Tương quan thanh khoản và chỉ số VN-Index

Mirae Asset Thứ Bảy | 18/08/2018 14:47

Nếu Xu hướng tăng của khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch được giữ nguyên, nhiều khả năng VN-Index sẽ tăng trở lại trong tháng 8.

                                       

Điểm rơi thanh khoản tháng 4

Từ tháng 4.2018, VN-Index bắt đầu giảm đáng kể từ gần 1.205 điểm xuống mức thấp nhất còn 893 điểm vào ngày 11.07 (mức giảm tương đương 25,8%). Sự sụt giảm thanh khoản được cho là một trong những yếu tố khiến VN-Index biến động mạnh. Thanh khoản thị trường là chỉ tiêu quan trong đối với các nhà đầu tư trong quản lý danh mục đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tổ chức, có quy mô vốn lớn. Chỉ số thanh khoản có thể đo lường bằng khối lượng giao dịch hoặc giá trị giao dịch.

Trên góc độ tổng thể, thanh khoản thị trường ở mức cao cho thấy phía cầu của thị trường đang tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Sự vận động của giá và diễn biến thanh khoản vì thế thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và các học giả. Chủ đề về mối quan hệ giữa hai yếu tố này đã được nghiên cứu thực nghiệm ở các thị trường tài chính thế giới. Các nghiên cứu học thuật tiêu biểu về chủ đề trên có thể nhắc đến Hendershott & Seasholes (2014) và Rashid (2007).

Từ đầu tháng 1.2017 đến nay, VN-Index và khối lượng giao dịch (khớp lệnh) dường như có mối liên hệ cùng chiều. Cụ thể, sự gia tăng khối lượng giao dịch đã dẫn trước sự tăng trưởng của VN-Index trong cả năm 2017. Từ tháng 2.2018, khối lượng giao dịch bất ngờ giảm mạnh, kéo theo sau đó là sự lao dốc của VN-Index kể từ tháng 4. Từ diễn biến của chỉ số VN-Index và khối lượng giao dịch, nhà đầu tư dường như băn khoăn: phải chăng khối lượng giao dịch mang ý nghĩa “dẫn dắt” VNIndex? Hiểu được nội hàm của mối tương quan trên; nhà đầu tư sẽ có cơ sở đánh giá thị trường đúng đắn hơn và quản trị rủi ro đầu tư 1 cách hiệu quả.

Tuong quan thanh khoan va chi so VN-Index
 

Phong vũ biểu mang tên thanh khoản

Nhằm giải mã mối tương quan giữa thanh khoản và chỉ số VN-Index, bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán Mirae Asset đã sử dụng phương pháp kiểm định Granger. Đơn vị nghiên cứu sử dụng dữ liệu trong biên độ từ 1.8.2017 đến 31.7.2018.

Trong bảng 1, điểm nổi bật đầu tiên là VN-Index gần như đi ngang từ tháng 5 đến nay – tháng 6 chỉ giảm 1% so với tháng 5, tháng 7 giảm nhẹ 0,5% so với tháng 6. Theo Mirea Asset, VN-Index được kỳ vọng sẽ đảo chiều tăng trong ngắn hạn khi tốc độ giảm đang tiệm cận về 0.

Điểm đáng chú ý thứ hai là sự biến động của khối lượng giao dịch có dấu hiệu tạo đáy. Cụ thể, khối lượng giao dịch giảm liên tục trong 3 tháng từ tháng 2 đến tháng 5; sau đó tăng dần trong 2 tháng gần đây. Nhiều khả năng sự phục hồi của VN-Index được hỗ trợ bởi sự gia tăng trở lại của khối lượng giao dịch.

Trong khi khối lượng giao dịch đã tăng trở lại, giá trị giao dịch dường như vẫn đang trong quá trình tìm đáy. Sự khác biệt giữa giá trị và khối lượng giao dịch thể hiện dòng tiền đang hướng đến nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa vừa và vốn hóa nhỏ. So với trước đó (trước tháng 6), các nhà đầu tư quan tâm chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự thay đổi này chứng tỏ các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc về các yếu tố lợi tức cổ tức, định giá P/E và P/B.

Tuong quan thanh khoan va chi so VN-Index
 

Mặc dù giá trị giao dịch trung bình tháng 7 giảm đáng kể so với tháng 6 (-15%), tham số này đã tăng trong tuần cuối tháng 7. Nếu xu hướng tăng của cả giá trị và khối lượng giao dịch được giữ nguyên, nhiều khả năng VN-Index sẽ tăng trở lại kể từ tháng 8, và có triển vọng kéo dài đến cuối năm 2018.

Tuong quan thanh khoan va chi so VN-Index
 

Dựa trên thuật toán thống kế của Mirea Asset, kiểm định Granger chỉ ra rằng thanh khoản có thể “dẫn dắt” sự vận động của VN-Index tại mức ý nghĩa thống kê 1%. Theo đó, sự gia tăng trong khối lượng hoặc giá trị giao dịch có thể được dùng để dự báo sự tăng trưởng của VN-Index. Về ý nghĩa kinh tế của các thông số được phát hiện, VN-Index sẽ thay đổi 0,08% tương ứng với mỗi phần trăm thay đổi của khối lượng giao dịch trong 2 ngày trước đó. Tương tự, 1% thay đổi của giá trị giao dịch sẽ dẫn đến 0,1% thay đổi trong VN-Index.

Ngoài ra, kết quả kiểm định còn cho thấy sự dẫn trước 2 ngày của thanh khoản thị trường đối với VN-Index. Nghĩa là thị trường cần trung bình 2 ngày để truyền tải hiệu ứng tác động từ thanh khoản đến sự vận động của VN-Index. Như vậy, nhà đầu tư có khoảng 2 ngày để quyết định vị thế mua hoặc bán trước khi VN-Index biến động.

Phát hiện này rất hữu ích với nhà đầu tư trong việc chọn chiến lược mua hoặc bán, đặc biệt là những chiến lược nắm giữ vị thế ngắn hạn. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, phát hiện này có giá trị tham chiếu ở phương diện quản trị rủi ro - khi họ có thể dự đoán trước 2 ngày lời/lỗ của vị thế đầu tư.

*(Bài viết của Mirae Asset có giá trị tham khảo cho các nhà đầu tư)


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày