Doanh Nghiệp

Chào mua GTN, Vinamilk muốn phát triển dòng sữa cao cấp cho thị trường miền Bắc?

Như Phúc Thứ Tư | 05/06/2019 12:15

Ảnh: SGGP

Vinamilk vừa mua hơn 90 triệu cổ phiếu GTN, nâng tỷ lệ sở hữu lên 38,34%.
Ảnh: SGGP

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo kết quả chào mua công khai cổ phần của Công ty cổ phần GTNfoods (HoSE: GTN).

Theo đó, Vinamilk đã mua vào được 90,066 triệu cổ phần trong đợt chào mua, với giá 13.000đ/cp. Trước đó, Vinamilk đã sở hữu gần 5,8 triệu cổ phiếu GTN, tương ứng tỷ lệ 2,32%. Sau đợt chào mua trên, Vinamilk sở hữu tổng cộng 95,8 triệu cổ phần GTNfoods tương ứng 38,34%. Như vậy, công ty cũng chưa đạt mục tiêu sở hữu 49% cổ phần GTN.

► Kế hoạch của Vinamilk trong năm 2019

Động thái mua cổ phiếu GTN được giới phân tích cho là sẽ giúp VNM tìm lời giải đáp cho bài toán tăng trưởng dài hạn. Theo BVSC, VNM đã đứng đầu ngành với thị phần nói chung lên đến 60% nên việc duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn trước đây là điều rất khó. Do đó, VNM đã và sẽ tiếp tục cân nhắc các giải pháp về M&A và xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng. Việc chào mua công khai GTN được xem là những bước đầu trong việc tiếp tục củng cố vị thế của VNM tại thị trường trong nước.

GTN đang nắm giữ 74,5% Tổng CTCP Chăn Nuôi Việt Nam (UpCom: VLC) và qua đó gián tiếp sở hữu 38% tại Sữa Mộc Châu (MCM) – hiện là thương hiệu có lịch sử lâu đời và quen thuộc tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Ngoài ra, MCM còn sở hữu đàn bò sữa hơn 23.000 con tại khu vực Mộc Châu – đây có thể là tiền đề để VNM phát triển các dòng sản phẩm sữa tươi cao cấp phục vụ cho thị trường miền Bắc và xa hơn là xuất khẩu. Tuy nhiên, BVSC cũng nhận định rằng sau khi thương vụ thành công thì kết quả kinh doanh của VNM cũng sẽ chưa có những thay đổi đáng kể do lợi nhuận của GTN so với VNM là rất thấp, 8 tỷ đồng (lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ) so với 10.227 tỷ đồng vào năm 2018.

Với Vinamilk, doanh thu nội địa của công ty đã tăng trở lại trong QI/2019. Trong 3 tháng đầu năm 2019, VNM đạt doanh thu thuần hợp nhất 13.189 tỷ đồng (tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 2.791 tỷ đồng (tăng 3,3%). Trong quý I/2019, điểm nhấn chính trong kết quả kinh doanh quý vừa rồi của VNM là doanh thu nội địa tăng trưởng trở lại, 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu nước ngoài tăng 15%, chủ yếu nhờ Angkor và Driftwood tăng 24%.

Ngoài ra, VNM cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội M&A các công ty ở nước ngoài để tấn công vào các thị trường trong khu vực như Myanmar, Indonesia và Trung Quốc. Đặc biệt thời gian gần đây, việc Nghị định thư về việc xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết đang mở cơ hội rất lớn để xuất khẩu sản phẩm sữa chính ngạch sang nước này. BVSC cho rằng Trung Quốc là một thị trường rất lớn và đang tăng trưởng nhanh, riêng trong năm 2018 nước này đã nhập khẩu hơn 10 tỷ USD sữa và các sản phẩm từ sữa.

Nguồn BVSC/tổng hợp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày