Công Nghệ

Việt Nam chờ tàu tốc hành 5G

Anh Thư Thứ Sáu | 20/12/2019 10:00

Ảnh: TL.

Cuộc cách mạng “siêu internet” 5G đang phủ rộng toàn thế giới rất nhanh, trong đó có cả Việt Nam...
Ảnh: TL.

Kể từ Triển lãm CES 2019, 5G đồng hành cùng trí tuệ nhân tạo (A.I) được kỳ vọng sẽ tạo nên những cuộc cách mạng mới, từ các thiết bị di động, đô thị thông minh, cho đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải và robot... Ông Hans Vestberg, Giám đốc Điều hành Verizon, khẳng định: “5G sẽ thay đổi tất cả. 5G là niềm hy vọng cho rất nhiều thứ mà chúng ta chưa bao giờ được thấy từ công nghệ không dây”.

Điểm kích hoạt năm 2020

Nối tiếp tầm nhìn này, tại Hội nghị thượng đỉnh công nghệ Snapdragon mới diễn ra, Chủ tịch Qualcomm Technologies, ông Cristiano Amon cùng các nhà lãnh đạo đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ trên toàn thế giới công bố, vào năm 2020, công nghệ 5G sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn cầu với tốc độ truy cập siêu nhanh của 5G - tốc độ multi-gigabit. “Mạng 5G sẽ mở ra những cơ hội mới đầy thú vị để người dùng có thể kết nối và giao tiếp theo những cách thức chúng ta chưa từng tưởng tượng ra”, ông Cristiano Amon chia sẻ.

 

Tại đây, Qualcomm đã cho ra mắt 2 nền tảng di động Snapdragon 5G với mục tiêu mở đường và phát triển mạng 5G cùng A.I ngay trong năm 2020. Các nền tảng này có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa các sản phẩm điện thoại và thiết bị internet vạn vật (Internet of Things - IoT). Đó là sức mạnh vi xử lý và khả năng siêu kết nối đã tích hợp trong những chiếc smartphone, smart TV, ô tô tự lái, robot...

Trên thị trường smartphone, CEO Xiaomi Lei Jun công bố kế hoạch đưa ra trên 10 mẫu điện thoại 5G ngay trong năm 2020. Trong khi đó, ông Sergio Buniac, Chủ tịch Motorola, tiết lộ hãng này sẽ trở lại với thương hiệu điện thoại một thời là Motorola Razr có màn hình gập lại, sử dụng công nghệ 5G. Ông Juho Sarvikas, Giám đốc Sản phẩm của HMD Global, cũng tuyên bố ngay trong năm 2020, Nokia sẽ phát triển một dòng sản phẩm flagship chạy trên nền tảng Snapdragon 765 nhằm mang kết nối 5G tới người tiêu dùng phổ thông. 

Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 230 thiết bị 5G được ra mắt và phát triển. Dự báo, đến năm 2022 sẽ có hơn 1,4 tỉ chiếc smartphone 5G lưu thông trên toàn cầu. Trong năm 2019, có hơn 40 nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ trên nền tảng 5G; hơn 40 nhà sản xuất thiết bị phần cứng công bố các sản phẩm 5G và hơn 325 nhà mạng tại 109 quốc gia đầu tư vào công nghệ 5G.

Cuộc đua của Việt Nam 

Tại Việt Nam, đầu tháng 8, Viettel tích hợp hạ tầng mạng lưới và phát sóng thử nghiệm 5G tại quận 10. Các mạng VinaPhone và MobiFone đều đã được cấp phép triển khai 5G và thử nghiệm phát sóng ở một số quận tại TP.HCM.
Theo đánh giá của đại diện Viettel, 5G thực sự là cuộc cách mạng khi tốc độ kết nối thử nghiệm đạt tới 1,5-1,7 Gbps, tức là gấp hơn 40 lần tốc độ 4G, gấp hơn 100 lần tốc độ 3G - tương đương tải một bộ phim HD trong vài giây. Theo đó, 5G hứa hẹn cho nhiều mục tiêu của Việt Nam trong một nền kinh tế số, xây dựng một hệ sinh thái thân thiện hơn với IoT.

Chẳng hạn, trong việc xây dựng thành phố thông minh, 5G cho phép các ứng dụng phổ biến rộng rãi hơn từ xử lý nước và chất thải, giám sát giao thông đến các cơ sở y tế... Ông ST Liew, Chủ tịch Qualcomm Đài Loan và Đông Nam Á, cho biết, xây dựng các thành phố thông minh của Việt Nam từ nhiều mảnh ghép hạ tầng thông minh như giao thông, văn phòng kết nối, nhà thông minh, thậm chí là bảo tàng thông minh, sân vận động thông minh... “Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, do đó, khi có được nền tảng kết nối 5G, kết hợp với hệ thống nhà máy thông minh, thành phố thông minh, công nghiệp 4.0 thì chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần”, ông ST Liew cho biết.

 

Đại diện của Qualcomm cho rằng lộ trình thử nghiệm 5G vào năm 2019 và thương mại vào năm 2020 của Việt Nam là khả thi vì khi triển khai thử nghiệm thành công thì việc nhân rộng mạng lưới sẽ rất nhanh. Việt Nam có sẵn hạ tầng 4G LTE rất mạnh, do đó việc triển khai lên 5G cũng không quá khó khăn. Đáng chú ý, hiện nay, ngoài các nhà mạng, tại Việt Nam có nhiều đối tác phần cứng của Qualcomm như Vingroup, VNPT, BKAV và Homatech để phát triển thiết bị. “Tôi cho rằng chinh phục thị trường trong nước là điều cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam như VinSmart. Tôi nghĩ rằng họ có đủ khả năng và thương hiệu để chiến thắng trong thị trường Việt Nam. Bước tiếp theo, VinSmart hoàn toàn có thể tiến tới các thị trường nước ngoài”, ông Cristiano Amon nhận định.

Nhiều chuyên gia đánh giá, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng công nghệ trên bản đồ thế giới. Việc Việt Nam thương mại hóa công nghệ này trong năm 2020 để trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai 5G phù hợp với nỗ lực bắt kịp cuộc cách mạng 4.0, giúp doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh hơn ở quy mô toàn cầu

►3 xu hướng mới của thị trường tiền mã hóa 2020

►Biến 1 USD thành 90.000 USD, Bitcoin là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận tốt nhất trong thập kỷ

►Robot giao hàng tự động tăng gần 50% trong 5 năm tới


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày