Doanh Nghiệp

“Bảo vệ Hải đăng”: Dự án dài hơi của AkzoNobel Việt Nam

Nam Khuê thực hiện Thứ Hai | 24/09/2018 14:41

Đại Lãnh, một trong 5 ngọn hải đăng có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam đang thu hút sự chú ý khi khoác “chiếc áo” Dulux Weathershield.

Đại Lãnh, hay còn gọi là Mũi Điện, thuộc huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, một trong 5 ngọn hải đăng có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Công trình này đang thu hút sự chú ý khi được khoác “chiếc áo” Dulux Weathershield mới. Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Công Hải, Giám đốc Marketing và Dự án của AkzoNobel Việt Nam đã có những chia sẻ với báo giới.

*Hải đăng Đại Lãnh từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước, nhất là những “phượt thủ” trẻ. Đây có phải là lý do AkzoNobel Việt Nam quyết định tài trợ sơn lại toàn bộ công trình này?

Hải đăng Đại Lãnh là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, không chỉ giữ vị trí quan trọng trong giao thông hàng hải mà còn mang tính biểu tượng, vì đây được xem là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền Việt Nam.

Cách đây vài năm, tôi đã có dịp không chỉ chiêm ngưỡng công trình này mà còn ở lại đêm, đón những tia nắng đầu ngày với những cán bộ chăm sóc hải đăng. Với tôi, đây là một trong những kỷ niệm khó quên, và ấn tượng về công trình này khá sâu đậm.

Khi AkzoNobel chủ trương tài trợ cho công trình này, cá nhân tôi thực sự tự hào. Đây là một trong những hoạt động thuộc chuỗi dự án “Let’s Colour”, nhằm bảo vệ những công trình nổi tiếng tại mỗi quốc gia trên thế giới. Theo đó, AkzoNobel xác định hải đăng Đại Lãnh chính là công trình cần được sự quan tâm, trùng tu để có thể đẹp bền bỉ với thời gian, hơn là yếu tố nhiều người đến “check-in”.

*Nhắc đến “Let’s Colour”, ông có thể nói rõ hơn về dự án này không? Và việc bảo vệ hải đăng Đại Lãnh nằm trong phần nào của dự án?

Đây là sáng kiến toàn cầu của của Dulux từ năm 2009. “Let’s Colour” phát động những chiến dịch tình nguyện cho nhân viên AkzoNobel khắp nơi trên thế giới sử dụng sức mạnh của màu sắc để tạo nên những công trình sáng tạo và nhân văn.

Trong 10 năm qua, “Let’s Colour” đã thực hiện hơn 2.000 chương trình tại khắp các châu lục. Tiêu biểu như chiến dịch “Walls of Connection” làm hồi sinh 100 bức tường tại các thành phố lớn trên thế giới; chương trình đào tạo nghề sơn và giới thiệu việc làm cho trẻ em đường phố; chiến dịch sơn lại trường học, tạo sân chơi cho trẻ em…  Đặc biệt là chuỗi dự án sơn và bảo tồn các công trình di sản nổi tiếng của thế giới, việc bảo vệ hải đăng Đại Lãnh thuộc chuỗi hoạt động này.

Đối với hải đăng Đại Lãnh, ngoài việc sơn mới thì Dulux còn cam kết thẩm định, bảo trì hàng năm, giúp hải đăng có thể chống chọi lại yếu tố khắc nghiệt của thời tiết trong thời gian dài.

*Quá trình thực hiện bảo vệ hải đăng Đại Lãnh cụ thể thế nào, thưa ông?

Bảo tồn di sản kiến trúc không đơn thuần là kỹ thuật mà còn là câu chuyện của văn hóa. Do đó, yêu cầu đầu tiên của AkzoNobel là phải giữ được tính nguyên bản của chủ thể. Trong dự án này, chúng tôi đã phải nghiên cứu một thời gian dài để tìm được phương án hiệu quả nhất.

Sau khi thống nhất màu sắc với đội ngũ quản lý hải đăng Đại Lãnh, các chuyên viên nghiên cứu phát triển của AkzoNobel đã chọn giải pháp chất liệu là Dulux Weathershield, dòng sơn ngoại thất cao cấp nhất của AkzoNobel. Sản phẩm này sẽ giúp bảo vệ tối ưu bề mặt bên ngoài của hải đăng trước mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt vùng ven biển miền Trung.

Ngoài ra, để có được chất lượng cho công trình, kỹ thuật thi công cũng giữ vai trò rất quan trọng. Toàn bộ nhân công lành nghề đã được tuyển chọn từ TP.HCM để đảm bảo thi công đúng kỹ thuật, đủ các bước phủ, lớp lót, sơn… Chúng tôi tự tin là đã mang đến hải đăng Đại Lãnh một chiếc áo mới nhưng hoàn toàn giữ lại những nét tích ban đầu của toàn bộ công trình này.

*Nhìn lại công trình khi đã hoàn thành, cá nhân ông hài lòng chứ?

Hơn cả hài lòng, đó là tự hào vì bản thân và những đồng nghiệp đã có những đóng góp cụ thể trong toàn bộ câu chuyện bảo vệ công trình nhiều ý nghĩa này của Việt Nam.

Quá trình sơn lại hải đăng cũng gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt như gió mạnh, nắng gắt chói chang và mưa giông lớn. Ai từng đến công trình này sẽ hiểu, chỉ có một con đường nhỏ duy nhất dẫn lên hải đăng Đại Lãnh, do đó toàn bộ việc vận chuyển giàn giáo và khối lượng sơn lên hải đăng phải dùng xe máy rất gian nan.

Mặt khác tháp hải đăng cao tới 26m, chênh vênh giữa biển nên cần phải cần đến hệ thống giàn giáo chuyên dụng nhằm đảm bảo việc thi công thật tốt cho bề mặt ngoài của hải đăng. Thi công trong điều kiện hết sức khó khăn như vậy nhưng toàn đội đều cố gắng hết mình. Thế nên khi công trình này hoàn thành, chúng tôi rất vui và tự hào.

Chúng tôi không chỉ dừng lại ở hải đăng Đại Lãnh, mà đã quyết tâm thực hiện chiến dịch Bảo Vệ Hải Đăng. Đây cũng là một chiến dịch lâu dài của AkzoNobel Việt Nam với mong muốn được bảo vệ thêm các ngọn hải đăng khác trên dải đất hình chữ S xinh đẹp.

*Hiện nay bộ ảnh đẹp về 24h tại hải đăng Đại Lãnh đang được các bạn trẻ lan truyền trên mạng với hashtag “BaoVeHaiDang”, có phải là thông điệp mà AkzoNobel gửi gắm vào sự kiện này?

Nội dung của hashtag #BaoVeHaiDang là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm tới các bạn trẻ Việt Nam qua bộ ảnh này. Như đã chia sẻ, hải đăng Đại Lãnh thực sự là một công trình kiến trúc có ý nghĩa về rất nhiều mặt, đặc biệt là vị trí địa lý. Khi được ngắm nhìn công trình này, chúng tôi nghĩ là bất cứ người Việt nào cũng sẽ không khỏi xúc động và cảm thấy yêu đất nước mình hơn.

Các bạn trẻ chính là đối tượng phù hợp mà AkzoNobel mong muốn đón nhận thông điệp ý nghĩa này. Chúng tôi mong các bạn vừa “check-in”, vừa có ý thức bảo tồn, giữ gìn môi trường nơi mình đặt chân tới.

*Xin cảm ơn ông!


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày