Chứng khoán

Nam Việt: Bỏ đa ngành về với cá tra

Vi Trương (*) Thứ Ba | 29/10/2019 08:00

Ảnh: Quý Hòa

Nam Việt đã Khởi sắc sau 2 năm chia tay các khoản đầu tư ngoài ngành.
Ảnh: Quý Hòa

Nam Việt (mã ANV) là nhà chế biến và xuất khẩu cá tra từ năm 2000 và từng là doanh nghiệp đầu ngành trong giai đoạn 2006-2009. Từ năm 2009, Công ty mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực ngân hàng, phân bón và khoáng sản nhưng không hiệu quả. Sau 2 năm 2016-2017 mạnh tay loại bỏ các khoản đầu tư ngoài ngành và tập trung nguồn lực cho việc sản xuất và chế biến cá tra, lợi nhuận của Nam Việt đang dần khởi sắc.

Bài toán nâng chất lượng giống để ổn định đầu vào cho chế biến lâu nay vẫn ì ạch đi tìm lời giải trong toàn ngành. Nam Việt được xem là điểm sáng khi có chiến lược đầu tư bài bản cho nuôi trồng, hướng đến cả 2 mục tiêu: hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Công ty hiện chiếm 5% thị phần xuất khẩu cá tra toàn ngành. Sản phẩm chính là cá tra (84% doanh thu). Công ty còn sản xuất bao bì và thức ăn cá tra phục vụ cho hoạt động nuôi trồng. Phụ phẩm như da và xương được chế biến thành bột cá và mỡ cá làm thức ăn gia súc.

Ngành cá tra đã trải qua nhiều thời kỳ thiếu hụt nguyên liệu. Giá cá nguyên liệu đã lập đỉnh trong năm 2018 khi có lúc cao hơn gần 50% so với các thời kỳ nguồn cung ổn định. Chi phí sản xuất của các nhà máy chế biến do đó cũng bất ổn theo. Sau nhiều năm đầu tư, Nam Việt đã hình thành được một chuỗi liên kết dọc khép kín, tự chủ hoàn toàn nguyên liệu cho chế biến, đảm bảo ổn định về giá cả lẫn chất lượng. Mặc dù giá bán thường biến động do thay đổi trong nhu cầu tại các thị trường, khả năng kiểm soát chi phí nhờ tự chủ nguyên liệu đã giúp Công ty duy trì được biên lãi gộp ổn định và ở mức cao trong ngành.

Nam Việt hiện có 330ha vùng nuôi, cung cấp 120.000 tấn cá nguyên liệu/năm, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu cá nguyên liệu cho chế biến. Một số vùng nuôi đạt các chứng nhận về nguyên liệu sạch, được nuôi trồng bền vững và có khả năng truy xuất nguồn gốc.

Dự án vùng nuôi mới Bình Phú, nếu hoàn thành đúng tiến độ, sẽ giúp nhân đôi năng lực cung cấp cá tự nuôi từ năm 2021. Bằng cách áp dụng kỹ thuật nuôi công nghệ cao, cá thương phẩm sẽ đảm bảo đủ sản lượng cho chế biến và kích cỡ phù hợp với thị hiếu từng thị trường, chi phí nuôi cũng thấp so với các vùng nuôi hiện hữu. Công nghệ cao tự động hóa sẽ giúp giảm chi phí quản lý. Với vùng nuôi này, có thể thấy Nam Việt đang nỗ lực xây dựng năng lực phân phối trực tiếp, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc đồng thời gia tăng biên lợi nhuận nhờ tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, vùng nuôi Bình Phú sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Công ty có 4 nhà máy chế biến fillet với tổng công suất 1.200 tấn nguyên liệu/ngày. Các nhà máy đang vận hành ở mức 500 tấn/ngày, tương đương 45% công suất thiết kế. Dễ thấy rằng Nam Việt sẽ không cần phải đầu tư cho nhà xưởng trong ít nhất 3 năm tới.

Thị trường của Nam Việt trải trên nhiều châu lục và không quá tập trung vào một thị trường đơn lẻ nào. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng ảnh hưởng bất lợi đến tiêu thụ cá tra tại một số thị trường lớn, danh mục thị trường đa dạng sẽ là lá chắn cho Công ty trước rủi ro giảm sút doanh số.

Trung Quốc là thị trường chiến lược từ năm 2018. Từ tháng 5.2018, Nam Việt bắt đầu phân phối các sản phẩm cá tra cao cấp (không mạ băng, không tăng trọng) có giá bán cao hơn hàng đông lạnh thông thường vào Trung Quốc. Ngành cá tra Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ: (1) Chính phủ Trung Quốc cấm hẳn nhập khẩu tiểu ngạch từ cuối tháng 7.2019; (2) dịch tả lợn châu Phi làm thiếu hụt nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc và thủy sản được lựa chọn như một loại thực phẩm thay thế; (3) thuế VAT thủy sản nhập khẩu giảm từ 10% xuống 9% từ 1.4.2019. Nam Việt kỳ vọng thị trường Trung Quốc cùng với vùng nuôi Bình Phú sẽ đóng góp quan trọng vào mục tiêu gia tăng doanh số và lợi nhuận.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế Trung Quốc, do đó có thể sẽ làm giảm nhu cầu đối với cá tra nhập khẩu. Ngoài ra, các rào cản thương mại, kỹ thuật và truyền thông sai lệch tại các nước nhập khẩu ngày càng phức tạp hơn. Do Nam Việt có cơ cấu thị trường không quá tập trung vào một thị trường đơn lẻ, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Nam Việt sẽ ít chịu tác động của các rủi ro này.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019, Nam Việt đạt doanh thu 3.105 tỉ đồng (tăng 13,5% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 594 tỉ đồng (tăng 71,2%). Trong đó, riêng quý III đạt 1.130 tỉ đồng doanh thu (tăng 7,4%) và 185 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 40%). Trong kỳ đại hội thường niên 2019, Nam Việt đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 5.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 700 tỉ đồng. Cổ phiếu ANV đang trong xu hướng hồi phục sau khi tích lũy gần 2 tháng tại khu vực 24-25. Thanh khoản cổ phiếu tăng đồng thuận với những phiên tăng điểm.

(*) Công ty Chứng khoán Rồng Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày