khẳng định, khi thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán, Bộ Tài chính sẽ làm việc với nhà tài trợ để hoàn trả vốn đối ứng cho TP.HCM.

Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, trong năm 2017 nhu cầu vốn để xây dựng tuyến metro số 1 là 5.442 tỉ đồng, hiện đã được giao 2.119 tỉ đồng, đáp ứng 36% và còn thiếu 3.303 tỉ đồng.

Đối với phần vốn trung hạn từ 2016 -2020, nhu cầu vốn cho dự án metro số 1 là 20.930 tỉ đồng, hiện đã được giao 7.500 tỉ đồng, đáp ứng 39% và còn thiếu 13.430 tỉ đồng.

Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tháng 8 đã ban hành quyết định số 1292 về việc giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2017 đợt 3. Tuy nhiên, theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, đến nay dự án chưa được giao vốn.

Đánh giá cao động thái của TP.HCM, nhưng ông Takahashi Akito, Phó Trưởng Đại diện, JICA Việt Nam, khi trao đổi với NCĐT, nói rằng việc làm này vô hình chung đã làm giảm tính hiệu quả của ODA Nhật Bản do TP.HCM buộc phải gánh thêm các chi phí tài chính không cần thiết để tự chi trả cho các nhà thầu, trong khi lãi suất cho vay của vốn vay ODA Nhật Bản là rất thấp.

Ông Takahashi Akito nhận xét, việc ứng vốn của TP HCM cho dự án metro số 1 chỉ là “giải pháp tình thế” và “thiếu vốn sẽ lặp lại trong vài tháng tới”. Số liệu của Jica cho thấy, tính đến cuối tháng 9, khoản tiền hiện chưa được thanh toán cho các nhà thầu đã lên tới 4 tỷ yên, tương đương 812 tỷ đồng.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam lập kế hoạch phân bổ vốn đầy đủ để đáp ứng nhu cầu giải ngân cho khối lượng thực hiện của dự án trong năm 2018 cũng như  cho khối lượng đã hoàn thành mà chưa được giải ngân trong thời gian qua, muộn nhất là vào đầu tháng 1/2018”, ông Takahashi Akito nói.

Dự án đường sắt đô thị TP.HCM dự kiến hoàn thành vào 2020. "Việc chậm giải ngân này sẽ dẫn đến chậm tiến độ của dự án”, ông Fujita Yasuo, Trưởng Đại diện, JICA Việt Nam, trả lời NCĐT.

Theo Trưởng Đại diện JICA Việt Nam, những dự án chậm thanh toán nhiều nhất là tuyến tàu điện ngầm số 1 TP.HCM và một số dự án Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Dự án tuyến metro số 1, với thời gian chậm thanh toán là nửa năm. Việc phạt hợp đồng dự án này đã được quy định cụ thể trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Việc chậm thanh toán tiền cho các nhà thầu dẫn tới chậm trả lương cho người lao động của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến 2 hệ lụy: Giảm cầu thị trường và cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

“Đến cuối năm nay tổng số vốn mà Jica cung cấp sẽ có khoảng 20 tỷ yên tương đương 4,06 nghìn tỷ đồng bị chậm thanh toán, nếu Chính phủ Việt Nam không có giải pháp thích hợp”, ông Fujita Yasuo cảnh báo.

Việc chậm thanh toán các dự án ODA trở thành vấn đề nổi cộm từ năm 2016. Jica cho rằng nguyên nhân từ “quy trình phê duyệt vốn cho các dự án ODA”. Quy định ảnh hưởng nhiều nhất là Luật ngân sách năm 2015 và kế hoạch phát triển trung hạn năm 2016.

Chậm thanh toán gây ảnh hưởng xấu đầu tư công và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đang coi chậm thanh toán như một rủi ro kinh doanh, có thể làm giảm mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Jica đang đang có những đề suất mạnh mẽ với chính phủ Việt Nam về phân bổ lại vốn cũng như rót rốn bổ sung cho dự án, Trưởng đại diện Jica tại Việt Nam cho biết. Nhưng ông “mong phía Việt Nam hiểu được hệ lụy từ việc chậm giải ngân”.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày