Doanh Nghiệp

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan: Dấu ấn 1/4 thế kỷ

Thủy Ngọc Thứ Sáu | 15/10/2021 14:00

Ảnh: TL.

Tập đoàn Masan dần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao giá trị vật chất, tinh thần cho người tiêu dùng Việt Nam.
Ảnh: TL.

Đại hội cổ đông năm 2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN) được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm 25 năm thành lập (1.4.1996-1.4.2021). Sa Pa, nơi có đỉnh Fansipan - ngọn núi cao nhất Đông Dương, được Masan chọn để ghi dấu chặng đường 1/4 thế kỷ cũng như thể hiện khát vọng chinh phục đỉnh cao và vươn ra thế giới.

Masan từ những ngày đầu thành lập đã đề ra sứ mệnh “Mỗi người tiêu dùng Việt Nam sẽ sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan”. Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel năm 2012, 98% hộ gia đình ở Việt Nam đã sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan. Từ nền tảng này, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã đưa ra kế hoạch phát triển mang tính chuyển đổi, cũng như định hướng thực thi giai đoạn 2021-2025, tiếp tục mở ra những chương mới trên hành trình “Phụng sự người tiêu dùng”.

Năm 2002, Masan giới thiệu ra thị trường sản phẩm nước tương cao cấp Chin-Su. Tiếp nối thành công của Chin-Su, tập đoàn này tiếp tục tung ra các nhãn hàng thành công khác như Nam Ngư và Tam Thái Tử. Năm 2007, Masan lấn sân sang thị trường mì gói với thương hiệu Omachi, Tiến Vua... 

 

Masan hiện sở hữu gián tiếp 72,7% cổ phần tại Masan Consumer Holdings (MCH, công ty đứng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng) và 86% cổ phần tại Masan High-Tech Materials (MHT, nhà cung cấp vonfram, bismuth và florit lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc). Công ty cũng sở hữu gián tiếp 87,9% cổ phần Masan MEATLife (MML). Tính đến thời điểm hiện tại, sở hữu gián tiếp của Masan tại VinCommerce là 71% vốn. Những thương vụ này giúp Masan hợp nhất kết quả kinh doanh và dấn sâu vào nhiều ngành.

Trong vòng 25 năm, Masan từ một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm nhỏ đã trở thành một tập đoàn đa ngành và hoạt động trong nhiều lĩnh vực then chốt, từ tiêu dùng, bán lẻ, khai thác khoáng sản đến tài chính. Kết thúc năm 2020, Masan Group đạt doanh thu thuần hợp nhất là 77.217,8 tỉ đồng, tăng 106,7% so với năm 2019.

Trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, Masan Group tập trung vào chiến lược xây dựng nền tảng Point Of Life - tích hợp tất cả các nền tảng kinh doanh trên một nền tảng hợp nhất. Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan, cho biết, nền tảng Point of Life sẽ giúp Masan hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống, đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online (O2O), đồng thời thúc đẩy các dịch vụ tài chính trên khắp Việt Nam. Masan đặt mục tiêu phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng trên một nền tảng “tất cả trong một” (one-stop shop), đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Với chiến lược này, đối với kế hoạch tài chính năm 2021, Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 92.000-102.000 tỉ đồng (tăng trưởng từ 19-32% so với năm 2020), lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt từ 2.500-4.000 tỉ đồng (tăng trưởng 103-224% so với năm 2020).

Ảnh: TL.
Ảnh: TL.

Theo báo cáo thường niên năm 2020, thay vì ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô lên 50%. Cụ thể, Masan dự kiến sẽ phát triển hơn 30 triệu khách hàng trung thành, ở 30.000 điểm bán lẻ. Hệ thống bán lẻ của Masan không chỉ tập trung tại các tỉnh, thành lớn mà sẽ phục vụ cả người dân nông thôn. Masan tự tin làm được nhờ đã thiết lập mối quan hệ lâu dài với hơn 300.000 điểm bán lẻ truyền thống. Thông qua nhượng quyền, các điểm bán lẻ này sẽ là một phần trong nền tảng bán lẻ của Masan.

 

Masan đang gặt hái thành công từ chiến lược cao cấp hóa, đa dạng hóa và tiện lợi hóa sản phẩm FMCG. Đồng thời, các mảng kinh doanh của Masan  đang hình thành một “hệ sinh thái” trong đó có tích hợp nhu yếu phẩm thiết yếu, chuỗi F&B và dịch vụ tài chính... tạo ra tiện ích tối đa cho trải nghiệm của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan, cho biết: “Cách đây đúng 25 năm, Masan khởi đầu hành trình của mình với niềm tin rằng “Phụng sự người tiêu dùng” là cách tốt nhất để thành công trong kinh doanh”. Vì vậy, quá trình chuyển đổi ở Masan sẽ diễn ra liên tục, nghiêm ngặt và kiên nhẫn, sẽ phải thử, có những thất bại và rút bài học rồi làm lại từ đầu. Dù như thế nào, người đứng đầu Masan khẳng định, điều chắc chắn là Tập đoàn Masan muốn xây dựng một nền tảng thật đặc biệt và mang lại hiệu quả dài hạn cho người tiêu dùng.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày