Chứng khoán

Phát lộ ngọc thô

Thủy Vũ (*) Thứ Ba | 30/07/2019 14:00

Ảnh: Quý Hòa.

Nhiều yếu tố hỗ trợ của thị trường để xuất hiện thêm các blue-chip mới.
Ảnh: Quý Hòa.

Tìm ra và nắm giữ cổ phiếu với tỉ suất sinh lời “bằng lần” luôn là ước mơ của bất kỳ nhà đầu tư nào. Tuy nhiên, lợi nhuận cao trên thị trường chứng khoán đương nhiên sẽ không giành cho số đông. Vậy phải tìm những “viên ngọc” chưa phát lộ này ở đâu?

Điều gì có thể biến một cổ phiếu thông thường trở thành một blue-chip trong tương lai? Không gì khác ngoài từ chính nền tảng phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp muốn có tốc độ tăng trưởng cao liên tục cần phải hoạt động trong lĩnh vực tạo ra đủ động lực tăng trưởng. Vậy đâu là những xu hướng chính trong tương lai của kinh tế Việt Nam? Có thể liệt kê ra hai chủ điểm tập trung, đó là kinh tế số và FDI.

Phat lo ngoc tho

Sự phát triển vượt bậc của các thành tựu công nghệ trên toàn cầu trong 20 năm qua đã tạo ra một thế hệ cổ phiếu blue-chip mới, bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu. Tại Việt Nam, các cổ phiếu công nghệ lớn như MWG (Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động), FPT cũng đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua. Song, rõ ràng so với mặt bằng thế giới, tầm vóc của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tương quan với thị trường chứng khoán vẫn chưa được thể hiện đúng mức.

Trong tương lai, trụ cột phát triển cho ngành công nghệ tại Việt Nam đến từ 3 động lực chính: bán lẻ điện tử, chuyển đổi số và 5G. Sự phát triển theo hướng số hóa nền kinh tế, cùng với sự phát triển của 5G sẽ là cú hích đột phá thúc đẩy các công ty công nghệ và viễn thông của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh mức độ phổ cập internet và smartphone tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. Gián tiếp hưởng lợi từ xu hướng này, thương mại điện tử cũng hứa hẹn đóng vai trò ngày một quan trọng hơn, tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp cả bán lẻ lẫn bán buôn.

Ở phương diện đầu tư nước ngoài, làn sóng FDI đổ vào Việt Nam trong thời gian vừa qua đã mang lại những biến chuyển lớn cho nền kinh tế. Song song đó, các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của khối FDI cũng nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Các ngành nghề như bất động sản khu công nghiệp, logistics đều chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ của các cổ phiếu đầu ngành như KBC (bất động sản khu công nghiệp), VTP (logistics)... Trong bối cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới có hiệu lực, sự chuyển dịch dòng vốn FDI theo hướng có lợi cho Việt Nam sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp phục vụ trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, cũng như các doanh nghiệp đầu ngành của những ngành nghề được hưởng lợi từ sự hội nhập thương mại và tiếp nhận đầu tư của kinh tế Việt Nam.

Phat lo ngoc tho

Một góc nhìn khác không thể không nói tới đó là làn sóng M&A giữa chính các doanh nghiệp nội. Sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào thương mại toàn cầu vừa là cơ hội, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt. Sự thâm nhập thị trường của các công ty nước ngoài đặt doanh nghiệp Việt vào bài toán cạnh tranh sống còn ngay tại sân nhà. Thời gian vừa qua, đã có một vài thương vụ đáng chú ý được diễn ra, tiêu biểu là việc Vinamilk mua lại GTN Foods, doanh nghiệp sở hữu Sữa Mộc Châu.

Phat lo ngoc tho

Cơ hội mở ra cho nhà đầu tư với các thương vụ M&A dạng này nằm ở việc sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn giúp thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp nhỏ tăng giá mạnh, hoặc nằm ở việc sáp nhập khiến cổ đông các doanh nghiệp small cap trở thành cổ đông các doanh nghiệp blue-chip (thông qua phương thức hoán đổi cổ phần). Cùng với đó, trong tương lai, sự “hợp lực” của 2 doanh nghiệp hứa hẹn tạo ra một thực thể mới với tính cạnh tranh và vị thế mạnh mẽ hơn, mang tới một triển vọng đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, không thể không kể tới hàng loạt các doanh nghiệp với tiềm năng khổng lồ, thương hiệu và vị thế được khẳng định, song vì một lý do nào đó vẫn đang được định giá thấp hơn tiềm năng thực sự. Điều này có thể đến từ việc giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, mà điển hình là FPT, MWG hay MBB, hoặc do niêm yết trên sàn UPCoM khiến khối ngoại không thật sự mặn mà như ACV, MCH, VEA. Một khi các rào cản trên được dỡ bỏ, các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể vươn mình trở thành những “khủng long mới” của thị trường.

Cơ hội tìm ra những doanh nghiệp tiềm năng trở thành blue-chip tương lai luôn tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, cũng giống như quy luật thông thường của đầu tư, khi “thắng lợi không dành cho số đông”, sự thành công trong việc tìm kiếm và nắm giữ những cổ phiếu tiềm năng này chỉ thuộc về những nhà đầu tư thật sự kiên nhẫn. Bởi xét cho cùng, một viên ngọc sẽ không còn gì danh giá nếu ai cũng có thể tìm ra và sở hữu.

(*)  Trưởng phòng Phân tích Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày