Doanh Nghiệp

Quỹ ngoại có khẩu vị mới?

Viết Nguyên Thứ Ba | 25/10/2016 07:30

Đầu năm đến nay, dù có trong tay 112 triệu USD từ quỹ mới, Mekong Capital chỉ “chấm” được 2 công ty.

Nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi khẩu vị. Điều này được nhìn thấy từ 1-2 năm trở lại đây qua động thái cơ cấu lại danh mục. VinaCapital là một ví dụ. Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho biết, sắp tới quỹ VOF của VinaCapital sẽ đầu tư vào các công ty gia đình. Chiến lược này mở rộng hơn so với định hướng nhắm đến các công ty tư nhân, đang trong giai đoạn đầu phát triển hoặc chuẩn bị lên sàn.

Theo báo cáo của VinaCapital, mức sinh lời cao nhất của VOF trong 3 năm gần đây nằm ở các khoản đầu tư tư nhân (25,9%), kế đó là khoản rót vốn vào doanh nghiệp niêm yết và OTC (những công ty đã tiến hành IPO, cổ phần hóa). Ông Andy Ho cho biết tháng 11 tới, “VinaCapital sẽ thành lập VSAF, quỹ nội địa dành cho nhà đầu tư nước ngoài”. Mục tiêu của quỹ này là hướng vào các công ty trên sàn Upcom. Đối với quỹ mở VVF của VinaCapital, thay vì tập trung vào cổ phiếu có vốn hóa vừa và lớn như trước đây, VVF sẽ quan tâm hơn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, được định giá rẻ hơn so với mặt bằng chung nhưng vẫn có chất lượng kinh doanh tốt.

Năm ngành mà VVF nói riêng và VinaCapital nói chung đánh giá tiềm năng là tiêu dùng - bán lẻ, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, công nghệ, tiện ích (điện/nước). Đây cũng là những ngành được các quỹ đầu tư nước ngoài khác chú ý.

Chẳng hạn, sau thương vụ đầu tư vào REE, Dragon Capital đã quay trở lại với lĩnh vực tiện ích. Quỹ này hiện sở hữu gần 4% cổ phần của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2. Hay một quỹ khác chuyên đầu tư vào năng lượng của Dragon Capital đã sở hữu 66,1% vốn ở Thủy điện Sông Ông. Mới đây, Quỹ cũng chi gần 400 tỉ đồng để sở hữu hơn 15% cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược của Xây lắp Điện 1 (PCC1). Trong lĩnh vực hạ tầng, Dragon Capital hiện nắm giữ cổ phần ở các công ty lớn như Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII). Nhóm nhà đầu tư thuộc Dragon Capital cũng đã gia tăng sở hữu ở Thế giới Di Động , FPT và Vĩnh Hoàn - những công ty hàng đầu trong mảng bán lẻ, công nghệ, xuất khẩu thủy sản.

Đối với Mekong Capital, tiêu chí đầu tư là chỉ rót vốn vào những công ty chưa niêm yết thuộc các ngành định hướng theo người tiêu dùng, bao gồm phát triển thương hiệu, phân phối và bán lẻ. Hai khoản đầu tư mới trong năm 2016 (Wrap & Roll, ABA) cũng như 6 khoản đầu tư cũ còn nắm giữ (Thế giới Di Động, PNJ, Traphaco, Hóa chất Á Châu, Trường Quốc tế Việt Úc, Lộc Trời) của Mekong Capital đều thỏa mãn các tiêu chí đầu tư này.

Ở các quỹ khác như Vietnam Holding, PYN Elite Fund, DWS Vietnam Fund, JP Morgan Vietnam Opportunities Fund... phần lớn đều đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết thuộc ngành có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn như sản xuất tiêu dùng, công nghệ, bán lẻ, dược phẩm... Các quỹ này cũng ưu tiên đầu tư vào các công ty có nền tảng cơ bản tốt như Vinamilk, Hòa Phát, FPT. Vì thế, theo thống kê của DOBF, hoạt động của 31 quỹ đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt hiệu quả cao hơn diễn biến VN-Index, với mức tăng bình quân 11,28% (VN-Index tăng 7,5%).

Bất động sản luôn có sức hút đối với các quỹ ngoại. Dragon Capital đổ vốn vào các cổ phiếu ngành này như Khang Điền (KDH), Phát Đạt (PDR), Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng (DIG), Kinh Bắc (KBC), gián tiếp nắm giữ cổ phần ở Năm Bảy Bảy (thông qua CII), Công ty Xây dựng Bình Chánh (thông qua Khang Điền). Đây đều là những công ty có thương hiệu, có quỹ đất lớn, sở hữu sản phẩm phù hợp với xu thế thị trường, trải rộng từ phân khúc giá phải chăng đến cấp cao. Điều này giúp Dragon Capital đa dạng hóa rủi ro.

Quy ngoai co khau vi moi?
Hoạt động của 31 quỹ đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt mức tăng bình quân 11,28%. Ảnh: Sơn Phạm

Giảm thiểu rủi ro cũng là điều quỹ đầu tư bất động sản VinaLand (VNL) của VinaCapital nhắm đến. VNL sẽ được tái cơ cấu theo hướng chuyển sang săn quỹ đất sạch để phát triển dự án, xây dựng và bán trong 2 năm thay vì theo đuổi các dự án dài hạn 5-10 năm như trước đây. Cách thức này có thể giúp VNL rút ngắn thời gian đầu tư, tránh bị mất chi phí cơ hội...

Tuy nhiên, việc săn lùng quỹ đất sạch sẽ tốn nhiều chi phí và cũng không dễ tìm. Thách thức tương tự cũng đặt ra cho các quỹ khi tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở nhóm doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp tư nhân theo khẩu vị mới, thỏa mãn tiêu chí về quản trị, minh bạch. Từ đầu năm đến nay, dù có trong tay 112 triệu USD từ quỹ mới, Mekong Capital chỉ “chấm” được 2 công ty. Trong 9 tháng đầu năm 2016, quỹ VOF cũng chỉ mới đầu tư vào Bệnh viện Thái Hòa và Gỗ An Cường. Đối với các quỹ đầu tư tư nhân do Saigon Asset Management (SAM), Jaccar Capital, PENM Partners, Vietnam Asset Management (VAM) quản lý, hoạt động gần như im ắng.

Trên thực tế, sự sôi động của dòng vốn ngoại thường tập trung ở nhóm các quỹ đầu tư doanh nghiệp niêm yết. VOF, VEIL của Dragon Capital dù đa dạng chiến lược đầu tư nhưng đều ưu tiên rót vốn cho nhóm này. Khoảng 50% danh mục đầu tư của quỹ VOF hiện thuộc về các công ty trên sàn. Hay 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL là doanh nghiệp niêm yết.

Nhưng cơ hội mới từ đầu tư trên sàn cho các quỹ ngoại hiện không còn nhiều. Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital, từng bày tỏ: “Có quá ít doanh nghiệp da giày, may mặc, xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu... trên sàn cho nước ngoài giải ngân”. Những công ty sản xuất tiêu dùng và dịch vụ như May Thành Công, Thế Giới Di Động, Vinamilk thì đã hết room. Những thương hiệu lớn trong mảng bán lẻ như Co.opmart, Satra hay các công ty hàng đầu về lúa gạo, cà phê… lại chưa lên sàn. Những doanh nghiệp làm ăn tương đối bài bản trong các ngành sản xuất như Gỗ Đức Thành (GDT)… lại quá ít.

Trong khi đó, thống kê sơ lược cho thấy, cơ cấu hàng hóa trên sàn chứng khoán hiện chủ yếu là nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ (vốn điều lệ dưới 100 tỉ đồng), thuộc các ngành không thuộc khẩu vị của nhà đầu tư quốc tế. Với các yếu tố bất lợi này, lãnh đạo của Nikko Asset Management từng tiết lộ, quỹ đầu tư Đông Nam Á do Công ty quản lý, được lập vào tháng 11 năm ngoái mới chỉ phân bổ 10% vốn vào cổ phiếu Việt Nam. Quỹ vẫn chưa có kế hoạch mua thêm cổ phiếu Việt. Đáng lo hơn, khối ngoại đã gia tăng bán ròng. Tổng mức bán ròng 9 tháng năm 2016 là hơn 4.000 tỉ đồng trên cả hai sàn.

Các quỹ nước ngoài đang trông đợi động thái nới room của các công ty niêm yết đã đầy room. Họ cần thêm các hàng hóa tốt, quy mô lớn, thanh khoản cao, quản trị minh bạch. Ông Scriven từng lưu ý, sau khủng hoảng tài chính, nhà đầu tư quốc tế đã có những đòi hỏi mới. Họ sẽ không giao vốn mà không thấy phương án đầu tư chi tiết như về ngành, thời hạn, quản trị rủi ro, bảo vệ môi trường...

Rõ ràng, nếu Việt Nam vẫn chậm trễ, lỗi hẹn quá trình thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp, việc giữ chân quỹ ngoại ở lại thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Có thể thấy, với mức vốn hóa 71,3 tỉ USD, Việt Nam vẫn là thị trường chứng khoán nhỏ trong khu vực. Giá trị giao dịch hằng ngày trên sàn TP.HCM trong năm 2016 chỉ vào khoảng 106 triệu USD, chưa bằng 1/4 thị trường Malaysia hay Indonesia. Hơn nữa, Việt Nam vẫn là thị trường sơ khai, chưa được MSCI xếp vào nhóm thị trường mới nổi.

Viết Nguyên


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày