Bất động sản

Người Mỹ tăng sở hữu nhà ở Việt Nam?

Nguyễn Sơn Thứ Tư | 06/01/2021 14:00

Tương đồng với xu thế dòng vốn đầu tư từ Mỹ đang gia tăng tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Tương đồng với xu thế dòng vốn đầu tư từ Mỹ đang gia tăng tại Việt Nam.
Tương đồng với xu thế dòng vốn đầu tư từ Mỹ đang gia tăng tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Người Mỹ bất ngờ vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác như Trung Quốc, Nhật, Singapore để trở thành người nước ngoài mua nhà nhiều thứ 2 tại Việt Nam. Đây là thống kê đáng chú ý trong cuộc khảo sát của hãng môi giới Juwai.com.

Theo cuộc khảo sát này, khách Hàn Quốc và Mỹ mua tích cực nhất ở Việt Nam. Người Hàn chiếm tới 25% lượng sản phẩm mua, tiếp theo là Mỹ ở mức 22%. Nhóm nước ngoài tích cực thứ 3 đến từ các quốc gia châu Âu khi chiếm 15% giao dịch, khách Trung Quốc chiếm 21% giao dịch. Các quốc gia tiếp theo là Nhật (14%), Singapore (2%) và Malaysia (dưới 1%).

Thực hư của kết quả khảo sát này tuy vẫn còn nghi vấn về sự đầy đủ những doanh nghiệp địa ốc được khảo sát. Tuy nhiên, việc người Mỹ tăng mua nhà ở Việt Nam có thể là hợp lý khi tương đồng với xu thế dòng vốn đầu tư từ Mỹ đang có dấu hiệu gia tăng đổ vào Việt Nam, đi cùng tính minh bạch, chất lượng sản phẩm và tỉ suất lợi nhuận là những yếu tố cơ bản hỗ trợ khác.

 

Đơn cử trong chỉ số minh bạch thị trường toàn cầu GRETI 2020 của Công ty JLL cho thấy Việt Nam lần đầu tiên sau một thập niên được xếp hạng “Semi- transparent” (bán minh bạch) từ thứ hạng “Non-transparent” và lọt vào danh sách 10 thị trường có tốc độ cải thiện tính minh bạch nhanh nhất toàn cầu. Sự thăng hoa của bất động sản Việt Nam được đóng góp chủ yếu bởi vị trí cao hơn của 2 thị trường chủ lực: TP.HCM và Hà Nội.

Kết quả này là do áp lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng mong muốn cải thiện tính minh bạch bất động sản để cạnh tranh với các loại tài sản khác sau dịch COVID-19. Hơn nữa, sự bùng nổ của công nghệ bất động sản (proptech) cũng thay đổi cách thu thập, phân tích dữ liệu bất động sản, giúp quá trình quản lý minh bạch và hiệu quả hơn.

Với thứ hạng 56, tính riêng tại nhóm các quốc gia mới nổi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính minh bạch của bất động sản Việt Nam hiện xếp thứ 6 sau Trung Quốc (32), Thái Lan (33), Ấn Độ (34), Indonesia (40) và Philippines (44). Đáng chú ý, việc cải thiện chỉ số minh bạch dự kiến sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng tiền chất lượng hơn đến từ các nhà đầu tư sành sỏi như Mỹ và châu Âu.

Việc người Mỹ săn tìm các loại hình bất động sản Việt là tương đồng với xu thế dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Mỹ có dấu hiệu tăng nóng khi hàng loạt dự án được cấp phép hàng tỉ USD mới đây. Điển hình như Tập đoàn Dầu khí Millenium (Mỹ) triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện và kho cảng khí hóa lỏng tại Khánh Hòa trị giá 15 tỉ USD. ExxonMobil đầu tư tổ hợp nhà máy điện khí hóa lỏng 5,09 tỉ USD. Delta Offshore Energy triển khai dự án điện khí 3.200 MW tại Bạc Liêu. Hay mới đây, nhóm nhà đầu tư đến từ Mỹ xin được triển khai dự án năng lượng trị giá 6 tỉ USD.

Theo Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua bên thứ 3. Xu thế gia tăng hiện diện và đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam sẽ tạo nền tảng để nhiều loại hình bất động sản hưởng lợi, từ nhà ở, căn hộ dịch vụ, khu công nghiệp, kho bãi đến khách sạn, resort nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp.

 

Khẩu vị của khối ngoại cũng điều chỉnh theo hướng chấp nhận nhiều hơn rủi ro vào Việt Nam. Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp của Savills Việt Nam, đối với nhóm bất động sản tạo ra dòng tiền (tòa nhà văn phòng đang hoạt động, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ), đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến doanh thu và chi phí của nhóm này nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của khối ngoại. “Dù thị trường có những khó khăn về mặt doanh thu nhưng với suất sinh lời khoảng 5%, thậm chí có tài sản âm hoặc chỉ lãi 1-2%, vẫn có nhà đầu tư sẵn sàng tìm kiếm mua, đặc biệt ở khu vực trung tâm như TP.HCM, Hà Nội”, ông Khương nhận định.

Ảnh:
Khẩu vị của khối ngoại cũng điều chỉnh theo hướng chấp nhận nhiều hơn rủi ro vào Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Trước đây, đối với nhóm bất động sản phát triển mới như dự án điện, khu dân cư, tỉ suất sinh lời nội bộ (IRR) phải đạt 20-25% nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia, nhưng giờ chỉ cần 15-20%, bởi thị trường không có nguồn cung mới và nhà đầu tư ngoại nhìn thấy câu chuyện về lợi nhuận. “Tài sản lúc mua có giá 100 triệu USD, 3 năm sau nhà đầu tư bán 120-150 triệu USD là điều rất bình thường”, ông Khương cho biết.

Quay trở lại với kết quả khảo sát của Juwai, xét về tổng quy mô, khối ngoại đã chiếm khoảng 16% tổng lượng giao dịch mua nhà ở mới. Khoảng 70% lượng trả lời nhận định rằng khách ngoại sẽ gia tăng giao dịch trong vòng 1 năm tới. Ngoài ra, giá nhà dự kiến sẽ tăng trung bình 7,3% trong năm 2021 trong khi giá thuê được kỳ vọng sẽ tăng thấp hơn (3,4%).


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày