Doanh Nghiệp

Dược Hậu Giang giải thể các văn phòng tại khu vực Mekong

Minh Anh Thứ Năm | 29/11/2018 19:30

Dược Hậu Giang vừa công bố thông tin sẽ giải thể 11 văn phòng của Công ty đang hoạt động tại khu vực Mekong và thanh lọc ngành hàng kinh doanh.

Chiến lược kinh doanh thay đổi

Đây là hoạt động được đưa ra sau một thời gian cổ phiếu của Dược Hậu Giang được Taisho liên tục mua lại và sau khi công ty quyết định nới room ngoại lên 100%.

Theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị ngày 26.11.2018, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (Mã chứng khoán: DHG) đã thông báo về việc giải thể 11 văn phòng đại diện tại khu vực Mekong, cụ thể là tại các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp…

Lý giải cho việc giải thể như trên phía Công ty cho biết, ngày 11.5.2018, Công ty đã công bố thông tin về việc tạm ngưng triển khai dự án chuyển đổi các chi nhánh phân phối tại Mekong thành văn phòng đại diện. Sau một thời gian xem xét, Công ty nhận thấy việc chuyển đổi theo mô hình mới (văn phòng đại diện) không phù hợp và cần nhiều thời gian để sắp xếp cơ cấu lại nhân sự

Điểm qua kết quả Hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Công ty tăng 3,2% so với cùng kỳ, đạt 512 tỉ đồng tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 448,5 tỉ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Chốt phiên giao dịch ngày 28.11.2018, cổ phiếu DHG ở mức giá 82.600 đồng/cp trong khi đó giá cao nhất 52 tuần là 115.315 đồng/cp và thấp nhất là 82.000 đồng/cp với vốn hóa thị trường là gần 10.800 tỉ đồng. Như vậy, giá cổ phiếu DHG đang về lại vùng giá thấp nhất trong 1 năm trở lại đây. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 828 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ trong khi chi phí giá vốn chỉ giảm 6% nên lợi nhuận gộp thu về đạt 381,5 tỉ đồng, giảm 5% so với quý III năm ngoái.

Duoc Hau Giang giai the cac van phong tai khu vuc Mekong
 

Thanh lọc ngành hàng kinh doanh

Nguyên nhân doanh thu giảm, phía Công ty cho biết do ngừng kinh doanh mặt hàng MSD từ tháng 4.2018, mặt hàng Eugica từ tháng 6.2018 và ngừng kinh doanh nguyên liệu từ tháng 7.2018 để thực hiện nới room ngoại.

Trong quý III, Dược Hậu Giang đã tiết giảm 30 tỉ đồng chi phí bán hàng, trong đó riêng chi phí quảng cáo giảm 18 tỉ đồng. Ngoài ra chi phí cho nhân viên bán hàng và nhân viên quản lý cũng giảm được đáng kể.

Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến dù doanh thu sụt giảm nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 151,4 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do cách hạch toán thuế Thu nhập Doanh nghiệp theo mức điều chỉnh năm 2016 vào quý III năm nay, nên dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt 138,8 tỉ đồng, xấp xỉ bằng con số 138 tỉ đồng đạt được quý III/2017.

Ngành dược tại thị trường Việt Nam hiện nay khá tiềm năng. Dự báo trong các năm tới, mức chi tiêu dược phẩm bình quân đầu người vẫn tiếp tục ở mức cao ở và tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm cũng sẽ tiếp tục duy trì ở con số 14%/năm.

Riêng năm 2017, tổng doanh thu ngành dược ước đạt 5,2 tỉ USD, tăng 11% so với mức doanh thu 4,7 tỉ USD năm 2016. Các doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu ngành dược tăng trung bình 10% trong 5 năm tới.

Hiện mạng lưới cung ứng thuốc tại Việt Nam bao gồm 1.910 doanh nghiệp dược nội địa và 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù áp đảo về lượng nhưng thuốc nội vẫn yếu thế hơn so với thuốc ngoại bởi doanh nghiệp trong nước chỉ mới dừng lại sản xuất được thuốc Generic, còn lại các thương hiệu bản quyền đều nhập nước ngoài.

Với những kỳ vọng tăng trưởng tích cực, nhóm ngành này đã, đang và vẫn được quan tâm bởi các nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, như đã đề cập nhóm thuốc chất lượng cao bao gồm biệt dược gốc, thuốc điều trị… là sân chơi dành cho các doanh nghiệp ngoại và các doanh nghiệp FDI. Do vậy, các giải pháp của doanh nghiệp dược nội địa tính đến là M&A là con đường nhanh nhất.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày