Chứng khoán

Vì sao khối ngoại bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam?

Vũ Hoài Thứ Ba | 10/12/2019 13:31

Vì sao khối ngoại bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam? Ảnh: Finance.

Tính riêng tháng 11, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên HoSE...
Vì sao khối ngoại bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam? Ảnh: Finance.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng những rào cản về thanh khoản, chi phí giao dịch,... khiến các nhà đầu tư ngoại nản lòng. 

Nhà đầu tư ngoại rút khỏi thị trường Việt

Theo số liệu thống kê của bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Reasearch), trong 2 tháng trở lại đây, dòng vốn đầu tư vào quỹ ETF ra vào đan xen nhưng lượng tiền vào vẫn có phần nhỉnh hơn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng khá lớn trên cả 3 sàn (1.583 tỷ đồng trong tháng 10 và 950 tỷ đồng giữa tháng 11). Đây phần nhiều là hoạt động tái cơ cấu của các quỹ đầu tư chủ động, từ đó tạo sức ép lên thị trường.

Khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HoSE. Nguồn: SSI Research.
Khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HoSE. Nguồn: SSI Research.

Cũng theo số liệu của SSI Reasearch, chỉ tính riêng tháng 11, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó hơn 104 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt.

Trong danh sách bán ròng của khối ngoại, nhiều cổ phiếu  lớn như Vinamilk (VNM), Vietcombank (VCB); Vietinbank (CTG),... đứng đầu trong danh sách bán ròng của nhà đầu tư ngoại.

Khối ngoại e dè điều gì?

Bloomberg đưa tin, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cổ phiếu Việt Nam đang rẻ, nhưng khối ngoại lại không có nhiều cơ hội mua vào vì thanh khoản thấp.  Những rào cản đến từ việc Việt Nam vẫn đặt ra trần giới hạn sở hữu ở nước ngoài, mức thả nổi tự do nhỏ và phần nắm giữ của nhà nước tại một số công ty lớn ở mức cao, khiến dư địa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều.

Theo số liệu thống kê của Bloomberg, khối lượng giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với các nước Đông Nam Á khác, ngay cả đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong khi nhà đầu tư nước ngoài trân trọng cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, thì đó thực sự là rào cản. Thanh khoản giới hạn tại một số cổ phiếu hàng đầu một phần là do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần của họ trong dài hạn, ông Tim Love, giám đốc của thị trường chứng khoán mới nổi tại GAM Investments cho biết. Chi phí thực hiện cao và lo ngại không thể mua được một lượng cổ phần lớn như mong muốn đã khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng, ông nói.

Tỷ lệ giao dịch tự do của các cổ phiếu hàng đầu trong VN-Index đều dưới 50%. Nguồn: Bloomberg.
Tỷ lệ giao dịch tự do của các cổ phiếu hàng đầu trong VN-Index đều dưới 50%. Nguồn: Bloomberg.

Đối với các nhà đầu tư muốn đặt cược nhiều hơn vào Việt Nam, họ sẽ cần phải hiểu rõ hơn về những gì quốc gia đang làm để tăng thanh khoản, và những biện pháp liên quan đến thị trường khác mà họ đang xem xét, theo ông Lam. “Khi bạn có tầm nhìn, bạn có cơ hội được đánh giá lại cao hơn và vốn nước ngoài sẽ chảy vào”, ông nói.

Vậy sao có quy định giới hạn room khối ngoại?

Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nguyên nhân giới hạn room nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành nghề kinh doanh đặc biệt như ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, các ngành khai thác tài nguyên quốc gia & ngành nghề kinh doanh có điều kiện,...

Đặc điểm chung trong Luật Đầu Tư Nước Ngoài của các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, ... là chia các ngành nghề kinh doanh ra thành ba nhóm: nhóm khuyến khích đầu tư, nhóm ngành nghề hạn chế đầu tư và nhóm ngành cấm đầu tư. 

Về vấn đề thanh khoản của thị trường, ông Huy cho rằng, để tạo động lực cho dòng tiền luân chuyển nhanh hơn, cần sớm áp dụng biện pháp rút ngắn chu kỳ giao dịch. Ðiều này sẽ giúp vòng quay của tiền nhanh hơn và khi đó đương nhiên sẽ tăng thanh khoản.

►Bloomberg: Cổ phiếu Việt Nam đang rẻ, nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại không có nhiều cơ hội mua vào vì thanh khoản thấp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày