Công Nghệ

Fika “thả tim” cho 10 tỉ USD

Văn Đạt Thứ Sáu | 05/11/2021 08:07

Hai nhà sáng lập ứng dụng hẹn hò Fika: Oscar Xing Luo (trái) và Denise Sandquist (phải). Ảnh: Fika.

Cơ hội trong thị trường hẹn hò trực tuyến thế giới với dấu ấn sáng tạo của người Việt.
Hai nhà sáng lập ứng dụng hẹn hò Fika: Oscar Xing Luo (trái) và Denise Sandquist (phải). Ảnh: Fika.

Hai người hoàn toàn xa lạ gặp nhau trên một không gian ảo và quyết định gắn bó với nhau đến suốt đời trong một thế giới thực. Một điều tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh nhưng không, đây là chuyện quá đỗi bình thường của thế kỷ XXI. 

Phạm Vũ Hải và Nguyễn Ngọc Thanh Vy đã gặp nhau trong một tình huống như vậy. Ấn tượng với nụ cười duyên dáng của cô gái trong chiếc áo dài truyền thống khi lướt ứng dụng hẹn hò có tên là Fika, Hải thả tim ngay lập tức, không chút do dự. Lúc đó, anh chàng FA (độc thân) lâu năm không dám nghĩ sẽ được phía bên kia thích lại.

“Mình còn không dám nghĩ sẽ được Vy quẹt phải, chứ đâu có dám mơ đến việc 2 đứa gắn bó lâu dài,” anh Hải nhớ lại lúc tìm ra một nửa của mình trên ứng dụng hẹn hò anh mới tải về máy nhằm giết bớt thời gian rảnh rỗi trong thời gian cách ly tại nhà do dịch COVID-19. Còn Vy cảm thấy ấn tượng với ngoại hình của anh Hải khi thấy hình của đối phương trên ứng dụng. “Bạn ấy để tóc dài đúng gu mình. Mà bạn ấy cũng đẹp trai. Nhưng lúc đó mình chưa nghĩ sẽ gắn bó với nhau lâu dài,” Vy chia sẻ.

Mọi chuyện có thêm nhiều tiến triển nhanh chóng hơn nhờ vào các tính năng xác thực danh tính, thông tin và sở thích trên Fika. Hàng triệu người trên thế giới đã gặp một nửa của mình và gắn bó với nhau bền chặt nhờ vào sự mai mối của công nghệ, giống như đôi bạn trẻ này.    

Thiên sứ công nghệ

Chỉ trong vòng vài thập kỷ, việc hẹn hò đã thay đổi rất nhiều. Trong khi những người thuộc thế hệ Y dùng Yahoo! Messenger để chat, để kết nối với nhau trên không gian mạng. Các thế hệ trước đó gặp nhau qua mai mối hay các hoạt động ngoài xã hội. Các bạn trẻ thuộc thế hệ Z như Hải và Vy, ngoài Facebook, Twitter, còn biết đến nhiều ứng dụng hẹn hò khác, từ startup đột phá gọi vốn 1,6 triệu USD như Fika cho đến các cái tên quốc tế đã dần quen tai như Tinder, Bumble, Grindr hay OkCupid.

Ngành công nghiệp hẹn hò trực tuyến bắt đầu phát triển trong vài năm gần đây, nhưng ý tưởng về hình thức kết đôi trực tuyến bắt đầu từ năm 1959, khi 2 sinh viên của Đại học Stanford đã ghép 49 cặp đôi bằng cách sử dụng bảng câu hỏi trên máy tính. Đây được xem là cuộc mai mối đầu tiên trên thế giới nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ.

Khoảng 6 năm sau đó, dịch vụ hẹn hò trực tuyến đầu tiên trên thế giới xuất hiện, khi 2 sinh viên đam mê công nghệ của Đại học Harvard tạo ra chương trình giúp người dùng trả lời một cuộc khảo sát với 75 câu hỏi để tìm ra những cặp đôi tâm đầu ý hợp nhất. Nhờ vào sự xuất hiện của internet, các trang web hẹn hò đã bắt đầu phát triển, tạo nền móng cho các ứng dụng hẹn hò đình đám thu hút sự quan tâm của giới trẻ sau này. Ngày nay, các trang web hay các ứng dụng mai mối trực tuyến đang sử dụng các thuật toán phức tạp để tác hợp hàng triệu người dùng với nhau.

Dựa trên nền tảng hiện có, năm 2013, Tinder đã cách mạng hóa ngành công nghiệp hẹn hò trực tuyến với một hệ thống khá đơn giản. Thay vì hệ thống tìm người phù hợp để mai mối, ứng dụng này cho phép người dùng quyết định việc chọn đối phương cho mình.

Được thành lập bởi Hatch Labs năm 2012, Tinder thu về 1,4 tỉ USD doanh thu năm 2020, tăng 18% so với năm 2019. Ứng dụng này đã sớm được định giá trên 10 tỉ USD. Với 66 triệu người dùng, nhưng Tinder chưa phải là ứng dụng hẹn hò lớn nhất trên thế giới. 

Thị trường 10 tỉ USD

Thế giới hiện có khoảng 1.500 trang web và ứng dụng hẹn hò trực tuyến, nhưng một số ít trong nhóm này đang chiếm lĩnh thị trường. Theo kết quả khảo sát của eMarketer, doanh thu của ngành công nghiệp này đã tăng đều đặn qua các năm. Điều đó chứng tỏ tiềm năng của ngành công nghiệp này còn rất lớn.

 

Năm 2020, các ứng dụng hẹn hò trực tuyến toàn cầu thu về hơn 3 tỉ USD doanh số. Con số này tăng lên 3,3 tỉ USD trong năm 2021. Với đà tăng trưởng khá ấn tượng, giới chuyên gia tin rằng doanh thu của ngành có thể đạt 4,3 tỉ USD vào năm 2023. Các chuyên gia dự đoán rằng ngành công nghiệp này sẽ đạt doanh thu 5,7 tỉ USD vào năm 2025. 

Số liệu của Statista cho thấy số người dùng ứng dụng hẹn hò trên toàn cầu đạt mốc 270 triệu. Trước đó 5 năm, số người dùng ứng dụng hẹn hò chỉ vào khoảng 185 triệu. Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu, doanh thu của thị trường này được dự báo có tốc độ tăng trưởng hằng năm là 8,44%. Quy mô thị trường hẹn hò trực tuyến được dự báo đạt trên 10 tỉ USD vào năm 2026.

Tiềm năng của thị trường Việt Nam

Ở Việt Nam, rất nhiều người đã từng sử dụng Yahoo! Messenger để nhắn tin trò chuyện với bạn bè của họ và cả người họ quen qua các diễn đàn trực tuyến chứ chưa gặp ngoài đời bao giờ. Trước đó khi chưa có mạng internet, người ta chủ yếu gặp gỡ nhau ở ngoài đời, trao đổi qua điện thoại hoặc thư từ.

Điều gì khiến Fika phải đầu tư vào thị trường Việt Nam và xem đây là bệ phóng cho khu vực châu Á? Theo khảo sát của DataReportal, tỉ lệ bao phủ internet của Việt Nam đạt mức trên 70% dân số với 68,17 triệu người dùng. Chỉ trong giai đoạn 2019-2020, thị trường này có thêm 6,2 triệu người dùng internet, với mức tăng 10%.

Việt Nam hiện có 65 triệu người dùng mạng xã hội tính tại thời điểm tháng 1/2020 và số lượng người dùng mạng xã hội tại đây tăng thêm 5,7 triệu người, tương đương mức tăng 9,6% trong giai đoạn từ tháng 4/2019 đến tháng 1/2020. Dân số trẻ cũng là một trong những yếu tố thôi thúc cô gái Thụy Điển gốc Việt - Denise Sandquist (tên tiếng Việt là Trần Thanh Hương) muốn tạo ra ứng dụng hẹn hò Fika tại Việt Nam. Theo Statista, doanh số của mảng hẹn hò trực tuyến tại đây dự kiến đạt 28 triệu USD vào năm 2021, với mức tăng trưởng hằng năm gần 12%. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt 44 triệu USD.

 Oscar Xing Luo, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ của Fika.
Oscar Xing Luo, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ của Fika. Ảnh: Fika.

Số người dùng ứng dụng hẹn hò tại Việt Nam dự kiến đạt 4,8 triệu vào năm 2025. Mức độ thâm nhập của người dùng sẽ là 4,1% vào năm 2021 và đạt 4,8% vào năm 2025. Doanh thu bình quân trên mỗi người dùng dự kiến lên tới 6,9 USD (theo Statista).

Nếu xem xét ở góc độ toàn cầu, một phần lớn doanh thu của mảng này được tạo ra ở Mỹ và tỉ lệ tăng trưởng người dùng mới tại đây cũng khá cao, nhưng Denise Sandquist, đồng sáng lập của ứng dụng hẹn hò Fika, tin rằng thị trường ứng dụng hẹn hò ở Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn.

“Với bối cảnh công nghệ hóa, ai cũng sở hữu smartphone, dễ dàng tiếp cận các ứng dụng, việc sử dụng một nền tảng để hẹn hò, kết bạn, kết nối là vô cùng dễ hiểu. Ai cũng có nhu cầu tìm hiểu, kết nối với một ai đó, đặc biệt ở Việt Nam và các nước châu Á”, Sandquist cho biết đó là một trong những lý do khiến cô quyết định tạo ra ứng dụng này ngay sau khi đoàn tựu với gia đình ở Việt Nam.

Hiện tại, Fika đang tập trung phát triển tại Việt Nam, thị trường 100 triệu dân với độ tuổi trung bình là 32. Hầu hết các ứng dụng hẹn hò nước ngoài có mặt tại thị trường Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận và giữ chân người dùng, do những khác biệt văn hóa. Nhu cầu kết nối và tìm hiểu của giới trẻ Việt khá lớn thôi thúc Denise Sandquist chọn Việt Nam làm bệ phóng cho Fika ở khu vực châu Á. Cô cho biết bản thân cô và Oscar Xing Luo, nhà đồng sáng lập Fika, đều là người Thụy Điển gốc Á.

“Chúng tôi hiểu rất rõ những áp lực vô hình của người châu Á về việc lựa chọn người bạn đời để có thể yêu thương, tin tưởng, kết hôn, sinh con đẻ cái, vì vậy chúng tôi muốn tạo ra một nền tảng xác thực, bảo đảm và được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) thông minh, nhằm giúp người dùng thực hiện được điều này trong môi trường an toàn, chất lượng, phù hợp với họ nhất”, cô nói.

Fika được phát triển với mục tiêu hướng người dùng đến việc kết nối thật, trải nghiệm thật. Vì thế, 100% profile trên ứng dụng đều là thật. Hiện tại chỉ duy nhất ở Fika là yêu cầu người dùng phải xác thực thông tin. Các ứng dụng khác chỉ là tùy chọn, người dùng có thể thực hiện hoặc không. Fika yêu cầu tất cả người dùng đều phải xác minh danh tính của mình trước khi sử dụng và đội ngũ kiểm duyệt đều luôn hoạt động tích cực để đảm bảo rằng sẽ không có một profile giả mạo nào tồn tại. Điều này cũng góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng lừa đảo hay phát tán những nội dung nhạy cảm, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. 

 

Ngoài tiềm năng của thị trường, Sandquist còn có một lý do khác nữa. Tạo ra ứng dụng Fika vì cô muốn làm một điều gì đó cho nơi mình được sinh ra. Được nhận nuôi tại Thụy Điển từ khi mới 3 tuần tuổi và cách đây vài năm, cô muốn tìm lại mẹ ruột của mình ở Việt Nam và đã được hàng trăm ngàn người lạ ở Việt Nam giúp đỡ. Thông qua các ứng dụng mạng xã hội, cuối cùng cô tìm được mẹ ruột. Ý tưởng thành lập Fika được xuất phát từ việc cô tìm được mẹ ruột trong thời gian ngắn không tưởng nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình từ cộng đồng mạng. Từ đó Fika ra đời, một ứng dụng hẹn hò mà cô cùng thành lập với Oscar Xing Luo, Giám đốc Công nghệ của Công ty.

“Tôi đã đề xuất ý tưởng với người bạn của mình làm một ứng dụng kết nối và chúng tôi đã đồng ý sẽ làm ứng dụng hẹn hò kết bạn Fika, lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên”, Sandquist cho biết. Dù thị trường có hơn 1.500 ứng dụng và trang web hẹn hò, Sandquist tin rằng vẫn có thứ gì đó đang thiếu sót, một ứng dụng tập trung vào phái nữ với những tính năng được thiết kế riêng cho văn hóa Việt Nam. Hầu hết các ứng dụng hẹn hò có mặt tại thị trường Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận và giữ chân người dùng, do những khác biệt đến từ hệ tư tưởng Á Đông.

Theo thống kê không chính thức, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 100 ứng dụng hẹn hò và kết bạn trực tuyến. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là ứng dụng do các công ty nước ngoài phát triển. Đây cũng là một trong những mục tiêu cốt lõi mà Fika muốn đem đến sự thay đổi cho thị trường, xây dựng các tính năng phát triển bền vững, cộng đồng tư vấn theo từng chặng của các mối quan hệ để người dùng của Fika có thể đồng hành và lưu giữ cảm xúc lâu dài cùng app.

Nói về sự khác biệt trong văn hóa khi hẹn hò, Sandquist cho biết giới trẻ thuộc nền văn hóa Á Đông thường có xu hướng tìm kiếm mối quan hệ ổn định, ý nghĩa hơn là những gì chóng vánh. Họ thường mong muốn ở những mối quan hệ một sự ổn định, gắn kết lâu dài. Nhà đồng sáng lập Fika muốn ứng dụng của mình phát huy nét văn hóa này. Ứng dụng Fika có tính năng giúp người dùng chọn mục đích họ tìm kiếm khi sử dụng app và có tới 70% người dùng lựa chọn tìm kiếm mối quan hệ nghiêm túc.

 

Dựa trên giá trị cốt lõi của Fika nằm ở sự trao quyền, Sandquist và đội ngũ Fika đã cùng nhau lập nên những kỳ tích đáng ngưỡng mộ. Kể từ khi ra mắt chính thức vào tháng 9/2020, Fika đã đạt được hơn 750.000 lượt tải về.

 Cho đến thời điểm hiện tại, ứng dụng nằm trong top 4 ứng dụng phong cách sống trên App Store và ứng dụng hẹn hò số một trên Google Play tại Việt Nam. Fika hiện tập trung chính vào sự tăng trưởng và sự yêu thích của người dùng đối với ứng dụng. Ứng dụng Fika hoàn toàn miễn phí, người dùng vẫn có lựa chọn mua và sử dụng những tính năng premium, tương tự như các ứng dụng xã hội và hẹn hò khác. Fika có mục tiêu trở thành ứng dụng hẹn hò, kết nối, thêm bạn hàng đầu Việt Nam trong năm tới.

Tham vọng của Fika 

Mặc dù còn non trẻ, được thành lập vào tháng 6/2020, nhưng Fika có tham vọng rất lớn, đó là soán ngôi các ứng dụng hẹn hò hiện tại và trở thành ứng dụng hàng đầu trong tiềm thức của người dùng Việt. Người dùng sẽ nghĩ tới Fika khi họ nghĩ tới việc tải ứng dụng hẹn hò.

Sandquist muốn mọi người nhớ tới Fika là một ứng dụng an toàn, tập trung vào người dùng nữ. Lớn lên tại Thụy Điển, một trong những quốc gia luôn đề cao vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong xã hội, nên nhà sáng lập Fika hiểu rất rõ về giá trị của nữ quyền.

“Tôi nhận thấy ở Việt Nam, bạn bè của mình và những người xung quanh, khi dùng app hẹn hò sẽ cảm thấy không thoải mái, không dám bật thông báo của ứng dụng lên. Khi tôi hỏi thì mọi người nói vì sợ bị đánh giá”, Sandquist chia sẻ. Cô cảm thấy rất lạ vì tại sao mọi người chủ động tìm kiếm người để mình hẹn hò lại bị đánh giá? Theo cô, dù là giới tính nào, ai cũng có quyền được làm những điều mình muốn mà không bị phán xét. 

Fika không chỉ đơn thuần là một ứng dụng hẹn hò. Ý tưởng của Denise Sandquist và Oscar Xing Luo về một ứng dụng trao quyền cho người dùng nữ càng khiến Fika mang trên mình nhiều ý nghĩa lớn hơn. Cặp đôi sáng lập và đội ngũ phát triển hiểu tầm quan trọng của việc góp phần xây dựng những mối quan hệ chất lượng và cách mà công nghệ có thể đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi phương thức mọi người tương tác, kết nối.

 Mới đây, nền tảng kết nối tập trung vào người dùng nữ được hỗ trợ bởi công nghệ A.I đầu tiên trên thế giới này đã huy động thành công 1,6 triệu USD tại vòng gọi vốn Seed do VNV Global dẫn dắt với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư thiên thần và doanh nhân uy tín khác.

Fika đang có kế hoạch mở rộng sang các khu vực khác trong thị trường châu Á trước khi vươn ra toàn cầu. “Fika luôn nỗ lực hết mình để giúp người dùng kết nối với những mối quan hệ ý nghĩa và cách duy nhất để tạo ra và duy trì những giá trị thực này, đó là tạo ra một nền tảng mà nơi đó người phụ nữ có tiếng nói hơn, được bảo vệ an toàn hơn”, Giám đốc Điều hành kiêm đồng sáng lập Denise Sandquist cho biết.

Không chỉ tập trung hoàn toàn vào phát triển ứng dụng, Fika còn muốn đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là xây dựng chương trình phát triển bản thân dành cho người trẻ trong các ngành nghề về công nghệ, truyền thông, marketing. 

Với số vốn 1,6 triệu USD mới huy động được, Fika sẽ được phát triển theo hướng tích hợp A.I, xây dựng cộng đồng, tăng trưởng và nhận thức về thương hiệu của Fika trên khắp Việt Nam. Sau khi đạt được vị trí hàng đầu tại Việt Nam, mục tiêu của Fika là mở rộng ra Đông Nam Á và một khi có thể cá nhân hóa quy trình kết nối trên ứng dụng, Fika sẽ mở rộng ra toàn cầu để trở thành ứng dụng hẹn hò và kết nối tích hợp A.I hàng đầu thế giới.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra và nhiều nước áp dụng biện pháp giãn cách từ tháng 3/2020, xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến để giao tiếp và giải trí trở nên phổ biến hơn, theo đánh giá của Vincent Yip, nhà phân tích của eMarketer. Số người dùng Tinder đã tăng 52% trong tháng 4/2020 so với tháng trước đó. 

Giãn cách xã hội khiến người dùng ứng dụng hẹn hò ở Anh và Mỹ tăng khá mạnh. Kết quả từ một cuộc khảo sát của GWI cho biết 24% người được hỏi khẳng định họ quan tâm đến việc hẹn hò qua trò chơi trực tuyến.

Fika đã xuất hiện đúng lúc. Đại dịch COVID-19 đã giúp cho ứng dụng này nhận được sự quan tâm và sức tăng trưởng lớn từ người dùng và có xu hướng đạt được 1 triệu lượt tải vào cuối năm 2021.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày