Bất động sản

Vốn ngoại nâng bất động sản Việt

Nguyễn Sơn Thứ Ba | 03/09/2019 10:33

Dòng vốn FDI trở thành động lực của thị trường bất động sản.

Giữa lúc triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm cùng với nhiều rủi ro bao vây, nhiều nhà đầu tư khu vực đang đặt cược vào bất động sản Việt như một hầm trú an toàn. Điển hình như trên phân khúc nhà ở, nhà đầu tư Keppel Land (Singapore) mới đây đã mua lại 3 lô đất của Địa ốc Phú Long, một động thái phần nào khẳng định cam kết đầu tư lâu dài của nhà đầu tư này tại Việt Nam.

Như vậy tính đến nay, Keppel Land đang sở quỹ danh mục đầu tư khá lớn với 20 dự án được cấp phép, chủ yếu nằm ở phân khúc trung và cao cấp. Tổng giá trị phát triển các dự án này lên đến 3 tỉ USD và là một trong những nhà đầu tư ngoại năng động nhất tại Việt Nam.

Vị trí các dự án cho thấy ý đồ kinh doanh của nhà đầu tư Singapore. Phần lớn các dự án hiện tại và tương lai của chủ đầu tư này tập trung dọc theo hành lang phía Nam và phía Đông của thành phố. Đó là các khu vực đang trải qua quá trình hiện đại hóa và phát triển hạ tầng nhanh chóng và là lựa chọn hàng đầu của nhiều người mua nhà trong và ngoài nước.

 

Việt Nam đang là thị trường nước ngoài quan trọng thứ 2 của Keppel Land, sau Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2019, Keppel Land đã ra mắt tòa tháp cuối cùng tại Palm Garden thuộc giai đoạn 2 dự án Palm City, cũng như tháp 9 và 10 của The Infiniti thuộc giai đoạn 1C dự án Riviera Point. Thị trường Việt Nam đã mang lại doanh số 170 triệu USD cho Keppel Land trong nửa đầu năm 2019 và là điểm sáng hiếm hoi giữa một châu Á đang biến động.

Ông Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam, cho biết, Công ty tiếp tục kế hoạch giới thiệu các giai đoạn tiếp theo của Empire City, Palm City và Riviera Point trong những tháng tới. Nhà đầu tư này cho biết đang hợp tác cùng Công ty Giải pháp Đô thị Keppel (Keppel Urban Solutions) phát triển Saigon Sports City tại quận 2, TP.HCM (quy mô 4.300 căn hộ cao cấp). Đặc biệt, Keppel Land sẽ sớm triển khai giai đoạn 3 dự án phức hợp Saigon Centre ở khu vực trung tâm nhằm giải tỏa cơn khát mặt bằng cho các đơn vị bán lẻ. “Giai đoạn này sẽ bao gồm mặt bằng văn phòng và bán lẻ, cũng như một khách sạn 5 sao, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về mặt bằng thương mại và lưu trú chất lượng cao tại trung tâm thành phố”, ông Linson Lim nói.

Một thị trường khác chứng kiến các cam kết mạnh mẽ của khối ngoại là bất động sản du lịch. Mới đây, RedDoorz, nền tảng đặt phòng và quản lý khách sạn lớn nhất và phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, đã công bố tăng vốn thêm 70 triệu USD - khoản đầu tiên của vòng gọi vốn Series C. Các nhà đầu tư vào RedDoorz trong lần gọi vốn này là Asia Partners, Rakuten Capital, Mirae Asset-Never Asia Growth Fund, cùng các nhà đầu tư hiện tại của RedDoorz là Qiming Venture Partners và International Finance Corporation.

Vòng Series C diễn ra sau khi RedDoorz công bố khoản đầu tư Series B trị giá 45 triệu USD vào tháng 4.2019. Kể từ khi thành lập vào năm 2015, RedDoorz đã huy động thành công khoảng 140 triệu USD và hiện là một trong những startup đáng chú ý tại Singapore.

RedDoorz sẽ sử dụng các quỹ mới để mở rộng thị trường, nâng cấp công nghệ và trải nghiệm người dùng, đầu tư vào nhân sự và marketing để tăng cường vị thế dẫn đầu trong khu vực, cũng như xây dựng trung tâm công nghệ thứ 2 tại Việt Nam, bổ trợ cho trung tâm công nghệ hiện tại ở Ấn Độ.

RedDoorz cũng sẽ phát triển số lượng nhân viên khách sạn, các chương trình đào tạo chuyên môn trên tất cả cơ sở tại Singapore, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Khoảng 10.000 người sẽ có việc làm thông qua các đối tác khách sạn của RedDoorz. ”Chúng tôi hoạt động ở những thị trường năng động nhất thế giới và nhận thấy tiềm năng to lớn để tiếp tục phát triển và mở rộng sang các thị trường mới”, ông Amit Saberwal, người sáng lập kiêm CEO của RedDoorz, cho biết.

 

Bên cạnh rót vốn trực tiếp, khá nhiều nhà đầu tư ngoại lựa chọn hướng đi liên doanh với các đối tác trong nước để nắm bắt sâu hơn đặc điểm của thị trường. Đơn cử như Quỹ đầu tư Warburg Pincus liên doanh với Becamex để phát triển chuỗi khu công nghiệp và dịch vụ logistics, Lotte (Hàn Quốc) liên doanh với FLC đầu tư dự án nhà ở rộng 6,4ha tại Đại Mỗ.

Theo hãng tư vấn JLL Vietnam, làn sóng M&A trong bất động sản là một điểm sáng trên thị trường vì xu hướng sản xuất đang chuyển từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á và sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Ở đó, các nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm tài sản công nghiệp thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương, hoặc mua lại đất và phát triển các dự án bất động sản.

Trong lúc nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước đang khát vốn vì tín dụng ngân hàng ngày càng siết chặt, sự năng động tiếp tục của dòng vốn ngoại có thể xem là tín hiệu tích cực, hỗ trợ phần nào cho thị trường được ổn định. “Chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ trong thị trường bất động sản Việt Nam và thị trường vẫn có tiềm năng phát triển”, bà Nguyễn Thị Vân Khánh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn của JLL Vietnam, nhận định.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày