Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp "khát" lao động

Đại Việt Thứ Tư | 17/08/2022 19:00

Nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tuyển lao động ở thời điểm này. Ảnh: An Phương.

Thu nhập của người lao động đã tăng lên đáng kể nhưng các doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm nhân sự.
Nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tuyển lao động ở thời điểm này. Ảnh: An Phương.

Thu nhập tốt cũng khó tuyển người

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, đại diện một doanh nghiệp may mặc tại quận Tân Phú, cho biết hiện nay việc tuyển lao động cho ngành may rất khó khăn. Công ty này đang tuyển công nhân với mức lương từ 8-9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất khó tuyển lao động.

“Dù lương công nhân đã tăng hơn trước nhưng mức chi tiêu cho sinh hoạt tại TP.HCM khá cao nên người lao động không có dư. Nhiều người chọn cách về quê làm công việc khác với thu nhập thấp hơn nhưng dễ sống hơn thành phố”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, mỗi tháng, công ty đều có những khoản hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, hỗ trợ tiền xăng để giữ chân người lao động yên tâm làm việc.

Lao động trong ngành may mặc cũng rất khó tuyển dụng.
Lao động trong ngành may mặc cũng rất khó tuyển dụng.

Bà Võ Thị Hoa, chủ một doanh nghiệp sản xuất, thi công nội thất tại quận 4, chia sẻ bà cũng đang “đau đầu” với việc tuyển nhân sự. Doanh nghiệp đang thiếu nhân viên thiết kế trầm trọng nhưng tuyển liên tục cũng không có người đạt yêu cầu.

Hiện nay, công ty bà Hoa đang trả lương 20 – 25 triệu đồng/tháng cho nhân viên thiết kế có kinh nghiệm nhưng rất ít người ứng tuyển.

Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại TP.HCM cũng thừa nhận họ đang rất khó tuyển lao động dù mức thu nhập tại công ty từ 10 – 18 triệu đồng/tháng. Sau đại dịch, người lao động chuyển hướng sang các ngành nghề khác và không quay lại với nghề cũ.

Nhiều nhân viên làm việc trong ngành du lịch, lữ hành không quay trở lại nghề cũ.
Nhiều nhân viên làm việc trong ngành du lịch, lữ hành không quay trở lại nghề cũ.

Theo khảo sát của Việc Làm Tốt, trong cuộc khảo sát 1.300 công nhân thì có đến 60% muốn thay đổi công việc, ngành nghề. Công nhân có xu hướng tìm những công việc linh hoạt về thời gian như giao hàng, tài xế, bán hàng, làm việc trực tuyến hay làm gia công tại nhà.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong Quý I/2022, TP.HCM đang là thành phố có thu nhập bình quân mỗi tháng cao nhất cả nước, đạt mức 8,9 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn rất khó tuyển lao động.

Vô số cơ hội việc làm phía trước

Ngân hàng Thế giới nhận định Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2022, cao hơn mức dự kiến của các quốc gia trong khu vực như Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Do đó, nhu cầu về lao động trong thời gian tới là rất lớn.

Theo báo cáo của TopCV, 65% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng trong năm 2022. Những ngành nghề có nhu cầu lao động lớn nhất vẫn là Marketing, truyền thông, quảng cáo, kế toán - kiểm toán, công nghệ thông tin, bán hàng, tư vấn, hành chính, văn phòng.

Còn theo báo cáo của Manpower Group Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc cũng khiến nhu cầu tuyển dụng trong nhiều nhóm ngành nghề tiếp tục tăng lên.

Trong 100 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của đơn vị này thì có 88% doanh nghiệp có ý định gia tăng tuyển dụng hoặc duy trì số nhân sự hiện tại. 45% công ty tham gia khảo sát có ý định sử dụng lao động thời vụ hoặc bán thời gian trong 3 - 6 tháng tới.

Trong 5 tháng cuối năm, ngành sản xuất – chế biến, chế tạo; bán sỉ - bán lẻ và thương mại; tài chính – ngân hàng; dịch vụ tư vấn; xây dựng; dịch vụ lưu trú; ăn uống và giải trí; bất động sản sẽ là những ngành cần nhiều lao động nhất.

Nhiều ngành
Nhiều ngành "khát" lao động trong những tháng cuối năm.

Theo Manpower, gần 50% doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng các vị trí chuyên viên từ 6 tháng kinh nghiệm trở lên và khoảng 24% doanh nghiệp tham gia khảo sát đang cần tuyển lao động phổ thông.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, phụ trách Dịch vụ cho thuê lại lao động của Manpower Group Việt Nam nhận định, kỹ năng ngoại ngữ đang dần trở thành một yêu cầu cần có đối với người lao động tại nơi làm việc. Tuy nhiên có đến 24% công ty tiết lộ tỉ lệ nhân viên sử dụng thành thạo tiếng Anh rất thấp.

Đáng lưu ý, 30% đơn vị thừa nhận số lao động đủ năng lực tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm gần 10%.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Kinh doanh của Manpower Group chia sẻ, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các khu công nghiệp đang rất sôi động, đa dạng ở các ngành nghề, nhất là lĩnh vực sản xuất - chế biến, chế tạo; điện tử, công nghệ cao...

Nhiều nhà máy không tuyển đủ nguồn nhân lực cần thiết dù đã tăng cường các chế độ đãi ngộ. Cùng với dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao, các doanh nghiệp gia tăng sử dụng dịch vụ thuê ngoài lao động để đảm bảo luôn có lao động trong các giai đoạn sản xuất kinh doanh cao điểm.

Các chuyên gia về nhân sự cho rằng, ngoài việc đảm bảo thu nhập tốt cho người lao động thì doanh nghiệp cũng cần thực hiện một số giải pháp cơ bản để giữ chân họ lại làm việc.

Điển hình như việc doanh nghiệp cần đánh giá lại năng lực của đội ngũ quản lý, lãnh đạo bởi nhiều người lao động nghỉ việc do cách quản lý chưa phù hợp. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp cũng cần xây dựng theo hướng công bằng, cởi mở để người lao động cảm thấy vui vẻ và muốn cống hiến.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để người lao động có cơ hội phát triển, thăng tiến và muốn phấn đấu cho nơi làm việc của mình.

Có thể bạn quan tâm:

Rủi ro của các doanh nghiệp thường đến từ đâu?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày