Mayu Ino: Bởi trái tim nghĩ đến việc cho đi

Hoàng Linh Thứ Bảy | 06/02/2021 14:00

Mayu Ino tìm ra các mắt xích bị hỏng khiến bà con nông dân thiệt hại nặng và nản lòng khi tham gia các dự án nông nghiệp hữu cơ.

Tình yêu việt nam của mayu ino là hơn 20 năm giúp đỡ những người nông dân hướng tới nông nghiệp bền vững.
Mayu Ino tìm ra các mắt xích bị hỏng khiến bà con nông dân thiệt hại nặng và nản lòng khi tham gia các dự án nông nghiệp hữu cơ.

Hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam, Mayu Ino đã đi khắp đất nước hình chữ S, trò chuyện, tìm hiểu và giúp đỡ nông dân Việt Nam trồng những luống rau, cây ăn trái hữu cơ. Không những vậy, chị còn giúp nông dân tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Luôn có những mối duyên kỳ lạ về tình yêu của một người nào đấy dành cho một đất nước xa lạ. Tình yêu của Mayu Ino với Việt Nam, với nông nghiệp Việt cũng vậy. Ino chẳng khác nào một nhà khuyến nông Việt chuyên nghiệp, am hiểu đặc tính của từng loại cây, loại đất mà còn rất nhiều lần bày tỏ nỗi xót xa trước những vấn đề nông nghiệp Việt đang phải đối mặt.

Trong cuộc trò chuyện, Ino bất giác nói, bây giờ chị đã lớn tuổi, sức khỏe không còn được như xưa. Nhưng nếu có kiếp sau, chị sẽ lại chọn nông nghiệp. Hoặc bắt chị phải chọn một ngành khác thì đó là ngành y. Bởi trái tim Ino luôn nghĩ đến việc cho đi. “Đó là hai ngành đi đâu mình cũng có thể sống được và có thể giúp đỡ được rất nhiều người”, chị cho biết.

Hành trình từ hạt giống đến bàn ăn 

Năm 2009 Trung tâm Tình nguyện quốc tế Nhật do Ino làm người đại diện chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Trong suốt 6 năm làm việc cùng tổ chức, chị và các thành viên đã đi khắp các tỉnh đào tạo nhân viên thú y, lập thư viện cộng đồng, trồng cây ngăn xói lở đất đai, tham gia dự án xây đập nước... Ino luôn cảm thấy sợi dây gắn kết kỳ lạ và còn quá nhiều điều dang dở, chưa làm được cho nông dân của một xứ sở xa lạ. Vậy nên, thay vì trở về nước như nhiều đồng nghiệp, chị đã chọn ở lại Việt Nam.
Cuối năm đó, Seed to Table (từ hạt giống đến bàn ăn) được Ino sáng lập với sự hỗ trợ từ PACCOM, tổ chức duy nhất của Chính phủ Nhật hỗ trợ các dự án phi chính phủ tại Việt Nam. “Tôi mong muốn nông dân Việt Nam không chỉ cải thiện được kinh tế mà còn tiếp cận được những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe và có được môi trường sống trong lành”, Ino nói. Tuy nhiên, để thực hiện được mong ước đơn giản ấy, Ino đã phải cố gắng rất nhiều, khó khăn chồng chất đến nỗi có lúc chị tưởng chừng không thể vượt qua.

 

Dựa trên quy trình dự án mà Trung tâm Tình nguyện Quốc tế Nhật đã triển khai trước đó, Mayu Ino tìm ra các mắt xích bị hỏng khiến bà con nông dân thiệt hại nặng và nản lòng khi tham gia các dự án nông nghiệp hữu cơ. Chị bắt đầu hoàn thiện quy trình. Sự bền vững ở đây không chỉ giúp đất thoát khỏi các chất hóa học từ phân, thuốc mà còn trả lại cho cây giống, con giống sức mạnh chống chọi các điều kiện thiên địch.

Mặt khác, bên cạnh chuyển giao công nghệ làm nông nghiệp sạch, Seed to Table còn tìm nhiều phương pháp giúp nông dân hình thành dây chuyền sản xuất khép kín phù hợp với từng địa phương gồm hiểu cách sử dụng con giống, lợi thế và bất hợp lý của giống mới, giống cũ..., cách trồng, chăm sóc, chống sâu bệnh và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm, tập huấn mở cửa hàng rau... 

Seed to Table cũng áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS (Participatory Guarantee System) để tiết kiệm chi phí cho nông dân mà vẫn đảm bảo yên tâm cho khách hàng. Nhờ quy trình kiểm tra chéo, người mua có thể tới tận vườn để xem thực phẩm có bị phun hóa chất hay không, nhóm sản xuất có thể tới sạp bán để nhận phản hồi từ khách. Do đó, ngoài có mặt tại các cửa hàng do nông dân thành lập, sản phẩm của Seed to Table còn được các siêu thị, nhà hàng ở TP.HCM tin dùng, trong đó có Đậu Đỏ, hệ thống Hum Vegetarian.

Ươm mầm tương lai

Năm 2017 Seed to Table lần đầu tiên nhận được viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật thông qua Tổng Lãnh sự quán Nhật TP.HCM để thực hiện dự án tại Bến Tre. Sau 3 năm, số hộ nông dân tham gia lên đến 50 hộ, tập trung chủ yếu vào cây dừa, chuối và các loại rau phù hợp với thổ nhưỡng. Mỗi 500 m2 đất có thể mang lại trung bình 6 triệu đồng/tháng. Những tháng cao điểm, thu nhập của nông dân có thể lên tới 12 triệu đồng. Điều vui nhất với Ino là mô hình bắt đầu được nhân rộng, đến với nông dân các địa bàn lân cận như Vĩnh Long, Trà Vinh... Đầu năm 2020 Seed to Table đến với Đồng Tháp.

 


Ino không chỉ muốn gieo một cái cây hay trồng một cánh rừng. Chị còn ươm cả những hạt mầm từ thế hệ trẻ. “Điều tôi tâm đắc nhất là thông qua mô hình làm nông nghiệp sạch này, người dân và các em học sinh cũng ý thức hơn về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Việc được ăn những loại rau quả sạch, đặc trưng của địa phương, họ sẽ yêu và tự hào về hương vị ẩm thực địa phương, cũng như biết cách chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe”, Ino hào hứng.

Seed to Table còn triển khai mô hình Vườn rau ở một số trường phổ thông cấp 2, cấp 3 tại Bến Tre. Thông qua chương trình này, học sinh có thể tự làm ra sản phẩm, thu hoạch bán lấy tiền làm kế hoạch nhỏ, hỗ trợ cho nhà trường trang bị thêm cơ sở vật chất. “Các em học sinh kể lại cho bố mẹ mình, phụ huynh cũng bắt đầu tìm hiểu và áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ. Hàng xóm thì đóng góp phân bò, vật tư và mua rau giúp các em. Đặc biệt hơn, một số em tỏ ra hứng thú với việc học chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ tại đại học”, chị tự hào.

Không phải phụ huynh nào cũng ủng hộ con theo ngành nông nghiệp, bởi nỗi ám ảnh về sự nhọc nhằn và nghèo đói của nghề nông. Nhưng Ino luôn có niềm tin mãnh liệt rằng, một đứa trẻ hiểu và gắn bó với mảnh vườn ngay từ nhỏ thì tâm tính cũng sẽ lành và khỏe như ngọn rau cọng cỏ. Rồi đây, chúng sẽ lớn lên và trở thành những hạt giống quý báu cho tương lai.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày