Vàng vs USD: Chọn kênh trú ẩn

Việt Dũng Thứ Tư | 06/03/2019 10:00

Ảnh: Quý Hòa.

Chọn vàng hay USD trong năm 2019 như thế nào để giữ tài sản tốt nhất?
Ảnh: Quý Hòa.

N ăm 2018 ghi nhận mức tăng của cả vàng lẫn USD trong bối cảnh kinh tế chung có nhiều biến động. Vàng năm nay lại được nhiều chuyên gia khuyến cáo đưa vào danh mục theo dõi.

Diễn biến khó lường

Dù giữ vàng hay cầm USD,  ắt hẳn các nhà đầu tư đã phải “thót tim” trước diễn biến khôn lường của 2 loại tài sản tài chính có tính thanh khoản cao nhất nhì này trong năm ngoái. Chẳng hạn, nếu như đầu năm thị trường vàng tương đối ổn định thì tới khoảng giữa năm, vàng thế giới bắt đầu tụt dốc, về gần 1.279 USD/ounce khi xuất hiện những thông tin ban đầu về căng thẳng thương mại Mỹ Trung.

Vang vs USD: Chon kenh tru an
 

Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, khi căng thẳng thương mại leo thang thành chiến tranh thương mại, giá vàng thế giới đã bật tăng trở lại, gần bằng đỉnh vào giai đoạn giữa năm 2016, cũng là thời điểm Brexit chia rẽ giữa Anh Quốc và các nước còn lại của Liên minh châu Âu.

Đầu năm nay, giá vàng thế giới lại biến động mạnh, tăng một mạch từ 1.285 USD/ounce vào cuối năm 2018 lên trên 1.320 USD/ounce, tương đương mức tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, khiến các nhà đầu tư Việt Nam lại lần nữa thấp thỏm. Hiện nay, giá vàng trong nước tiếp tục duy trì ở quanh mốc bán ra là 37 triệu đồng/lượng.

Vang vs USD: Chon kenh tru an
 

Vàng trong thời gian tới lại nhận được nhiều kỳ vọng. Đầu năm nay, các chuyên gia của J.P Morgan khuyến cáo các nhà đâu tư xem lại danh mục tài sản rủi ro, nên mua “bảo hiểm” bằng các đồng yen, đồng franc Thụy Sĩ và vàng. “Các tài sản có khả năng tăng giá nếu mọi thứ trở nên khó khăn”, tờ Bloomberg dẫn lại. Tương tự, vào đầu năm 2019, chuyên gia của Goldman Sachs dự báo giá của kim loại quý sẽ tăng lên mức 1.425 USD/ounce, mức cao nhất trong 5 năm qua, do nhu cầu về “tài sản phòng thủ” tăng lên, Bloomberg dẫn lại.

Chọn vàng hay USD?

Theo ông Trần Thanh Hải, chuyên gia đầu tư vàng, giá vàng thế giới đang trong chu kỳ điều chỉnh tăng nên cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là từ câu chuyện Brexit và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nếu không được giải quyết ổn thỏa. Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, giá vàng nhiều khả năng sẽ tăng trong khoảng 5-10% trong năm nay. Tuy nhiên, việc mua vàng để lướt sóng hoặc đầu cơ kéo theo rủi ro rất lớn.

Thống kê của ông Tín cho thấy, nếu xét bình quân 16 năm qua (từ năm 2004), giá vàng chỉ tăng 8,4%, tức ngang với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài của ngân hàng, nhưng rủi ro đầu tư lại rất lớn. “Thói quen của người dân khi dư tiền thường mua đất hoặc mua vàng. Trong những năm tới, nhất là năm 2019, giá vàng sẽ khó giảm. Tuy nhiên chúng ta chỉ mua vàng để đầu tư vàng hơn là đầu cơ”, ông Tín cho biết.

Trong khi nhiều chuyên gia đề xuất đưa vàng vào danh mục theo dõi, thì đồng bạc xanh tiếp tục có một năm tăng giá. Theo tờ The Economist, đồng USD đã tăng 7% so với rổ tiền tệ nói chung và 4% so với ở nhóm các nước phát triển. Chỉ số USD tính đến ngày 27.2 đạt 96,21 điểm, tăng 7,1% so với cùng kỳ, theo số liệu của Bloomberg.

Vang vs USD: Chon kenh tru an
 

Tuy nhiên, quá trình tăng giá này đang chững lại khi đầu năm nay, các chuyên gia của FED trở nên thận trọng hơn trong tiến trình tăng lãi suất cơ bản. FED nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và cân nhắc về việc tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay (kế hoạch trước đó là 2 lần). Điều này cho thấy FED vẫn tiếp tục quan sát các rủi ro của thị trường trước khi quyết định, báo cáo của SSI nhận định.

Tại Việt Nam, tiền đồng mất giá khoảng gần 2,3% so với đồng USD trong năm ngoái. Mức này thấp hơn nhiều so với mức mất giá của các loại tiền tệ khác như đồng euro, đồng bảng Anh và nhân dân tệ (lần lượt là 4,5%, 5,7%và 5,4%). Theo dự kiến của SSI Reseach, mức độ biến động tỉ giá năm nay chỉ xấp xỉ như năm ngoái, ít khả năng xảy ra những diễn biến kiểu “giật cục”.

Nhưng cho dù giữ vàng hay USD, cuối cùng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các biến số mang tính quốc tế. Nhận định về xu hướng sắp tới, có 2 kịch bản lạc quan và bi quan được đưa ra, theo tờ The Economist.

Kịch bản đầu tiên mang tính lạc quan, khi “bóng mây” chiến tranh thương mại mờ dần đi, kinh tế Trung Quốc đi lên nhờ việc cắt giảm thuế và chính sách tiền tệ mở rộng, kích thích khu vực tư nhân, góp phần khuấy động các nền kinh tế châu Á khác và cả thị trường châu Âu. Vốn sẽ tiếp tục đổ về các thị trường mới nổi, tương tự như giai đoạn năm 2017. Lúc này, áp lực lên các đồng tiền ở thị trường mới nổi cũng “nhẹ nhàng” hơn.

Kịch bản thứ 2 bi quan hơn khi tranh chấp thương mại tiếp tục leo thang và các nỗ lực vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chưa có tín hiệu tốt. Hệ quả là USD sẽ giảm mạnh so với đồng yen và franc Thụy Sĩ, đồng euro vẫn tiếp tục yếu. “Sự thiếu hụt các loại tiền tệ an toàn dẫn đến giá vàng tăng”, tờ The Economist bình luận.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày