Bất động sản

Bất động sản nghỉ dưỡng chờ sóng mới

Huy Vũ Thứ Năm | 17/06/2021 08:00

Từ đầu năm đến nay, đầu tư bất động sản sôi động ngay cả trong tình hình dịch bệnh khi lãi suất tiền gửi và trái phiếu giảm. Ảnh: TL.

Phân khúc tạo ra đợt sóng ngầm về mở bán và giao dịch trong bối cảnh dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, đầu tư bất động sản sôi động ngay cả trong tình hình dịch bệnh khi lãi suất tiền gửi và trái phiếu giảm. Ảnh: TL.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có sự sôi động trở lại với hàng loạt dự án được chào bán và các chính sách hỗ trợ.

Gỡ bài toán tồn kho 

Công ty DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo cho thấy sự tăng vọt về nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, cụ thể là phân khúc shophouse. Theo đó, giao dịch thành công trong tháng 4.2021 đã tăng gấp 3,5 lần so với tháng trước, với 498 căn được sang tay, chiếm hơn 70% nguồn cung. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ đầu năm 2020.

Đáng chú ý, nguồn cung trong tháng 4 cũng tăng hơn 3,7 lần so với tháng trước, với gần 700 căn từ 9 dự án mở bán. Các dự án mở bán chủ yếu ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc và Bà Rịa - Vũng Tàu. So sánh sức tiêu thụ với 2 sản phẩm nghỉ dưỡng khác trong tháng 4, shophouse cũng bỏ xa biệt thự biển chỉ có 20/52 căn mở bán được tiêu thụ; condotel chỉ có 85/248 căn mở bán được tiêu thụ.

Quan sát cung cầu sản phẩm này cho thấy cả năm 2020, thị trường chỉ có 2.498 căn đưa ra thị trường, 787 căn được tiêu thụ; trong khi trong tháng 4.2021, chỉ tính dự án mới đã chiếm hơn 20% nguồn cung và sức tiêu thụ cũng đã bằng 61% năm 2020.

 

Theo giới phân tích, bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và shophouse nói riêng thu hút nhà đầu tư xuất phát từ việc Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cho phép tăng tỉ lệ sở hữu nhà ở người nước ngoài, bao gồm cả việc mua và sở hữu các bất động sản du lịch hồi năm ngoái.

Động thái trên nhằm giải bài toán tồn kho của dòng sản phẩm này, vốn đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ khi dịch bệnh diễn ra. Số liệu Bộ Xây dựng năm 2020 cho thấy cả nước có 48 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang triển khai, tương đương với hơn 18.000 căn hộ du lịch và hơn 3.300 biệt thự biển.

Ông Michael Piro, Giám đốc Điều hành Indochina Capital, cho biết việc mở cửa cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có lợi ích kép với ngành du lịch Việt Nam khi vừa giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng nguốn vốn cơ sở hạ tầng du lịch vừa giúp khách du lịch quay trở lại hằng năm. Thái Lan là trường hợp thành công điển hình cho chiến lược này.

Từ đầu năm đến nay, đầu tư bất động sản sôi động ngay cả trong tình hình dịch bệnh khi lãi suất tiền gửi và trái phiếu giảm. Bất động sản nghỉ dưỡng được giới trung lưu lựa chọn trong bối cảnh nguồn cung nhà phố và biệt thự ở TP.HCM đã giảm mạnh do thành phố ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng và tình trạng trên kéo dài ít nhất đến năm 2023 đã đẩy giá sản phẩm này dao động gần 50 tỉ đồng. Kết quả là hiệu suất cho thuê giảm do giá thuê không điều chỉnh kịp với mức tăng giá.

Ảnh: Quỳnh Trần/vnexpress
Shophouse cũng tạo ra sức hút vì vừa cho thuê vừa cư trú, đặc biệt tại các khu vực sầm uất, thuận lợi kinh doanh. Ảnh: Quỳnh Trần/vnexpress.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, số lượng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, việc đầu tư vào loại hình bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng phát triển và sinh lợi nhuận tốt sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trong đó, shophouse cũng tạo ra sức hút vì vừa cho thuê vừa cư trú, đặc biệt tại các khu vực sầm uất, thuận lợi kinh doanh. Theo thống kê của CBRE Việt Nam, tùy vào vị trí tỉ suất sinh lợi có thể đạt 8-12%/năm.

Không còn là đầu tư bất động sản đơn thuần

Xu hướng đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng (shophouse biển, biệt thự biển và condotel) hoặc gần đây là căn hộ cao cấp Branded Residence được gọi chung là sản phẩm Ngôi nhà thứ 2.

Savills Hotels ước tính trong vòng 3 năm tới sẽ có hơn 30.000 sản phẩm đi vào hoạt động, nâng tỉ trọng sản phẩm Ngôi nhà thứ 2 lên 28,8% trên tổng cung lưu trú tại các thị trường du lịch lớn.

Có 2 nhóm chính của Ngôi nhà thứ 2 là sản phẩm Lifestyle (thể hiện phong cách sống) và sản phẩm đầu tư. Tại thị trường Việt Nam, sản phẩm Ngôi nhà thứ 2 thường mang tính chất đầu tư nhiều hơn.

Do đó, trong giai đoạn thị trường phát triển nóng năm 2015-2017, hơn 80% số lượng sản phẩm mở bán hằng năm đều đưa ra cam kết lợi nhuận nhằm thu hút người mua. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, tiêu chí cam kết lợi nhuận đang dần bị thay thế khi người mua lựa chọn sản phẩm dựa trên nhiều tiêu chí khác.

 

Cụ thể, đối với nhóm sản phẩm đầu tư, theo bà Trang Lương, Quản lý Tư vấn Savills Hotels APAC, chủ đầu tư và người mua không đơn thuần là đầu tư bất động sản mà đang tham gia vào ngành du lịch nghỉ dưỡng.

Đây là ngành cực kỳ biến động vì phụ thuộc vào tiềm năng du lịch của địa phương, khả năng thu hút khách du lịch của chủ đầu tư và vị trí của khu vực shophouse. Bên cạnh đó là khả năng vận hành và trùng tu toàn bộ khu nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, thông thường nhà điều hành chỉ tham gia với vai trò vận hành và không cam kết các nghĩa vụ tài chính với người mua. Chính vì thế, để cân bằng lợi ích các bên, phụ thuộc rất lớn vào năng lực của chủ đầu tư dự án. “Người mua cần nắm rõ rủi ro của mô hình này không chỉ tại giai đoạn bán hàng mà còn nằm ở giai đoạn vận hành”, bà Trang Lương nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày