Chứng khoán

Làm thế nào để nâng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán lên 100% GDP?

Vũ Hoài Thứ Ba | 05/11/2019 21:19

Ông Nguyễn Hiếu phát biểu tại Hội nghị Đầu tư do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức. Ảnh: Qúy Hòa

Ông Nguyễn Hiếu, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có buổi chia sẻ về những điều kiện tiên quyết để đạt mốc vốn hóa 100% GDP...
Ông Nguyễn Hiếu phát biểu tại Hội nghị Đầu tư do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức. Ảnh: Qúy Hòa

“Cổ phần hóa, thoái vốn ở khối doanh nghiệp nhà nước và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp tư nhân lớn là những điều kiện tiên quyết để vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt mốc 100% quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hiếu tại Hội nghị Đầu tư 2019 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2020-2030: Suy thoái hay hưng thịnh?”, do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng 05/11.

Theo ông Hiếu, thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển vượt bậc trong những năm qua và đang ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vốn hóa thị trường/ GDP vẫn thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực.

Theo UBCKNN, vốn hóa thị trường/ GDP đạt khoảng hơn 80% tại thời điểm cuối tháng 09/2019.

Dựa theo giả định kinh tế tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của chính phủ trong năm 2020, ông Hiếu ước tính vốn hóa thị trường cần tăng ít nhất 35% trong năm 2020 để vốn hóa thị trường/GDP đạt 100%.

 

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng đánh giá khách quan rằng để đạt mức tăng trưởng 35% trong 1 năm là khó xảy ra. Bởi nhìn lại lịch sử từ năm 2010 đến nay, chỉ có 1 lần duy nhất vào năm 2017 VN-Index tăng bình quân 48%.

Ông Hiếu chia sẻ thêm, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tăng hơn 80% trong năm 2017 so với cuối năm 2016 nhờ vào hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mới như: VJC, HVN, PLX, VPB và VRE. Các thương vụ thoái vốn lớn diễn ra như VNM và SAB. Cổ phiếu VNM và SAB tăng lần lượt 66% và 26% so với cuối năm 2016. IPO và thoái vốn ở một số doanh nghiệp lớn này đã chiếm hơn 50% tổng vốn hóa thị trường tăng thêm thời điểm năm 2017.

Làm thế nào để đạt mốc vốn hóa 100% GDP trong năm 2020?

Theo nhận định của ông Hiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng phát triển và liên kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế Việt Nam được thể hiện qua việc vốn hóa thị trường/GDP liên tục tăng, đặc biệt trong năm 2017.

Để thị trường đạt được mốc 100% GDP trong năm 2020, vốn hóa cần tăng ít nhất 35%. Thoái vốn và IPO là điều kiện tiên quyết để đạt được mốc này khi lịch sử cho thấy VN-Index hiếm khi tăng 35% trong 1 năm.

 

Cơ hội và thách thức nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

Theo ông Hiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Trong đó, các yếu tố trong nước như tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2019 cao nhất trong 9 năm qua. Trong khi đó, tình hình chính trị của Việt Nam khá ổn định và là một trong những quốc gia có chính trị ổn định nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, các tỷ lệ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ thất nghiệp,... cũng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Ở tương lai gần, tăng trưởng kinh tế 2020 được hỗ trợ bởi tiêu dùng trong nước, vốn đầu tư nước ngoài, và đầu tư công. Đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng và giải ngân nhanh hơn trong năm 2020 khi luật đầu tư công sửa đổi đã được thông qua và có hiệu lực vào đầu năm tới. Ngoài ra, hàng loạt dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành sẽ được triển khai. Trong khi kinh tế tiếp tục phát triển trong năm 2020, các chỉ số vĩ mô như lạm phát, lãi suất và tỷ giá sẽ tiếp tục được chính phủ kiểm soát.

 

Đối với yếu tố nước ngoài, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng trưởng 7,5% trong 8 năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ những FTA mà Việt Nam đang có hoặc sắp ký kết như CPTPP  và  EVFTA. Ngoài ra, với lợi thế nhân công rẻ và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam cũng được xem như là một đích đến của các nhà đầu tư.

Theo đánh giá của ông Hiếu, thoái vốn và cổ phần hóa trong năm 2020 sẽ nóng hơn bao giờ hết, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng như Ngân hàng, Dầu khí,..

Trong dài hạn, thị trường có thể kỳ vọng khi luật chứng khoán sửa đổi sẽ giúp phần nào giải quyết vấn đề sở hữu nước ngoài.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng chỉ ra các rủi ro đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ rủi ro lãi suất tiếp tục tăng, đặc biệt là lãi suất dài hạn, các quy định về thoái vốn còn nhiều trở ngại và các rủi ro thị trường thế giới không thể kiểm soát như thương chiến Mỹ-Trung, rủi ro địa chính trị ảnh hưởng đến giá dầu,...

Như vậy, để đạt được mức vốn hóa 100% trên tổng GDP cả nước, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình IPO các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân...


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày