Công Nghệ

Docosan bước một chân vào thị trường tỉ đô

Đông Sang Thứ Năm | 27/05/2021 14:00

Ảnh: Quý Hòa

Với 1 triệu USD đầu tư từ AppWorks, Docosan đã bước một chân vào thị trường dịch vụ khám chữa bệnh từ xa ở Việt Nam.
Ảnh: Quý Hòa

Docosan được thành lập đầu năm 2020, là một ứng dụng di động cho phép người sử dụng so sánh giá cả, chất lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ y khoa và đặt lịch hẹn với bác sĩ. Bà Beth Ann Lopez, Giám đốc Điều hành Docosan, cho rằng bác sĩ thường làm việc tại nhiều phòng khám và lịch làm việc của họ không đều đặn nên rất khó để bệnh nhân có thể tìm hiểu và đặt lịch hẹn chính xác. Điều này khiến bệnh nhân phải mất thời gian đi lại nhiều lần.

Ngoài ra, giữa các phòng khám có sự khác biệt về chất lượng nên thông tin rõ ràng, chính xác và khách quan trên Docosan sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân. “Có hơn 50.000 phòng khám tư nhân trải dài khắp cả nước và hầu hết vẫn thu hút bệnh nhân thông qua những lời giới thiệu truyền miệng”, bà Beth Ann Lopez nói.

 

Việt Nam là thị trường hấp dẫn của các startup công nghệ trong lĩnh vực y tế. Theo báo cáo của BMI năm 2019, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe là ưu tiên hàng đầu ở Việt Nam khi quy mô từ 15,6 tỉ USD vào năm 2018 sẽ tăng lên 42,9 tỉ USD vào năm 2028, với tăng trưởng CAGR 11%. Ước tính chi tiêu cho dịch vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam vào khoảng 7 tỉ USD/năm. Khám chữa bệnh tại nhà được xếp vào lĩnh vực y tế dự phòng (không bao gồm dịch tễ, vaccine) ước chiếm khoảng 20-30%, tương đương 1,4 tỉ USD đến hơn 2 tỉ USD mỗi năm.

Thực ra, Docosan không đơn độc trong lĩnh vực này, nếu không muốn nói là chậm chân hơn so với các đối thủ. Nhiều hãng công nghệ đã và đang khai thác thị trường này như BookingCare, eDoctor, Jio Health, ViCare... Trong đó, Jio Health là đơn vị gọi vốn cao nhất tính đến hiện tại với 5 triệu USD vòng A với sự dẫn dắt của Monk’s Hill Ventures, kế đến là eDoctor với 4 triệu USD từ CyberAgent Capital, Genesia Ventures, Angles và Nextrans.

Mặc dù thị trường tiềm năng, nhưng hoạt động đầu tư của các startup trong lĩnh vực này vẫn chưa tạo ra đột biến bởi nhiều rào cản. Đầu tiên là các quy định hành chính chưa rõ ràng, phức tạp làm chậm việc ứng dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực y tế. Chữ ký điện tử trong thanh toán bảo hiểm y tế quốc gia là một ví dụ, bác sĩ và y tá chịu trách nhiệm đăng ký cần có sự chấp thuận của Cục Quản lý Y tế Điện tử thuộc Bộ Y tế và Bộ An ninh Quốc gia Việt Nam.

Thứ đến, dữ liệu đầu ra không được chuẩn hóa giữa các bệnh viện và bảo mật dữ liệu vẫn là mối quan tâm của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm suy yếu khả năng tích hợp giữa các bệnh viện và tăng chi phí đầu tư bảo mật của các startup y tế. Điều này làm tính năng lưu trữ hồ sơ khám bệnh trên các ứng dụng - điều mà các nhà phát triển như Docosan tự tin sẽ giúp đỡ khách hàng tốt hơn trong việc quản lý bệnh án - có thể trở nên vô dụng.

 

Cuối cùng là mặc dù các ứng dụng, dịch vụ đặt lịch khám bệnh, tư vấn bác sĩ từ xa góp phần mang lại nhiều lợi ích trong mùa dịch, nhưng phí của chúng cao hơn đáng kể so với bệnh viện công. Trước mắt, chỉ những người ở thành thị có thu nhập trung bình đến cao sẵn sàng chi trả để đổi lấy sự thuận tiện. Trong khi đó, bệnh nhân ở nông thôn vẫn ưu tiên cách thức truyền thống.

Vì lý do này, thị trường bị thu hẹp lại và doanh nghiệp ra đời sau phải chịu nhiều chi phí tiếp thị, khuyến mãi hơn để thu hút khách hàng mới tham gia. Đó là chưa kể, nghề y là nghề có thu nhập cao ở Việt Nam nên việc kéo các bác sĩ tham gia nền tảng của các startup không đơn thuần chỉ là yếu tố công nghệ.

Nhiều startup đi trước chọn cách cân đối bác sĩ có thâm niên và bác sĩ trẻ trong mạng lưới của mình và họ chấp nhận trả một khoản phí hằng tháng để duy trì mạng lưới này. 

Ảnh: Thiên Ân
Ảnh: Thiên Ân

Trên thực tế, các đối thủ của Docosan đã ý thức rất rõ vấn đề này và họ biết rằng doanh thu từ nền tảng kết nối khách hàng và bác sĩ không đủ để trang trải cho cuộc đua đường dài trong lĩnh vực startup y tế ở Việt Nam. Vì thế, nhiều đơn vị đã chọn đầu tư “phần cứng”, tức hệ thống phòng khám đa khoa, trang thiết bị hiện đại để phục vụ khách hàng và xem dịch vụ khám chữa bệnh qua ứng dụng như một dịch vụ cộng thêm.

Điển hình như Jio Health là đơn vị đi theo con đường này từ những ngày đầu. Cuối năm ngoái, Công ty đã đưa phòng khám cao cấp vào hoạt động. Chia sẻ với NCĐT, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Điều hành Jio Health Việt Nam, cho biết doanh thu của Công ty đến từ các dịch vụ như phí khám, xét nghiệm, gói thành viên và việc bán thuốc.

Hay như eDoctor tiền thân là nền tảng kết nối thông tin, sau đó mở thêm lĩnh vực cung cấp dịch vụ xét nghiệm và gần đây nhất là hợp tác với Phano Pharmacy để cung cấp dịch vụ bán thuốc trực tuyến. Đây là con đường rất tốn kém và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Do đó, với 1 triệu USD đầu tư AppWorks (Đài Loan), Docosan chỉ mới tạm thời đặt một chân vào thị trường vì chưa cho thấy mô hình kinh doanh khác biệt so với các đối thủ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày