Doanh Nghiệp

Đấu trường xây dựng: Cuộc đua chỉ dành cho số ít

Thứ Tư | 20/04/2016 08:30

CotecCons bứt phá vượt trội so với các đối thủ khác nhờ vào khả năng quản lý công nợ chặt chẽ và luôn kiểm soát được dòng tiền vào ra.

Có gần 120 công ty trên sàn chứng khoán hoạt động trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, mọi chú ý chỉ đang dồn về cho cái tên CotecCons (CTD). Bởi trong khi phần lớn các cổ phiếu ngành xây dựng “lẹt đẹt” ở mức 10.000-30.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu CTD lại không ngừng bứt phá.

Kể từ tháng 1.2012, giá cổ phiếu CTD diễn biến theo chiều hướng tăng liên tục. Hiện tại, đây cũng là cổ phiếu có thị giá lớn nhất trên sàn niêm yết, đạt 172.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 14.4.2016.

Quy mô vốn hóa của CotecCons, vì thế, cũng đã xấp xỉ 8.000 tỉ đồng, vượt xa con số vài trăm tỉ đồng của nhiều doanh nghiệp xây dựng niêm yết. Doanh thu tăng trưởng trung bình của các công ty xây dựng cũng chỉ ở mức 6,7%, bằng 1/7 so với CotecCons. Đặc biệt, nếu CotecCons đạt lãi sau thuế hơn 700 tỉ đồng (2015), hiếm có doanh nghiệp trong ngành xây dựng dân dụng đạt được mức lãi 100 tỉ đồng.

Dau truong xay dung: Cuoc dua chi danh cho so it
Doanh thu, lợi nhuận sau thuế của CotecCons và Hòa Bình

Do vậy, CotecCons cùng với Hòa Bình, một tên tuổi lớn khác trong ngành xây dựng dân dụng, đã luôn so kè nhau trong nhiều năm qua. Nếu như vài năm trước, Hòa Bình và CotecCons không hề kém cạnh nhau thì nay, CotecCons đã vượt khá xa.

Doanh thu năm 2015 của Hòa Bình chỉ bằng 37% so với doanh thu của CotecCons. Và trong khi CotecCons đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 41% giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng lợi nhuận của Hòa Bình lại thiếu ổn định.

Cả hai cũng có những khác biệt trong đường đi và chiến lược. Nếu như CotecCons đã chọn mô hình tổng thầu thiết kế-xây dựng (D&B), hình thức đấu thầu bậc cao và chỉ phổ biến ở những nước phát triển, làm trọng tâm với mục tiêu đóng góp 50% doanh thu trong năm nay, Hòa Bình lại chú ý đến việc đổi mới phương thức thi công. Hòa Bình đã ứng dụng công nghệ B.I.M (Building Information Modeling) vào các công trình trọng điểm như Sora Gardens, VietinBank Tower, Quatest 3, Saigon Centre, Icon 56...

Ngoài ra, trong khi Hòa Bình chỉ nhắm tới việc trở thành nhà thầu chính cho các công trình cao tầng, thì các dự án nhà công nghiệp (nhà máy, nhà xưởng) hay chung cư lại chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của CotecCons. Thực tế, các dự án nhà công nghiệp thường có tiến độ, dòng tiền quay vòng nhanh hơn các dự án xây dựng khác.

Hòa Bình không phải không nhận thấy xu hướng phát triển của mô hình D&B. Từ giữa năm 2014, công ty này cũng đã tìm cách đẩy mạnh nguồn lực để tham gia dự thầu D&B. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, họ liên tiếp trúng thầu 3 dự án D&B là Star Bay, The Ascent và Sajuco. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc mở rộng triển khai các dự án D&B của Hòa Bình không được thuận lợi như CotecCons.

Nguyên nhân đến từ năng lực có phần hạn chế hơn CotecCons. Bởi lẽ, muốn thực hiện D&B hiệu quả, các công ty xây dựng cần đạt quy mô đủ lớn để có thể bao thầu trọn gói và tối đa hóa lợi nhuận. Ðiều này đồng nghĩa với việc phải gia tăng đầu tư, triển khai M&A, thành lập công ty con trong các lĩnh vực như trang trí nội thất, công trình cơ điện (M&E)... Và hiển nhiên, công ty phải có tiềm lực tài chính để thực hiện tất cả các điều trên. Lãnh đạo Hòa Bình từng thừa nhận họ “thua” CotecCons ở yếu tố này. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, nợ vay ngắn hạn và dài hạn năm 2015 của Hòa Bình là hơn 2.000 tỉ đồng, còn CotecCons lại không đi vay.

Xét về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần trong kinh doanh của Hòa Bình đã bị âm. Nhờ dòng tiền vay mà đến cuối năm 2015, Hòa Bình mới có tiền và tương đương tiền hơn 140 tỉ đồng. Trong khi đó, tiền và tương đương tiền của CotecCons ở thời điểm 31.12.2015 gần 1.500 tỉ đồng.

Thế nhưng, theo đánh giá của giới phân tích, CotecCons bứt phá vượt trội so với Hòa Bình nói riêng và các công ty xây dựng khác nói chung là nhờ khả năng quản lý công nợ chặt chẽ và luôn kiểm soát được dòng tiền vào ra. Theo đó, CotecCons thực hiện nghiệm thu theo tháng và yêu cầu chủ đầu tư trả tiền theo tiến độ thi công trong vòng 1 tháng. Cách thức này giúp họ tránh được rủi ro khoản phải thu.

CotecCons có thể thực thi chính sách nghiêm ngặt này vì không nhiều đơn vị có khả năng đảm nhận công trình theo đúng cam kết như CotecCons. Ngoài ra, như tính toán từ phía CotecCons, bắt tay với họ theo hình thức D&B sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm được ít nhất 10% chi phí và 30% thời gian thi công. Về phía CotecCons, triển khai D&B giúp Công ty cải thiện lợi nhuận ít nhất 3% so với các hình thức khác. Năm 2015, cùng với sự gia tăng số lượng dự án D&B, biên lợi nhuận của CotecCons cũng tăng từ 7,3% lên 8,1%.

Mặt khác, CotecCons là một trong số ít doanh nghiệp xây dựng đứng ngoài cuộc chơi đầu tư ngoài ngành. Trong khi CotecCons chỉ tập trung vào cốt lõi xây dựng, Hòa Bình lại có danh mục đầu tư bao gồm cả những lĩnh vực như chứng khoán (Công ty Sen Vàng), thực phẩm (Công ty Vị Tâm)... Các khoản đầu tư này đã ít nhiều ảnh hưởng đến Hòa Bình. Theo báo cáo kiểm toán năm 2015 của Hòa Bình, Vị Tâm (đơn vị mà Hòa Bình nắm hơn 71% vốn) đã ngừng hoạt động. Còn Chứng khoán Sen Vàng từng có lúc tính chuyện giải thể.

Vào những năm 2008-2009, Hòa Bình cũng đã tham gia vào các dự án bất động sản và từng lao đao. Đến năm 2015, nhiều công ty con trong mảng kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản, cho thuê văn phòng... của Hòa Bình cũng chưa ghi nhận được doanh thu, trong khi chi phí đã phải hạch toán theo quy định.

Chính sự trầy trật của Hòa Bình trong mảng bất động sản đã khiến các cổ đông của CotecCons có phần e ngại, khi công ty này dự kiến đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CotecCons, đã kịp thời trấn an khi cho biết Công ty sẽ không đứng ra đầu tư các dự án bất động sản như thông thường, tức là xây dựng rồi bán. Thay vào đó, CotecCons sẽ bỏ tiền đầu tư một phần, chủ đầu tư đứng ra bán và CotecCons chỉ việc thu hồi tiền vốn và lợi nhuận. “Chiến lược của Công ty khi nhảy vào bất động sản là sẽ đầu tư cơ hội”, ông nói.

Đối với các dự án hạ tầng, CotecCons vẫn đang vừa đầu tư vừa xem xét. Theo ông Dương, nếu thấy rủi ro hoặc không thấy lãi, CotecCons sẽ không tiếp tục cuộc chơi.

Năm nay, CotecCons đang lên kế hoạch huy động thêm 1.500-1.800 tỉ đồng vốn cho chiến lược đầu tư mở rộng của mình. Nguồn tiền sẽ đến chủ yếu từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với mức giá chào bán dự kiến bằng 80% thị giá của 20 phiên gần nhất. CotecCons sẽ dùng 600-700 tỉ đồng lập công ty mới và thực hiện M&A, 600-700 tỉ đồng cho đầu tư trực tiếp, góp vốn vào các dự án bất động sản, xây dựng. Phần 300-400 tỉ đồng còn lại sẽ dùng để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động.

“Những đầu tư này phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tối thiểu 20% năm 2016 và xa hơn, phấn đấu đạt 1 tỉ USD doanh thu năm 2017”, ông Dương cho biết.

Viết Nguyên


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày