Công Nghệ

Startup cộng đồng

Minh An Thứ Bảy | 13/02/2021 14:00

Dịch bệnh COVID-19 cũng là cơ hội để thế giới sản sinh ra nhiều hình thức kinh doanh mới. Ảnh: Quý Hòa.

Dịch bệnh là rào cản nhưng cũng là phép thử cho hàng loạt dự án startup đưa ra những giải pháp hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn.
Dịch bệnh COVID-19 cũng là cơ hội để thế giới sản sinh ra nhiều hình thức kinh doanh mới. Ảnh: Quý Hòa.

Medici là 1 trong 13 startup được chọn tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp Grab Ventures Ignite (GVI) mùa một. Chỉ mới thành lập năm 2019, startup Việt này đã chinh phục đông đảo người dùng nhờ dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến thông qua video call hoặc chat. Giải pháp này có sự đồng hành của các bác sĩ hàng đầu Việt Nam, từ đó cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh và kịp thời.

“Người tiêu dùng đã sẵn sàng tiếp nhận những công nghệ mới trên nền tảng di động và quan tâm nhiều hơn tới chăm sóc sức khỏe từ COVID-19”, anh Ngô Đức Anh, đồng sáng lập kiêm CEO Medici, cho biết.

Cũng như Medici, năm 2020 nhiều startup đã tung ra các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ cộng đồng trong thời gian Việt Nam phải giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Theo Văn phòng “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, có gần 100 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ chống COVID-19.

 

Trong số này còn phải kể đến Kompa, một startup công nghệ ứng dụng dữ liệu lớn và A.I đã tạo ra một website giúp theo dõi diễn biến của đại dịch. Hay Got It giới thiệu phiên bản thử nghiệm của COVID-19 Check, giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm theo phân loại từ F0 tới F5...

Hệ sinh thái startup Việt trong năm qua gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh khi nhiều nhà đầu tư đã phải hoãn lại các thương vụ tại Việt Nam. Gặp khó khăn bất ngờ, nhiều startup đã phải từ bỏ cuộc chơi do nguồn lực tài chính hạn chế. Theo khảo sát từ tổ chức Startup Genome, có khoảng 74% startup tại 45 quốc gia buộc phải sa thải nhân viên toàn thời gian do ảnh hưởng của dịch. Không huy động được vốn, 2/3 số startup sẽ phải đóng cửa sau khi dịch kết thúc.

Mặc dù vậy, nhiều startup đã biến khó khăn thành cơ hội khi đưa ra các giải pháp trong nhiều lĩnh vực để hỗ trợ cộng đồng trong đại dịch. Đa số các startup này hoạt động trong những lĩnh vực như khám bệnh từ xa, giáo dục, ngân hàng, thương mại điện tử, game và streaming...

 

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, nhận định dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn và áp lực chưa từng có cho các startup tại Việt Nam. Dù vậy, thách thức có thể biến thành cơ hội nếu startup bình tĩnh đón nhận và chủ động nắm bắt những thay đổi.

“Trong bối cảnh này, chúng tôi thực hiện Grab Ventures Ignite với mong muốn tận dụng thế mạnh và năng lực của một siêu kỳ lân khởi nghiệp đầu tiên tại Đông Nam Á để tiếp sức các startup Việt Nam ở giai đoạn đầu. Qua đó đóng góp cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, thực hiện cam kết Grab vì cộng đồng”, bà Hải Vân chia sẻ.

Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It, cho biết: “Sau ca nhiễm số 17, kế hoạch quay trở lại làm việc của chúng tôi sau 5 tuần đã bị đổ bể và xác định sẽ phải tiếp tục sống chung với lũ, tiếp tục làm việc ở nhà trong một thời gian dài nữa. Tôi có nói với các nhân viên của Got It là nếu muốn quay lại văn phòng làm việc thì phải nghĩ ra cách gì đó để tham gia chống dịch, dù là việc nhỏ hay lớn, chứ ngồi chờ thì biết tới bao giờ”.

Trong khi đó, Vòng Thành Cường, sáng lập Kompa, chia sẻ một bài viết ngắn trên trang cá nhân Facebook, trong đó giải thích rõ về mục đích hoạt động của Kompa Group: “Khi virus Corona đang hoành hành, các bạn trong nhóm phát triển đề nghị làm trang theo dõi thông tin chính thức và nhanh nhất để phục vụ cộng đồng, tiến tới hạn chế tin giả và dự đoán tình hình, mình đồng ý ngay.

Sau 12 giờ làm việc xuyên biên giới, một sản phẩm nhỏ kết hợp giữa nhóm khoa học dữ liệu của Kompa US tại Mỹ và đội ngũ phát triển tại Việt Nam được ra đời”. Nhóm phát triển trang web của Kompa gồm 5 người với một số kỹ sư đang làm việc tại Mỹ, số còn lại ở Việt Nam. Dữ liệu trên website được cập nhật liên tục theo WHO, Bộ Y tế Việt Nam cùng nguồn dữ liệu từ các bên chính thống như CDC, ECDC... nên có độ uy tín cao.

Các startup này tiếp tục khuấy động những dự án doanh nghiệp vì cộng đồng. Tại Việt Nam, theo số liệu của Hội đồng Anh, Việt Nam có khoảng 165.000 tổ chức như vậy. Các mô hình doanh nghiệp xã hội nổi tiếng phải kể đến như Reaching Out, Kymviet, Thương Thương Handmade, Blind Link, Tò He...

Tuy chưa định hình về loại hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội nhưng trong những năm qua, các giải pháp của startup dành cho cộng đồng đã góp phần hình thành loại doanh nghiệp rất có ý nghĩa đối với xã hội. Việc áp dụng tinh thần doanh nhân để giải quyết các vấn đề xã hội là vô cùng cần thiết, thay vì phụ thuộc vào các đơn vị công ích hoặc tổ chức phi lợi nhuận.

Trong ngắn hạn, các startup này tham gia giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết như ứng phó với dịch bệnh. Về dài hạn, họ thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm, dịch vụ của mình, thu lợi nhuận và mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc mở rộng tác động xã hội.

Ngoài việc tìm kiếm và phát triển giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề xã hội, startup vì cộng đồng có thể hợp tác cùng doanh nghiệp tạo tác động xã hội khác trong việc giải quyết những vấn đề lớn hơn, làm cho cuộc sống có giá trị và ý nghĩa hơn. COVID-19 chính là cơ hội để startup nhận ra bài toán của họ, đồng thời cũng là phép thử để họ có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn khi gắn mình với những mục tiêu vì cộng đồng.


 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày