Doanh Nghiệp

Myanmar chưa thôi hấp dẫn

Nguyễn Sơn Thứ Ba | 11/06/2019 08:00

Ảnh: FT.com

Doanh nghiệp Việt Nam quay trở lại Myanmar sau thời gian bất ổn chính trị kéo dài tại quốc gia này.
Ảnh: FT.com

Quy mô 54 triệu dân, kinh tế tăng trưởng khá nhanh với mức hơn 6% là các lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt đang có động thái quay lại Myanmar, đặc biệt trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn là tài chính, tiêu dùng, bất động sản, viễn thông. Điển hình là mới đây, thương hiệu smartphone Vsmart chính thức thâm nhập thị trường Myanmar khi giới thiệu 4 dòng sản phẩm đầu tay. Để vận hành hệ thống phân phối hiệu quả, Vsmart đã ký hợp tác với đối tác Myanmar là Strong Source.

Theo đó, sản phẩm Vsmart sẽ được phân phối thông qua gần 1.500 cửa hàng của nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng và kinh doanh đa ngành số 1 tại Myanmar. Vsmart đồng thời hợp tác với 2 nhà bán lẻ lớn tại Myanmar là Mytel (của Tập đoàn Viettel) và Shop.com.mm (thuộc Alibaba) để nhanh chóng giành thị phần. “Thị trường Myanmar là một thị trường tiềm năng với tỉ lệ tăng trưởng mạnh các sản phẩm tiêu dùng công nghệ trong những năm gần đây. Nhiều thương hiệu điện thoại khác cũng đã nhanh chóng nhập cuộc và cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng với nền tảng phát triển công nghệ, nhân sự và đặc biệt là sự hỗ trợ của các đối tác phân phối, Vsmart sẽ trở thành top những thương hiệu điện thoại thông minh được ưa chuộng tại thị trường Myanmar”, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty VinSmart, nhận định.

Myanmar chua thoi hap dan
 

Sau khi nhận chuyển nhượng khu phức hợp tại Yangon của bầu Đức, trong năm nay, Thaco sẽ tiếp tục nâng tỉ lệ sở hữu lên hơn 65%, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn 2 của dự án có giá trị hơn 400 triệu USD. Dự kiến, Thaco sẽ cho thuê các sàn văn phòng giai đoạn 1 của khu phức hợp, bán các căn hộ còn lại của tháp B1 và mở bán giai đoạn 2. Thực trạng thiếu nhà ở cùng với sự gia tăng dân số đô thị đang tạo ra một bối cảnh thuận lợi cho nhà phát triển bất động sản như Thaco.

Lên kế hoạch thâm nhập thị trường Myanmar còn có thương hiệu trong ngành hàng tiêu dùng là Vinamilk. Trong năm nay, Vinamilk có thể sẽ đầu tư một dây chuyền sản xuất tại quốc gia này, đánh dấu bước tiến lớn trong chặng đường mở rộng kinh doanh ra các quốc gia ASEAN, sau Lào và Campuchia. Danh sách các tên tuổi đáng chú ý tham gia thị trường Myanmar còn phải kể đến Viettel, FPT. Mới đây, việc Chính phủ Myanmar cho phép ngân hàng ngoại được trực tiếp cho doanh nghiệp nội địa vay dự kiến sẽ mở ra cơ hội mới cho BIDV - ngân hàng đã đặt chân vào thị trường này từ khá lâu.

Cách đây vài năm, Myanmar gây chú ý cho giới đầu tư thế giới khi mở cửa một thị trường giàu tiềm năng nhất Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng theo làn sóng này tiếp cận thị trường Myanmar. Tuy nhiên, cơ hội vẫn chưa được chuyển hóa thành hiện thực khi Myanmar rơi vào bất ổn chính trị. Hiện nay, tình hình của quốc gia có biên giới liền kề với cả Trung Quốc và Ấn Độ đã ổn định hơn. Chính phủ của nữ tướng Aung San Suu Kyi thậm chí có nhiều ý định rõ ràng hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế, mềm dẻo hơn trong mở cửa với tham vọng thu hút được 200 tỉ USD vốn FDI trong vòng 20 năm tới.

Myanmar chua thoi hap dan
 

Với lợi thế chi phí nhân công thấp, là chỗ cư trú khá an toàn cho dòng vốn đầu tư trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Myanmar cùng với Việt Nam và Bangladesh là 3 quốc gia được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng mạnh của châu Á. “Triển vọng kinh tế của Myanmar trong năm 2019 và 2020 có thể khả quan khi nước này mở cửa ngành bán lẻ và bán buôn và tiếp tục hiện đại hóa quản trị, quản lý doanh nghiệp”, ông Newin Sinsiri, Giám đốc Ngân hàng ADB tại Myanmar, nhận định.

World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế của Myanmar trong năm 2019 sẽ đạt mức 6,2%, thấp hơn mốc 6,8% trong năm 2018. Cải cách là chìa khóa vô cùng quan trọng để giúp nền kinh tế khu vực Ðông Nam Á này vượt qua những thách thức, rủi ro trước mắt, góp phần đem lại sức sống mới cho nền kinh tế và thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài. Chính quyền Naypyidaw đã xây dựng một bộ luật doanh nghiệp mới cho phép người nước ngoài sở hữu đến 35% cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước của Myanmar.

Nhưng những bất ổn chỉ trong 4 năm qua cho thấy thị trường hoang sơ này vẫn còn tồn tại các rủi ro đáng kể cho nhà đầu tư. Đơn cử như nửa đầu năm 2018, đồng Kyat gây sửng sốt khi sụt giảm ở mức 2 con số so với đồng USD, kèm theo đó là lạm phát tăng mạnh. “Chất lượng tín dụng trong hệ thống ngân hàng cũng là rủi ro lớn. Hiện không có nhiều dữ liệu đáng tin cậy nhưng ước tính, tỉ lệ nợ xấu có thể lên đến 30-40%”, ông Oliver Bell, Phó Chủ tịch của Quỹ T.Rowe Price Group, nhận định trên tờ The Assets.

Dẫu vậy, rủi ro đi kèm với cơ hội lớn, tiềm năng kinh doanh của thị trường đông dân này trong dài hạn là tích cực. Với tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm, Myanmar sẽ sớm đạt mức thu nhập 2.000-3.000 USD/người chỉ trong 4-5 năm nữa, tạo nên một sự bùng nổ lớn về tiêu dùng. Điều này giải thích vì sao nhiều doanh nghiệp chấp nhận các rủi ro hiện tại để đầu tư tiền bạc, gấp rút xây dựng thương hiệu và chuỗi phân phối sâu rộng để ưu tiên giành lấy thị phần.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày