Chứng khoán

Quỹ chuyên đánh game nâng hạng “ôm hận” vì 2 phiên giao dịch cuối tháng 1

Vũ Hạo Thứ Ba | 11/02/2020 17:26

Ảnh: Internet

Đà giảm 5,5% trong 2 phiên giao dịch cuối cùng của tháng đã kéo thành quả của thị trường chứng khoán Việt về mức âm.
Ảnh: Internet
Thành quả tháng 1/2020
Thành quả của quỹ Tundra

NAV/ccq (NAV trên số lượng chứng chỉ quỹ) của quỹ Tundra Vietnam Fund D giảm 4,9% (xét bằng đồng USD) trong tháng 1/2020, so với mức giảm 4,4% của chỉ số tham chiếu FTSE Vietnam Index Total Return.

Nguyên nhân chính kéo lùi thành quả của quỹ xuất phát từ vụ đầu tư vào cổ phiếu nằm ngoài chỉ số tham chiếu là FPT với mức giảm 11,4% trong tháng 1/2020. Hiện cổ phiếu FPT có tỷ trọng lớn nhất danh mục với 8,6%. Tuy nhiên, quỹ Tundra tin rằng tình trạng này chỉ là tạm thời và ngay khi nỗi lo sợ về virus corona chủng mới (2019-nCoV) giảm bớt, cổ phiếu FPT sẽ trở về các mức trước đó.

Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong danh mục Tundra Vietnam Fund D
Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong danh mục Tundra Vietnam Fund D

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thành quả chung của Quỹ, trong đó hai cổ phiếu DXG và LDG giảm tương ứng 21,3% và 20,3% trong tháng qua.

Ngành hàng tiêu dùng vẫn đang chịu áp lực từ cổ phiếu MSN và VNM. Ngày 03/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan vừa thỏa thuận việc sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Thông tin này khiến cổ phiếu MSN giảm mạnh 12,4%. Trong khi đó, tăng trưởng ảm đạm của Vinamilk làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư.

Những cổ phiếu có thành quả tốt nhất và tệ nhất trong danh mục quỹ Tundra
Những cổ phiếu có thành quả tốt nhất và tệ nhất trong danh mục quỹ Tundra

Ở mặt tích cực, việc đầu tư mạnh vào nhóm tài chính và đặt tỷ trọng thấp trong nhóm hàng tiêu dùng giúp quỹ Tundra bớt giảm trong tháng 1/2020. Kết quả hoạt động tốt hơn dự báo và kỳ vọng về kế hoạch tái cấu trúc vốn của ngân hàng thu hút nhà đầu tư chú ý đến ngành tài chính. Cổ phiếu sáng nhất trong danh mục của quỹ là CTG với mức tăng 15,7%.

Thành quả âm chỉ vì 2 phiên giao dịch cuối tháng

Chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm 2020 bằng đà tăng mạnh nhưng rồi cũng bị xóa sạch bởi sự bùng phát của virus corona. Khép lại tháng 1/2019, chỉ số VN-Index giảm 1,1%, trong khi MSCI Emerging Markets lao dốc 1,8% và MSCI Frontier Markets giảm tới 3,3% (xét bằng đồng SEK).

Kết quả là thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 5,5% trong 2 phiên giao dịch cuối tháng 1/2020. Sự bùng phát của virus corona vào ngay dịp Tết Âm lịch đã làm chao đảo các thị trường trên toàn cầu và việc Việt Nam nằm gần với Trung Quốc càng làm gia tăng thêm nỗi lo cho nhà đầu tư.

Trên thực tế, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (chiếm 17%) và cũng là quốc gia rót vốn FDI mạnh (chiếm 20% trong năm 2019) vào xứ sở hình chữ “S”. Do đó, sự bùng phát của virus corona gây ra nhiều lo ngại về nền kinh tế Việt Nam.

Cho tới nay, số liệu của các cơ quan chức năng Trung Quốc và thế giới cho thấy có 43.100 ca bị nhiễm bệnh và số ca tử vong lên tới 1.018 người, tương đương với tỷ lệ 2,23%. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, đã có 4.026 người được chữa khỏi.

Trên thị trường, nhà đầu tư thường hoạt động không quá sôi nổi trong tháng diễn ra Tết Âm lịch. Giá trị giao dịch hàng ngày giảm xuống 171 triẹu USD, tức giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước). Cùng lúc đó, thanh khoản từ nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm. Khối ngoại mua ròng 82 triệu USD trong tháng 1/2020, nhưng chủ yếu đến từ các giao dịch thỏa thuận ở CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (mã: PGD) và Thế giới di động (MWG) với tổng giá trị lên đến 66,5 triệu USD.

Chỉ số lạm phát tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 tăng 6,4% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013. Áp lực lạm phát đến từ giá thực phẩm do nhu cầu tiêu thụ cao hơn trong dịp Tết Âm lịch. Lạm phát được cho là sẽ suy yếu trong những tháng tới khi giá thực phẩm trở về trạng thái bình thường, đồng thời giá năng lượng toàn cầu cũng đang đi xuống.

Lượng FDI cam kết trong tháng 1/2020 tăng 2,8 lần lên 4,46 tỷ USD (chủ yếu liên quan đến một nhà máy nhiệt điện với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD). Trong khi đó, lượng FDI đã giải ngân chỉ tăng nhẹ 3,2% lên 1,6 tỷ USD. Cán cân thương mại âm 100 triệu USD, trong đó xuất khẩu giảm 14,3% so với cùng kỳ về mức 19 tỷ USD và nhập khẩu cũng giảm 11,3% xuống 19,1 tỷ USD. Việc nghỉ Tết Âm lịch và tình trạng nhà máy Trung Quốc đóng cửa thêm 1 tuần vì virus corona là những lý do chính khiến hoạt động thương mại đi xuống.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày