Chuyên đề

TP.HCM tham vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực

Sơn Nguyễn Thứ Tư | 18/12/2019 08:12

Ảnh: Quý Hòa

Liệu TP.HCM có nắm được cơ hội này để xây dựng một trung tâm tài chính cạnh tranh?
Ảnh: Quý Hòa

Lần đầu tiên trong thập niên gần đây, kinh tế Hồng Kông rơi vào tình trạng suy thoái với tăng trưởng dự kiến âm 1,3% năm nay. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tiếp tục kéo dài, vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy, sự thất thế của đế chế tài chính lâu đời này bỗng mang lại cơ hội hiếm có cho các đối thủ khác vươn lên. Một trong số đó là điểm đến mới nổi: TP.HCM với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Lỡ nhịp tham vọng

Thực tế, tham vọng lọt vào “Câu lạc bộ giàu có” của châu Á đã được TP.HCM ấp ủ từ năm 2002 ngay sau sự kiện ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Nhưng do nhiều yếu tố chưa chín muồi, đề án này đã lỡ nhịp 17 năm qua và nay mới có cơ hội được bàn thảo trở lại.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết đô thị trên thế giới. Điển hình như tại New York, dịch vụ tài chính chiếm đến 46% tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, London là 42%, rồi 29% của Singapore hay 27% của Thượng Hải. “Điều này cho thấy mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

 

Nếu xét thử một số thước đo cơ bản, có thể thấy giấc mơ tầm cỡ thế giới của TP.HCM không phải không có cơ sở. Theo VinaCapital, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 6 lần từ mức 33,8 tỉ USD lên 195,6 tỉ USD chỉ từ năm 2009 đến nay. Trong đó, vốn hóa của HOSE dẫn đầu với 143,2 tỉ USD. Tuy còn khoảng cách khá xa so với mức vốn hóa 657 tỉ USD của Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX), nhưng nếu giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ như 10 năm qua, HOSE có thể sẽ rút ngắn đáng kể khoảng cách với SGX chỉ trong thời gian ngắn tới đây.

Đáng chú ý, với giá trị huy động được 2,6 tỉ USD trong năm 2018, thị trường IPO của Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Singapore (500 triệu USD) để đứng đầu khu vực ASEAN. Từ kết quả đáng khích lệ của năm nay đi cùng sự chuyển dịch ngày càng nhiều của dòng vốn ngoại đến Việt Nam, 2019 có thể tiếp tục là năm chói sáng của thị trường IPO. Sự trỗi dậy của Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoại mong muốn được niêm yết, như chuỗi cà phê nổi tiếng Highlands Coffee thay vì niêm yết tại các thị trường tài chính lâu đời hơn như Hồng Kông hay Singapore.

Việc định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế đồng thời giúp TP.HCM tận dụng được lợi ích từ các dự án hạ tầng trọng điểm liền kề, như sân bay quốc tế Long Thành với công suất hàng đầu châu Á, là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (top 19 thế giới), hay tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với thị trường Campuchia và ASEAN. Động lực còn đến từ sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư thế giới vào Việt Nam nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay 16 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang tham gia.

Nhìn xa hơn, việc TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực hứa hẹn sẽ tạo ra động lực mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo liên kết vùng mạnh mẽ khi TP.HCM có thể nhường lại sân chơi ở các lĩnh vực sản xuất, chế biến cho các địa phương liền kề như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An. Việc trở thành trung tâm tài chính quốc tế hứa hẹn còn kết nối hiệu quả với các đề án quan trọng khác là đề án Khu đô thị Sáng tạo phía Đông hay Thành phố thông minh (Smart City). Tất cả giúp nâng tầm diện mạo TP.HCM trong cuộc chạy đua với các đối thủ khác như Kuala Lumpur, Bangkok hay Singapore.

 

Theo ông Donald Lambert, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), triển vọng tăng trưởng của Việt Nam có thể khuếch đại cơ hội cho TP.HCM. Đến năm 2050, Việt Nam được dự đoán là 1 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Nếu thành phố phối hợp tốt với Trung ương để thực hiện những cải cách tài chính quan trọng, thì có khả năng tiếp bước theo mô hình của Tokyo, Thượng Hải, Mumbai trên con đường trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, với  bước đi đầu tiên là tài trợ cho sự phát triển của chính bản thân nền kinh tế nội địa”, ông Donald Lambert nhận định.

Hiện có 5 yếu tố cốt lõi của trung tâm tài chính được TP.HCM ưu tiên đầu tư là môi trường kinh doanh, con người, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của ngành tài chính và danh tiếng của địa phương. “TP.HCM không đặt tham vọng trở thành trung tâm tài chính lớn nhất khu vực nhưng mong muốn là bạn để kết nối tất cả trung tâm tài chính trên thế giới và có đủ tự tin để làm điều đó”, ông Nguyễn Thành Phong nhận định.

Bài học Thượng Hải

Cách đây hơn 10 năm, Thượng Hải cũng bắt đầu lộ trình trở thành trung tâm tài chính mới, cạnh tranh với Tokyo, Hồng Kông hay Singapore. Thành phố này luôn là trọng tâm trong quá trình cải cách và mở cửa kinh tế của Chính phủ Trung quốc. Nhờ nhận được nhiều chính sách ưu đãi và hưởng lợi từ xu thế bùng nổ của nền kinh tế, Thượng Hải đã ghi nhận các bước thăng tiến vượt bậc và dần trở thành một trung tâm kinh tế nổi tiếng với biểu tượng là khu phố tài chính cao chọc trời Pudong.

Thượng Hải đang vận hành hàng loạt thị trường giao dịch thời thượng như chứng khoán phái sinh, vàng và ngoại hối, đồng thời thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế: từ miễn thuế hay nâng mức trần tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong liên doanh. Môi trường và cơ sở hạ tầng của thành phố không ngừng cải thiện để thu hút các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Tính đến năm 2017, đã có 1.537 tổ chức tài chính thành lập các chi nhánh tại Thượng Hải, trong đó có gần 30% trong số đó được thành lập bởi các công ty nước ngoài.

 

Thị trường tài chính bùng nổ đã tạo tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế khác, trở thành động lực giúp GDP tăng trưởng ổn định. Trong năm 2015, ngành tài chính của Thượng Hải đã ghi nhận mức tăng 62,24 tỉ USD, tương đương với tốc độ gia tăng 22,9%, đóng góp 16,2% vào GDP của thành phố. Quy mô thị trường chứng khoán và trái phiếu đạt 9.200 tỉ nhân dân tệ, gấp khoảng 3 lần so với năm 2010.

Với đà tăng trưởng thần tốc thời gian qua, mới đây Thượng Hải không giấu tham vọng trở thành một đế chế tài chính mới của thế giới. Theo kế hoạch cho năm sau, thành phố này sẽ trở thành một thị trường tài chính toàn cầu với mục tiêu phát hành các sản phẩm mới bằng đồng nhân dân tệ, trở thành đối trọng với cả London lẫn Tokyo. “Việc Thượng Hải trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, tăng sức mạnh địa chính trị mềm và tạo ra một lượng lớn việc làm. Đồng thời tạo ra một loạt hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh của một số ngành liên quan với tài chính”, ông Zhenyi Tang, Chủ tịch Công ty Tài chính CLSA, nhận định.

Hiện Chính phủ Trung Quốc đang thí điểm các chương trình quốc tế hóa nhân dân tệ thông qua các công cụ hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác và triển khai các giao dịch thương mại bằng nhân dân tệ (thay vì USD hoặc euro). Cơ quan quản lý cũng giới thiệu các sản phẩm mới để làm cho thị trường vốn Trung Quốc cởi mở hơn với thị trường quốc tế với một loạt hợp đồng tài chính và hợp đồng tương lai.
“Thượng Hải đang đi đúng hướng, đưa các công ty sáng tạo nhất vào thị trường của mình và tạo ra một môi trường thân thiện cho các tổ chức nước ngoài. Làm điều này, Thượng Hải sẽ trở thành một trung tâm cạnh tranh ngày càng cao về tài chính quốc tế”, ông Zhenyi Tang nhận định.

Hãy quay trở lại trường hợp của TP.HCM. Rõ ràng sẽ còn nhiều việc cần làm để biến giấc mơ thành phố tài chính trở thành hiện thực, đặc biệt là thiếu vắng các chính sách định hướng, cơ chế ưu đãi đầu tư và vốn nâng cấp hạ tầng cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright, thực tế tỉ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm đã làm suy yếu động lực phát triển của địa phương này. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, TP.HCM đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

 

Đó là chưa kể đến nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính. “Trung tâm tài chính TP.HCM trước hết phục vụ khu vực phía Nam và cả nước. Còn nếu tiến ra khu vực và thế giới thì cần một cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới, không theo lối mòn truyền thống. Cần tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến song song với việc phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa. Trên tất cả là cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị.

Theo chuyên gia Donald Lambert, Ngân hàng ADB, cách tiếp cận tốt cho hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, là nên tập trung nguồn lực để xây dựng một trung tâm tài chính quốc gia để phục vụ cho mục tiêu trong nước đầu tiên. Đơn cử như Việt Nam có nhu cầu đầu tư rất lớn. Riêng về cơ sở hạ tầng, nhu cầu đầu tư hằng năm ước tính từ 18-20 tỉ USD.

Nếu TP.HCM có thể trở thành một trung gian ngày càng hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, nó sẽ không chỉ thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thực sự của Việt Nam mà còn phát triển các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để chuyển từ một trung tâm tài chính quốc gia đến sân chơi quốc tế. Theo ông Donald Lambert, các trung tâm tài chính toàn cầu có chung một số đặc điểm. Đó là khung pháp lý hoàn thiện, có thể dự đoán được; cơ sở hạ tầng thị trường vững chắc, giúp giới đầu tư giao dịch hiệu quả và tiết kiệm chi phí; cơ chế độc lập của chính sách tiền tệ, tỉ giá hối đoái linh hoạt; cuối cùng là cần thiết kế một cơ chế hiệu quả phòng chống rửa tiền hay tài trợ cho khủng bố.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày