Công Nghệ

Công nghệ phá bĩnh cho ASEAN

Văn Quốc Thứ Ba | 30/03/2021 14:00

Ảnh: cloudexpoasia.com

Công nghệ đám mây có thể là công cụ phá bĩnh giúp cho các quốc gia yếu thế ở ASEAN tạo được đột phá.
Ảnh: cloudexpoasia.com

Công nghệ đám mây được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa và tăng sức mạnh cho các quốc gia Đông Nam Á từ gia tăng hội nhập tài chính cho đến tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường chính thức cho những đối tượng yếu thế trong nền kinh tế như các nông hộ nhỏ, theo báo cáo giữa tháng 3.2021 của Eco-Business Research.

Công nghệ đám mây chỉ yêu cầu hạ tầng và vốn đầu tư tối thiểu trong khi giúp các doanh nghiệp nhanh chóng đạt được quy mô cần thiết và đây là lý do công nghệ này đặc biệt hấp dẫn các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, việc phát triển và áp dụng công nghệ đám mây cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa 5 quốc gia trọng điểm được nghiên cứu trong báo cáo của Eco-Business.

Theo đó, Singapore đang đi đầu trong việc áp dụng công nghệ đám mây cùng với tiềm năng tăng trưởng lớn, nhờ được tiếp sức bởi cơ sở hạ tầng mạnh và các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ này. Sáng kiến “Thành phố thông minh, Quốc gia thông minh” của Singapore đặt trọng tâm lớn vào công nghệ đám mây để cung cấp những dịch vụ hiệu quả hơn, tinh gọn hơn hệ thống chính phủ như các nền tảng về thuế, giao thông vận tải...

Thái Lan và Malaysia xếp sau Singapore với môi trường điều hành và tỉ lệ thâm nhập kỹ thuật số tương đối cao ở mức khoảng 80% dân số ở cả 2 quốc gia. Trong khi đó, Indonesia và Philippines lại thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số làm bệ đỡ để thúc đẩy công nghệ đám mây. Tuy nhiên, Indonesia được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất cho điện toán đám mây, nhờ có các startup mạnh trong lĩnh vực công nghệ số như Gojek, Tokopedia.

Tại Indonesia, công nghệ đám mây có thể giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Mô hình từ nông trại đến bàn ăn đã giúp ngành này giải quyết nút thắt về nhiều tầng lớp trung gian, vốn lấy đi 10-15% lợi nhuận. Đám mây cũng cho phép các nông hộ nhỏ tiếp cận dễ dàng thị trường thương mại điện tử bằng cách sử dụng các ứng dụng dựa trên đám mây khi tầng lớp trung lưu nước này ngày càng chọn mua sắm qua mạng so với đi “chợ ướt” truyền thống, theo Purnama Adil Marata, chuyên gia nông nghiệp tại Indonesia. Công nghệ đám mây cũng cho phép các đối tượng yếu thế ở Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung tiếp cận tài chính, đặc biệt khi rất nhiều người nghèo chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng.

 

Tuy nhiên, con đường phát triển hạ tầng số, nâng cao nhận thức và đưa ra các chính sách làm bệ đỡ cho công nghệ đám mây cũng không hề dễ dàng. “Các quốc gia đều đang đi trên con đường này và chưa có ai đưa ra giải pháp triển khai tốt nhất”, Calum Handforth, chuyên gia tư vấn về các thành phố thông minh và số hóa thuộc UNDP, nhận xét. Lấy ví dụ, xâm phạm dữ liệu đang là nỗi đau đầu của cả khu vực công và tư, mặc dù hầu hết các nhà cung cấp đều có hệ thống an ninh mạnh. Câu chuyện về thành công kỹ thuật số của Singapore từng bị vết nhơ bởi các vụ xâm phạm dữ liệu nghiêm trọng như sự cố năm 2018 khi tin tặc đánh cắp 1,5 triệu hồ sơ y tế, trong đó có hồ sơ của Thủ tướng Lý Hiển Long.

Lệch pha về số hóa cũng là một trở ngại chính đối với công nghệ đám mây. Một số quốc gia ở Đông Nam Á đang bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua số hóa do nguồn điện chập chờn và hạ tầng internet không ổn định như tại Philippines và Indonesia. Thậm chí tại những thị trường có hạ tầng internet mạnh, các nhà làm chính sách và nhà cung cấp dịch vụ số cũng cần giải quyết sự lệch pha giữa các thành phần trong xã hội, cũng như cần nâng cao hiểu biết về máy tính nhằm đảm bảo công nghệ đám mây đến với tất cả mọi người.

 

Hơn hết, tăng cường hợp tác trong khu vực là tối quan trọng nhằm khai thác tối đa tiềm năng từ công nghệ đám mây. Chẳng hạn như việc các chính phủ cần thống nhất lập ra nguyên tắc chung về dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới để cải thiện năng lực cạnh tranh tổng thể như một khu vực, cũng như hợp tác ngăn chặn tội phạm mạng. “Để điều này phát huy hiệu quả, nó đòi hỏi không chỉ là công nghệ, mà còn là vấn đề cấp lãnh đạo”, Jane Treadwell thuộc Amazon Web Services (AWS) nhận định. Đồng quan điểm, Akanksha Bilani, đứng đầu liên minh khu vực tại Intel, cho rằng: “Không có hợp tác, chúng ta không có gì cả”, nhận xét.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày