Ngân hàng đua xuất ngoại

Thanh Phong Thứ Ba | 11/09/2018 14:00

Kế hoạch xuất ngoại của các ngân hàng nội đã được Chính phủ đặt ra cho 8 năm tới.

Cổ tức 2018 và ứng xử của các ngân hàng

Ngân hàng phá sản được không?


Đầu tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều định hướng quan trọng cho các tổ chức tín dụng. Có nhiều chỉ tiêu cần đạt đến, nhưng đáng kể trong số đó là tham vọng xuất ngoại cho các ngân hàng nội. Kế hoạch xuất ngoại của Chính phủ dự kiến được thực hiện trong vòng 8 năm tới. Một lộ trình được vạch ra cho các ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank, những cái tên sẽ phải niêm yết trên thị trường nước ngoài, đồng thời chọn đối tác để “gả cưới”.

Đến năm 2025, tỉ lệ sở hữu các ngân hàng quốc doanh dự kiến có thể giảm xuống mức 51%. Thế nhưng, trong giai đoạn 2018-2020, Chính phủ cho biết sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo các ngân hàng thực hiện chuẩn mực Basel II, Nhà nước vẫn nắm tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Mục tiêu vươn tầm châu Á cũng được đưa ra cho cả hệ thống. Đó là tham vọng có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về quy mô tài sản trong khu vực và có từ 3-5 ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên thị trường nước ngoài.

Ngan hang dua xuat ngoai
 

BIDV vẫn dẫn đầu về quy mô tài sản ở nhóm các ngân hàng nội địa, do đó đạt thứ hạng cao nhất trong số các ngân hàng Việt ở bảng xếp hạng châu Á, nhưng ở vị trí thứ 157 trong danh sách 500 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất, dựa trên thống kê 1.000 ngân hàng ở châu Á do tạp chí tài chính The Asian Banker sắp xếp. Theo sau là VietinBank với thứ hạng 163, Vietcombank ở thứ hạng 188, Sacombank 341, MBB 377, Techcombank 386, ACB 389, VPBank 395 và SHB xếp thứ 388. Còn lại cách biệt rất xa. 

So sánh với các ngân hàng bạn trong khu vực, các ngân hàng Việt còn kém xa. Chẳng hạn như Thái Lan có Kasikornbank (ở vị trí 92, cũng giữ vị trí 20 nếu đo lường dựa trên sức mạnh tài chính), hay Siam Commercial Bank (vị trí 87).

Như vậy, những ngân hàng quốc doanh sẽ được chọn để “đẩy” lên. Ở nhóm này, quy mô tài sản lớn nhất vẫn thuộc về BIDV với khoảng 1,26 triệu tỉ đồng. Nếu giả định tốc độ tăng trưởng tài sản bình quân 10% mỗi năm, thì đúng 8 năm sau, BIDV sẽ đạt quy mô tài sản của các ngân hàng xếp thứ 100 trong danh sách ở châu Á.

Ngan hang dua xuat ngoai
 


Tuy không sở hữu quy mô lớn nhất trong số 3 ngân hàng lớn nhất (trừ Agribank), Vietcombank mới là ngân hàng làm ra nhiều tiền nhất trong những năm gần đây. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng ở mức cao nhất.

Vietcombank cũng đang làm hết sức để hoàn thành thương vụ bán 10% của mình. Năm ngoái, ngân hàng này bán “hụt” cho định chế tài chính từ Singapore, được cho là vì mức giá quá cao. Thị trường cũng kỳ vọng, Vietcombank sẽ sớm hoàn thành thương vụ trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, BIDV vẫn còn mải mê tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Còn VietinBank chưa có kế hoạch gì đặc biệt, sau thương vụ sáp nhập “hụt” với PGBank (giờ về với HDBank).

Khối ngân hàng quốc doanh từ trước đến nay được cho là không năng động bằng khối tư nhân. Thực tế, tốc độ tăng trưởng quy mô ở những ngân hàng tư nhân gần đây tăng vọt, thậm chí còn có khả năng niêm yết sàn ngoại trước cả các ông lớn.

Nếu bỏ qua những ngân hàng có quy mô tài sản lớn như Sacombank vẫn còn nhiều tài sản xấu, thì ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân là Ngân hàng Quân Đội với quy mô khoảng 330.000 tỉ đồng. Nhóm xếp theo sau mới đông đúc hơn khi có sự tham gia của rất nhiều tên tuổi với quy mô quanh mức 300.000 tỉ đồng, bao gồm ACB, Techcombank, SHB và VPBank.
 

Ngan hang dua xuat ngoai
 

Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, VPBank và Techcombank lại nổi bật. Tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản của VPBank trong giai đoạn 5 năm gần đây lên đến 22,4%, trong khi ở Techcombank là 14%. Danh sách này cũng bổ sung thêm nỗ lực “nhảy cóc” của HDBank trong 2 năm gần đây. ACB cũng là gương mặt đáng chú ý, lấy lại được đà tăng trưởng trở lại sau những trục trặc ở các năm trước.

Trong quá khứ, có rất nhiều công ty niêm yết Việt Nam tính đường niêm yết ở nước ngoài để gọi vốn như Novaland, VNG hay Vicostone, Petrolimex cũng nhắm đến sàn Singapore. Tính toán là một chuyện, nhưng việc đi ra sàn ngoại là không dễ vì phải đáp ứng các chuẩn niêm yết của quốc tế, vốn có nhiều điểm khác biệt với sàn nội. Liệu các ngân hàng có thay đổi được hiện trạng này và ngân hàng nào sẽ dẫn đầu xu hướng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày