Thách thức mới của Satya Nadella

Văn Quốc Thứ Tư | 04/11/2020 13:30

Ông Satya Nadella. Ảnh: TL.

Liệu Satya Nadella có thể đưa Microsoft vượt qua thử thách tiếp theo và cũng là phần khó khăn nhất?
Ông Satya Nadella. Ảnh: TL.

Khi Satya Nadella trở thành CEO đời thứ 3 của Microsoft vào năm 2014, một bức hình đã chụp được giây phút đó. Trong bức hình, Nadella đứng giữa Bill Gates, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Microsoft và Steve Ballmer, người kế nhiệm Gates ở vị trí CEO. Cả 2 ông trùm công nghệ đứng tự tin trong trang phục thông thường trong khi Nadella mặc bộ vest trang trọng nhưng với nụ cười dè dặt, bối rối.

Nụ cười dè dặt này là có lý do. Microsoft lúc ấy đang trong một tình thế cam go. Trong khi Microsoft vẫn khư khư giữ mình thì Apple đã sáng tạo ra iPhone, Google và Facebook cũng đã trỗi dậy mạnh mẽ từ Thung lũng Silicon. Giá cổ phiếu Microsoft gần như không nhúc nhích trong nhiều năm. Đó là lý do khi Nadella đảm nhận vị trí CEO, thị trường đã đặt câu hỏi liệu Microsoft có thể đổi mới và cải tiến dưới sự dẫn dắt của vị lãnh đạo mới.

 

Thế mà Microsoft đã làm được. Nadella đã lật đổ quyền lực tối thượng của hệ điều hành Windows. Dưới thời của Steve Ballmer, Windows được xem là cái rốn của vũ trụ và mọi ý tưởng dù mang tính đột phá đều bị gạt bỏ nếu không xoay quanh Windows. Đồng thời, Nadella đã đưa phần mềm và dịch vụ của Microsoft vào các hệ điều hành khác, bao gồm nguồn mở Linux cũng như các hệ điều hành của Google và Apple. Quan trọng nhất là ông đã đưa bộ phận điện toán đám mây Azure (ra mắt năm 2010) trở thành trung tâm của Microsoft.

Nhờ đó, Microsoft đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 2 con số và đạt vốn hóa thị trường 1.600 tỉ USD, chỉ sau Apple và Saudi Aramco. Giá cổ phiếu đã tăng gấp hơn 5 lần kể từ khi Nadella trở thành CEO, hiện được giao dịch ở mức 37 lần lợi nhuận, cao hơn cả Alphabet, Apple hay Facebook (dù thấp hơn nhiều so với con số 123 lần của Amazon).

Microsoft đã tỏa sáng dưới sự dẫn dắt của Nadella, nhưng không có gì có thể tồn tại mãi mãi trong một thế giới công nghệ thay đổi không ngừng. Mảng máy tính cá nhân đã tăng trưởng chậm lại. Các sản phẩm của Microsoft không phải luôn tốt nhất hoặc được sử dụng nhiều nhất. Azure được đánh giá là tụt hậu về công nghệ so với người dẫn đầu Amazon Web Services (AWS). Nhiều người dùng thích gọi video trên Zoom và trò chuyện trên ứng dụng Slack hơn là sử dụng Teams của Microsoft.

Năm nay, Microsoft đã thất bại trong việc thâu tóm ứng dụng nổi tiếng TikTok (thuộc ByteDance), mà có thể giúp cải thiện năng lực tương tác với khách hàng của nhiều bộ phận như thiết bị điều khiển game Xbox, LinkedIn... Cạnh tranh cũng ngày càng quyết liệt. Microsoft phải đối đầu không chỉ với Amazon, mà còn với các hãng công nghệ lớn như Alphabet, Alibaba, Tencent.

Hình ảnh về Microsoft. Ảnh: TL.
Hình ảnh về Microsoft. Ảnh: TL.

Nadella nhận thức rất rõ những thách thức này và sẵn sàng đối đầu như đã từng vực dậy Microsoft trước đó. Trước khi Nadella trở thành CEO, Microsoft có 5 mảng kinh doanh. Đa phần lợi nhuận đến từ 3 mảng gồm Windows, phần mềm Office và các chương trình chạy những máy chủ được dùng trong trung tâm dữ liệu và các mạng máy tính doanh nghiệp. Mảng giải trí và thiết bị như Xbox cũng góp một phần lợi nhuận, nhưng các dịch vụ trực tuyến như công cụ tìm kiếm Bing và cổng web MSN thì không.

Nadella đã cấu hình lại cơ cấu này. Hiện khoảng 20 mảng kinh doanh của Microsoft được xếp vào 3 cụm lớn: đám mây; phần mềm cải thiện năng suất và các quy trình doanh nghiệp; và máy tính cá nhân. Mỗi bộ phận chứa một trong những trụ cột sinh lời là máy chủ, Office và Windows, cùng với nhiều mảng khác như máy tính cá nhân Surface và phần mềm bảng trắng kỹ thuật số hoặc phần mềm doanh nghiệp Dynamics. 

Nhiều trong số các mảng kinh doanh này đều xoay quanh Azure, xương sống của Microsoft. Nỗ lực bước chân vào mảng điện toán lượng tử tương lai hoặc công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hiện tự đứng vững trên đôi chân của mình trong khi giúp tăng cường năng lực của Azure. Tương tự đối với thuật toán trí tuệ nhân tạo, dựa trên dữ liệu từ Bing, LinkedIn và các nguồn khác.

 

Bất kỳ canh bạc nào trong số này thành công sẽ giúp gia tăng năng lực cải tiến của Microsoft, vốn có phần thua kém so với Amazon hay Alphabet. Cho dù các canh bạc này thất bại, Microsoft vẫn có thể tỏa sáng bằng cách thương mại hóa các sản phẩm thay vì đứng ở vai trò sáng tạo sản phẩm mới. “Microsoft chưa bao giờ là công ty đầu tiên phát minh ra sản phẩm mới và thường không phải là công ty thứ 2 nhưng chúng tôi sẽ làm ra tất cả số tiền ấy”, nguồn tin nội bộ cho biết.

Điều này đúng trong trường hợp của Office. Excel không phải là bảng tính đầu tiên ra mắt, nhưng lại được nhiều kỹ sư phần mềm xem là chương trình quan trọng nhất được viết từ đó đến nay, một phần vì Excel được sử dụng rất rộng rãi. Khoảng 1,2 tỉ người lao động sử dụng Office hoặc Office365, một phiên bản dựa trên web được cung cấp qua Azure. Microsoft hiện nắm giữ 87,6% thị trường dành cho các phần mềm như vậy, so với 11,5% của Google, theo Gartner.

Microsoft cũng bám theo rất nhanh trong mảng đám mây. Trong cuốn sách Hit Refresh về cuộc chuyển mình của Microsoft, Nadella cho biết vào thời điểm ông làm CEO, AWS đã xây dựng được một bộ phận đám mây khổng lồ, không hề có đối thủ. “Amazon đang dẫn dắt một cuộc cách mạng mà lúc đó chúng tôi thậm chí chưa có gì cả”, ông viết. 

Thị trường đám mây là một chiếc bánh béo bở. Qua thời gian hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới được dự báo sẽ chuyển sang đám mây. Tỉ trọng chi tiêu công nghệ thông tin (IT) vào lĩnh vực đám mây đang tiệm cận 10%, tạo ra một thị trường hằng năm 240 tỉ USD. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến gần 20%/năm, con số này sẽ nhanh chóng lên tới 1.000 tỉ USD.

Ở mảng đám mây, Azure đối mặt với 2 đối thủ lớn AWS và Google Cloud Platform (GCP) cùng 2 gã khổng lồ khác là Oracle và Alibaba Cloud. Nhưng thị phần của Azure vẫn tăng đều đặn, hiện đạt 18%. Chính mối quan hệ tốt đẹp, lâu năm giữa Microsoft với phòng ban IT của các doanh nghiệp là một nhân tố góp phần vào sự tăng trưởng của Azure.

Azure muốn bắt kịp thậm chí vượt mặt AWS. Nhưng theo khảo sát của Gartner, Azure vẫn thua xa AWS và gần đây còn có phần tụt lùi. Nguyên nhân một phần là dịch vụ đám mây của Microsoft có độ tin cậy kém hơn. Gartner dẫn chứng năng lực cung cấp không đầy đủ của Azure trong việc giải quyết các trung tâm dữ liệu bị “triệt hạ” bởi thời tiết xấu hoặc các vấn đề khác. Khi nhu cầu tăng mạnh trong đại dịch COVID-19, với hàng triệu người lao động làm việc từ xa chuyển sang đám mây, Azure đôi lúc cũng không đáp ứng được.

Dù sao Nadella cũng rất tự tin về tăng trưởng tương lai. “Chúng tôi may mắn có mặt trong ngành công nghệ và chi tiêu IT sẽ tăng từ mức 5% GDP lên 10% trong 10 năm tới”, Nadella nói. Nhưng cạnh tranh giành giật những đồng chi tiêu này lại rất khốc liệt. Cách làm của Microsoft - chủ yếu dựa vào khách hàng trung thành - có thể có tác dụng trong ngắn hạn. Nhưng với tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nhờ trí tuệ phát triển và nguồn vốn dồi dào, khách hàng có thể đặt yếu tố cải tiến lên trước lòng trung thành với những nhà cung cấp lâu năm. Nếu Microsoft không thể tăng tốc cải tiến, tương lai sẽ rất khó nói.
 

Nguồn Theo The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày