Bất động sản

Thông tư 36 sửa đổi: Kẻ cười người khóc

Thứ Ba | 29/03/2016 13:00

Dù Ngân hàng Nhà nước đã thông báo vẫn còn dư địa tăng trưởng tín dụng cho thị trường địa ốc, điều này vẫn chưa khiến các chủ đầu tư an tâm.

Vốn ngoại dường như đang chọn thời điểm hiện tại để đổ bộ vào Việt Nam. Mới đây, nhà đầu tư đến từ Sinagapore là Keppel Land đã thâu tóm 20% cổ phần của Quốc Lộc Phát trong thương vụ trị giá khoảng 14,8 triệu USD. Trước đó, doanh nghiệp ngoại này cũng thâu tóm 40% cổ phần trong liên doanh Empire City, pháp nhân đang triển khai dự án khu phức hợp trị giá hơn 1,2 tỉ USD tại Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).

Cùng lúc, một quỹ đầu tư ngoại khác là Pavo Capital (Anh) đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Nhà Thủ Đức (TDH), nhằm huy động vốn ngoại vào các dự án có quy mô lớn mà TDH dự định phát triển trong năm nay và các năm tới. Tổng vốn đầu tư Việt Nam do quỹ này quản lý và tư vấn là 280 triệu USD.

Còn quỹ Creed Group (Nhật) sau khi đầu tư vào Công ty Bất động sản An Gia và Công ty Năm Bảy Bảy hồi năm ngoái, mới đây cũng tuyên bố sẽ hợp tác với Công ty Phát Đạt để phát triển dự án The River City tại quận 7, có tổng giá trị đầu tư lên đến 500 triệu USD.

Giải thích lý do dòng vốn ngoại có xu hướng đổ mạnh vào thị trường Việt Nam, Chủ tịch Fideco Trần Bảo Toàn cho rằng các nhà đầu tư ngoại đang nhìn thấy cơ hội sinh lợi tốt hơn ở Việt Nam. “Bởi vì tại một số thị trường như châu Âu, Nhật và thậm chí cả Mỹ, lãi suất đang duy trì ở mức rất thấp hay âm. Trong khi nếu đầu tư vào Việt Nam như dưới hình thức cho vay, lãi suất thu được có thể lên đến 5-6%”, ông nói.

Trong làn sóng này, các công ty Việt Nam cũng sẽ cảm thấy “hạnh phúc” bởi việc nhận được vốn cũng giúp họ tránh được viễn cảnh bị tác động khi Thông tư 36 sửa đổi có hiệu lực.

Cụ thể, trong lần sửa đổi này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn tài trợ cho dự án vay tín dụng trung và dài hạn từ mức tối đa 60% xuống 40%, đồng thời nâng hệ số rủi ro của các khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%. Nếu nguồn vốn khan hiếm, lãi suất của các khoản vay trung và dài hạn nhiều khả năng sẽ tăng mạnh bởi nhu cầu vốn của các chủ đầu tư vẫn còn rất lớn.

Do đó, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo rằng vẫn còn dư địa tăng trưởng tín dụng cho thị trường địa ốc, nhưng điều này không thể khiến các chủ đầu tư an tâm. Ông Lương Sỹ Khoa, Phó Tổng Giám đốc An Gia, cho rằng Thông tư 36 sửa đổi chắc chắn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. “Vì hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều phải dựa vào nguồn vốn ngân hàng, kể cả người mua cũng dùng nguồn vốn này”, ông chia sẻ.

Để đối phó với viễn cảnh vốn vay từ ngân hàng bị thắt chặt, ông Khoa cho biết An Gia sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn, tiêu biểu là Creed Group. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội huy động được nguồn vốn ngoại, bởi đòi hỏi của các nhà đầu tư này đều rất khắt khe và yêu cầu tính minh bạch cực cao.

Chính vì lẽ đó, những chủ đầu tư nhỏ lẻ có thương hiệu yếu đang chịu áp lực lớn nhất. Bởi nếu không có nguồn vốn hỗ trợ, nhiều khả năng họ sẽ buộc phải bán dự án.

Sơn Nguyễn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày