Chứng khoán

Hải trình lợi nhuận của PVTrans

Vũ Quỳnh Thứ Tư | 11/12/2019 14:00

Ảnh: pvtrans.com

Năm 2019, lợi nhuận sau thuế của PVTrans dự kiến đạt 224,3% kế hoạch năm.
Ảnh: pvtrans.com

Hình thành từ năm 2007 với đội tàu chỉ có 5 chiếc, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) hiện là doanh nghiệp sở hữu đội tàu vận tải dầu khí lớn nhất Việt Nam, với biên đội 30 chiếc và tổng tải trọng hơn 900.000DWT. PVTrans đang chiếm gần 100% thị phần vận tải dầu thô và khí hóa lỏng và 30% thị phần vận tải dầu thành phẩm. Kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.995 tỉ đồng, tăng 2,5% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 585,6 tỉ đồng, tăng 15,9%. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán FPTS, tổng doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp này đạt 8.167,1 tỉ đồng (tăng 4,3%), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 897,1 tỉ đồng (tăng 15%), hoàn thành 224,3% kế hoạch năm.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2019, cơ cấu doanh thu của PVTrans có sự thay đổi gồm doanh thu vận tải tăng 19,2% và doanh thu dịch vụ cho thuê kho nổi tăng 37,1%. Các yếu tố trợ lực gồm có phần đóng góp doanh thu của 5 tàu mới mua. Sản lượng vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm gia tăng nhờ tham gia vận chuyển cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, vận hành thương mại từ ngày 12.11.2018. Về phía dịch vụ kho bãi, doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ khối lượng công việc tăng thêm từ giai đoạn tiền vận hành của dự án Sao Vàng Đại Nguyệt.

Theo đơn vị chứng khoán, triển vọng đầu tư của PVTrans đến từ các yếu tố tích cực như (1) giá cho thuê tàu chạy tuyến quốc tế có xu hướng tăng; theo Công ty Môi giới vận tải Clarksons, giá cho thuê tàu quý IV/2019 tiếp tục ở mức cao hơn bình quân năm 2018; (2) việc mở rộng đội tàu có trọng tải lớn kỳ vọng giúp PVTrans nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần trên các tuyến vận tải quốc tế; (3) cổ tức tiền mặt ổn định: PVTrans trả cổ tức tiền mặt ổn định hằng năm ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu, với tỉ suất cổ tức/thị giá là 7,03% trong năm 2015-2018.

 

Nhằm đa dạng hóa dòng tiền, cũng như phân tán rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp vận tải này vừa phục vụ các tuyến nội địa giữa các nhà máy lọc hóa dầu, cũng như các tuyến quốc tế. Về tuyến nội địa, vận chuyển từ Nghi Sơn, Dung Quất đi tới các kho của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil). Về tuyến quốc tế, PVTrans cho thuê tàu chạy các tuyến ở khu vực Đông Nam Á - Ấn Độ - Trung Đông. Cá biệt, Công ty còn mở rộng sự hiện diện ở các vùng biển xa khi cho thuê 2 tàu Athena và Apolo vận chuyển dầu thô từ Trung Đông đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Nam Phi. Dự kiến năm 2020, doanh nghiệp sẽ mở rộng thêm tuyến đi Trung Đông - Bắc Mỹ. Đây được đánh giá là khảo nghiệm mới với năng lực vận tải vượt đại dương của PVTrans. Tại thị trường Bắc Mỹ, giá cước trung bình sẽ cao hơn các thị trường khác, song các tiêu chuẩn và yêu cầu môi trường cũng khắt khe hơn, trong đó có yêu cầu về hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu dưới 0,1%.

Một trong những điểm cốt lõi tạo nên tính bền vững của PVTrans, cũng như cổ phiếu của doanh nghiệp là mạng lưới công ty con, công ty liên kết mà doanh nghiệp có liên quan, điểm nhấn với quyền biểu quyết quan trọng mà PVTrans có. Một số công ty con của PVTrans là Vận tải Dầu khí Vũng Tàu, Vận tải Xăng dầu Phương Nam, Gas Shipping - GSP, PVTrans PAC - PVP, PVTrans Oil, Vận tải Nhật Việt...

“Không đầu tư dàn trải, mà dồn sức phát triển chiều sâu vào các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dầu khí và phụ trợ, có lẽ là điểm khác biệt giữa PVTrans với các doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỉ khác trên thị trường”, một chuyên gia quản lý trương mục quỹ đầu tư (không muốn nêu tên) nhận xét.

 

Dù có nhiều điểm tích cực, song nhà đầu tư cũng cần lưu ý doanh nghiệp này với các yếu tố có ảnh hưởng đến doanh thu: (1) lịch bảo dưỡng của Nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất, theo đó sẽ tạm ngừng hoạt động cho công tác duy tu nên ảnh hưởng đến doanh thu vận tải của PVTrans; (2) tàu kho nổi FSO Đại Hùng Queen cần phải bảo dưỡng, ảnh hưởng đến doanh thu dịch vụ kho nổi; (3) biến động về lãi suất, nếu lãi suất tăng, chi phí lãi vay sẽ tăng tương ứng; (4) biến động về giá dầu, nếu giá dầu tăng, khách hàng của PVTrans sẽ có động lực thuê tàu, doanh thu doanh nghiệp từ đó tăng và ngược lại.

Về phương diện định giá, FPTS đưa ra khuyến nghị mua vào ở mức giá 15.100 đồng/cổ phiếu (P/E Trailling 5,9x) và bán ra khi mức giá tiệm cận vùng 17.700 đồng (P/E Trailling 6,9x).


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày