Công Nghệ

Bản đồ vốn startup 2022

Lê Phan Thứ Sáu | 03/12/2021 14:00

Đại dịch COVID-19 đã tạo thuận lợi cho các startup EdTech tạo nhiều đột phá. Ảnh: Qúy Hòa.

Với hệ sinh thái số đang hoàn thiện, dòng vốn startup tại Đông Nam Á hướng đến Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Đại dịch COVID-19 đã tạo thuận lợi cho các startup EdTech tạo nhiều đột phá. Ảnh: Qúy Hòa.

Việt Nam được dự báo có GDP tăng trưởng năm 2021 xấp xỉ 4%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, dòng vốn FDI năm nay vẫn có thể đạt 30 tỉ USD, nên Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất khu vực.

Hệ sinh thái startup mới nổi 

Trong đó, DealStreetAsia bày tỏ lạc quan khi 9 tháng đầu năm 2021, lần đầu tiên tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ (startup) Việt Nam chạm ngưỡng 1,4 tỉ USD, chưa kể thương vụ rót 250 triệu USD vào Tiki. Hiện tại, số vốn được các quỹ huy động nhưng chưa “xuống tiền” khoảng 7 tỉ USD.

Theo bà An Đỗ, Giám đốc tại Patamar Capital, yếu tố khác khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư công nghệ là Việt Nam có 2 thành phố trong nhóm top 100 hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi của thế giới là TP.HCM (60-70) và Hà Nội (90-100). So với các chỉ số đo lường cụ thể, chỉ số nhân tài và năng lực của TP.HCM được đánh giá ở mức 8/10, tương đương với Singapore và khu vực khác.

Bên cạnh đó, khung pháp lý cho nền kinh tế số Việt Nam đã ra đời và đang dần hoàn thiện, đặc biệt với chương trình chuyển đổi số từ nay đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. “Từ góc độ nhà đầu tư quốc tế đổ vào Việt Nam, nỗ lực của Chính phủ để đơn giản hóa quy trình đầu tư là yếu tố được thị trường ghi nhận. Tất nhiên, còn cần hoàn thiện nhiều hành lang pháp lý để quy trình thu hút hơn”, bà An Đỗ nhận định.

Ảnh: TL.
Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất khu vực. Ảnh: TL.

Theo báo cáo năm 2021 của Google, Temasek và Bain & Company dựa trên 6 nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á, tỉ trọng nền kinh tế số trong GDP của Việt Nam dao động quanh mức 12-13%. Theo khảo sát không chính thức của Patamar Capital với các quỹ ở cùng phân khúc và cùng giai đoạn đầu tư, đây cũng là con số mà nhà đầu tư muốn rót vào thị trường Việt Nam cho các công ty công nghệ giai đoạn đầu. “Với những quỹ đặc biệt có lịch sử đầu tư lâu dài ở Việt Nam như Patamar có thể tăng tỉ trọng đầu tư lên 20-30% vì chúng tôi thấy được vị thế và tiềm năng của Việt Nam trong chiến lược đầu tư dài hạn của quỹ”, bà An Đỗ chia sẻ.

Cũng theo một khảo sát của Patamar Capital, ước tính có ít nhất khoảng 600 triệu USD sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, trong đó 1/3 số tiền này đến từ hơn 10 quỹ nội, vườn ươm nội. Đặc biệt hơn khi các nhà đầu tư này chỉ muốn tập trung vào các công ty hạt giống hoặc tiền hạt giống. Điều này chứng tỏ thị trường Việt Nam hấp dẫn không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà còn với nhà đầu tư Việt.

 

Theo thông tin từ DealStreetAsia, tính đến hết tháng 9/2021, có hơn 17,2 tỉ USD đổ vào 696 thương vụ đầu tư nói chung trên toàn khu vực Đông Nam Á. Dẫn đầu là Singapore chiếm 49% số thương vụ và hơn 50% giá trị trên mỗi thương vụ. Vị trí thứ 2 thuộc về Indonesia với 22,8% số thương vụ, 28,4% giá trị trên mỗi thương vụ. Việt Nam đứng vị trí thứ 3 với 10,9% số thương vụ và 8,1% giá trị mỗi thương vụ. Con số thống kê này bao gồm các doanh nghiệp chưa niêm yết trong thị trường khu vực.

Điểm đến của dòng tiền 

Nhận định về xu hướng đầu tư, theo ông Hoàng Xuân Chính, Quản lý đối tác tại Excelsior Capital Asia, có 6 ngành thu hút đầu tư tại Đông Nam Á trong năm tới, gồm: logistics tech (các giải pháp công nghệ tối ưu hóa công việc vận chuyển) eCommerce (thương mại điện tử), fintech payment (giải pháp thanh toán), logistics eCommerce (giải pháp vận chuyển phục vụ riêng cho thương mại điện tử), cho vay tiêu dùng và EdTech (giáo dục trực tuyến).

Tại Việt Nam, theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company, dịch vụ tài chính kỹ thuật số (fintech) đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số. “Xu hướng này vẫn dẫn đầu trong năm tới vì startup vòng gọi vốn series B trở lên liên tục cần vốn để mở rộng, các startup vòng hạt giống và series A cần vốn để phát triển. Đặc biệt hơn là hành lang pháp lý mở hơn với ngành này”, bà An Đỗ lý giải.

Ông Hoàng Đức Trung, Quản lý đối tác tại VinaCapital Ventures, cho rằng, không chỉ công nghệ mà những gì liên quan đến trải nghiệm mới cho khách hàng, giúp gia tăng doanh số, tăng năng suất... sẽ thu hút được đầu tư. Riêng VinaCapital Ventures còn đặc biệt quan tâm đến logistics và cho vay tiêu dùng.

 

Bên cạnh đó, các ngành như EdTech, chăm sóc sức khỏe cũng đang được thúc đẩy khi dịch bệnh đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, EdTech và chăm sóc sức khỏe là 2 ngành khá đặc thù và hiện tại chưa có nhiều đột phá, kể cả những doanh nghiệp đã được đầu tư. Để đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi tốn nhiều thời gian hơn, lợi nhuận thu về lâu hơn. “Hai bài toán thường được nhà đầu tư cân nhắc chính là tìm được người hiểu chuyên ngành nắm được công nghệ để vận hành. Thứ 2 là bài toán kinh doanh, khả năng sinh lợi nhuận để đưa ngành gia nhập dòng chảy của nền kinh tế”, ông Hoàng Đức Trung nói thêm.

“Các startup Việt Nam ít mạnh dạn đưa tầm nhìn mở rộng thị trường ra khỏi phạm vi Việt Nam khi thu hút đầu tư. Họ muốn chinh phục thị trường nội địa trước rồi mới ra nước ngoài. Điều này tốt nhưng ở một số mảng/ngành nghề khi thị trường nội địa có sức chứa chưa quá lớn thì việc có tầm nhìn mở hơn sẽ đẩy startup đi xa hơn”, bà An Đỗ nhấn mạnh.

Ông Hoàng Đức Trung chia sẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp theo định nghĩa của VinaCapital Ventures được cấu thành từ 4 yếu tố, gồm Nhà nước, quỹ đầu tư, khối doanh nghiệp và hệ thống các trường đại học. Trong đó, ấn tượng nhất vài năm trở lại đây chính là khối doanh nghiệp như Viettel, Vingroup... bởi chính các khối doanh nghiệp này sẽ tạo nên hệ sinh thái vững chắc hơn, tạo ra những cơ hội M&A để startup thoái vốn cũng như tạo ra nhiều cá nhân thành công tái đầu tư vào xã hội.

So sánh với những nước trong khu vực, các chuyên gia cho rằng, sự tham gia của các khối doanh nghiệp vào những quỹ đầu tư hiện tại ở Việt Nam vẫn không nhiều. Chẳng hạn, Ngân hàng SCB của Thái Lan lập một quỹ đầu tư 800 triệu USD tìm cơ hội đầu tư vào các công ty công nghệ tại Thái và trên thế giới. Do đó, Việt Nam nên tìm cách khuyến khích các tập đoàn nội địa tham gia vào các quỹ đầu tư.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày