Doanh Nghiệp

Đặt trọng tâm vào mảng thịt, Masan MeatLife (MML) kỳ vọng doanh thu tăng gấp 5 lần trong tương lai

Phạm Vũ Thứ Năm | 05/12/2019 16:46

Ảnh: Vietnam Finance.

Giá chào sàn của cổ phiếu MML là 80.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức vốn hóa gần 26.000 tỷ đồng ( hơn 1 tỷ USD)...
Ảnh: Vietnam Finance.

Theo thông tin của Sở GDCK Hà Nội, ngày 09/12 hơn 324 triệu cổ phiếu của Masan MeatLife sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM với mã MML. Giá chào sàn của cổ phiếu MML là 80.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức vốn hóa gần 26.000 tỷ đồng ( hơn 1 tỷ USD).
 
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 10, Công ty chứng khoán VnDirect cho biết MML ước tính doanh thu tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2019-2023 nhờ mảng thịt.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, MML chỉ sở hữu 155 điểm bán hàng ở khu vực miền Bắc. Doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 5.200 điểm bán hàng trên toàn quốc vào năm 2022 với sản lượng tiêu thụ trên mỗi cửa hàng tăng lên 60 tấn/năm vào năm 2023 từ mức 12 tấn ước tính trong năm 2019.

Nguồn: MML.
Nguồn: MML.

MML đặt mục tiêu doanh thu thịt đạt 54.200 tỷ đồng (khoảng 10% thị phần thịt lợn toàn quốc) vào năm 2022.

VnDirect cho biết, công suất hiện tại của MML chỉ đáp ứng 4% mục tiêu năm 2023. Vì vậy, trong năm năm tới, MML dự kiến sẽ chi 16.500 tỷ đồng để tăng công suất trang trại lên 4,4 triệu con/năm và tăng gấp đôi công suất chế biến lên 2,8 triệu con/năm. Ngoài ra, với tổng vốn đầu tư trên, MML dự kiến  mở rộng mạng lưới phân phối từ khu vực miền Bắc lên khắp cả nước và tăng số điểm bán hàng lên 5.000 vào năm 2022, trong đó 85% là nhượng quyền cho các đại lý MeatDeli.

 
Nguồn: MML.

MML ước tính 60% vốn đầu tư yêu cầu sẽ được tài trợ bởi mảng thức ăn chăn nuôi. Doanh thu thịt dự kiến sẽ vượt doanh thu thức ăn chăn nuôi từ năm 2021.

Theo đánh giá của VnDirect, biên lợi nhuận gộp của MML sẽ cải thiện mạnh nhờ mô hình 3F trong giai đoạn 2019-2023.

Mô hình 3F (Thức ăn chăn nuôi - Chăn nuôi - Thực phẩm) được hoàn thiện vào năm 2018. Tập đoàn Masan Group (HoSE: MSN) đặt tham vọng vào MML nhằm chinh phục thị trường thịt Việt Nam thông qua việc xây dựng mô hình 3F.

Bước đầu tiên là tham gia kinh doanh thức ăn chăn nuôi bằng cách tiếp quản hai thương hiệu vào năm 2015 (Anco và Proconco) và tạo ra thương hiệu riêng Bio-Zeem. Cuối năm 2016, MML bắt đầu xây dựng trang trại lợn với công suất 230.000-250.000 con ở tỉnh Nghệ An và có tiêu chuẩn an toàn sinh học cao nhất cả nước. Đồng thời, MML cũng bắt đầu xây dựng tổ hợp chế biến thịt mát không nhiễm bệnh tại tỉnh Hà Nam và hiện là tổ hợp chế biến lớn nhất trong nước. Đến tháng 12/2018, chuỗi giá trị thịt 3F của MML chính thức hình thành khi doanh nghiệp đưa các sản phẩm thịt ra thị trường. 

Nguồn: MML.

Về biên lợi nhuận của MML, VnDirect cho rằng dịch bệnh lớn trên gia súc và gia cầm trong 2018 (lở mồm long móng và dịch tả lợn châu phi) đã khiến nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước sụt giảm. Trước tình trạng này, các nhà sản xuất đã giảm giá bán để tăng sức cạnh tranh. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận gộp của MML giảm xuống 15% trong năm 2018.

 

Mặc dù vậy, VnDirect cho biết MML kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ đạt 33% ở năm cuối của giai đoạn 2019-2023. Sự cải thiện này nhờ vào tỉ lệ đóng góp của mảng thịt gia tăng. Bên cạnh đó, MML còn được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn do mảng chăn nuôi và thịt đều được hưởng ưu đãi thuế. 

Về phần định vị MML, nếu  CPFoods và Vissan đang dẫn đầu mảng chăn nuôi và thịt thì MML tập trung vào xây dựng thương hiệu cho thịt mát. CPFoods không chỉ là đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu mà còn là doanh nghiệp chăn nuôi số 1 tại Việt Nam. Vissan hiện tại là nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất với sản phẩm chính là thịt lợn ấm và thực phẩm chế biến. 

►Toan tính của Masan và VinGroup với thương vụ sáp nhập khủng giữa VinCommerce, VinEco và Masan Consumer

►Cổ phiếu Masan Consumer và Vingroup trái chiều ngày ra tin “bom tấn”


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày