Doanh Nghiệp

Sabeco mở rộng thị phần miền Trung

Khổng Hiệp Thứ Tư | 01/01/2020 16:00

Ảnh: doankhoidndaklak.gov.vn

Sabeco đang tận dụng sức mạnh của mình sau khi vào tay người Thái để mở rộng thị phần tại miền Trung.
Ảnh: doankhoidndaklak.gov.vn

Theo nghiên cứu của Euromonitor, miền Trung chỉ chiếm 6% thị trường bia cả nước. Tuy nhiên, đây được xem là khu vực có tiềm năng tốt và đang chứng kiến sự cạnh tranh sôi động của các hãng bia như Bia Huế, Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bia Heineken, Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Theo các nhà lãnh đạo của Habeco, kết quả kinh doanh của Công ty có dấu hiệu bị đe dọa khi 2 thị trường chính là miền Bắc và miền Trung đang bị Sabeco và Heineken cạnh tranh gay gắt: Saigon Lager và Bia 333 của Sabeco tăng trưởng 32%, Tiger của Heineken tăng trưởng 71%. Tuy nhiên, một đại diện của Sabeco ở miền Trung là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu lên đến 27% trong 3 năm gần đây. Cổ phiếu SMB đã tăng hơn 40% trong năm qua. Theo thông tin gần nhất từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), SMB dự kiến sẽ nâng công suất nhà máy bia thêm 43%.

 

Trước đây, Bia Huế với thương hiệu Bia Hura là thương hiệu chiếm lĩnh hầu hết thị trường miền Trung trải dài từ Nghệ An vào đến Bình Định, Khánh Hòa, vòng qua các tỉnh Tây Nguyên. Đến năm 2011, Carlsberg mua lại 100% Nhà máy Bia Huế được cho là bước đầu thâu tóm toàn bộ thị trường bia miền Trung. Tuy nhiên, với việc Carlsberg công bố sản lượng ở Việt Nam đi ngang năm 2015, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thay đổi trong ban lãnh đạo cũng như yếu tố mùa vụ trong năm 2017 và giảm trong năm 2018, có vẻ như Carlsberg gặp khó trong việc mở rộng và giữ thị phần.

Habeco với thương hiệu Bia Hà Nội, được xem là đứng đầu khu vực miền Bắc trước khi muốn mở rộng ra thị trường miền Trung nhưng bị Sabeco và Heineken tấn công mạnh mẽ thông qua quảng cáo thương hiệu và hệ thống phân phối. Cuộc chơi khốc liệt như vậy nhưng SMB (với sản lượng bia khá lớn trung bình 110 triệu lít/năm, chiếm gần 7% sản lượng bia tiêu thụ của Sabeco) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng CAGR ấn tượng 27% theo doanh thu và 21% theo lợi nhuận, tính riêng 3 quý đầu năm 2019, lợi nhuận SMB tăng đến 36% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2008, SMB được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 công ty: Bia Sài Gòn - Quy Nhơn, Bia Sài Gòn - Phú Yên và Bia Sài Gòn - Đắk Lắk. Mỗi công ty sở hữu một nhà máy bia và được kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ của các công ty hợp nhất. Sabeco hiện sở hữu 32% của SMB. SMB đang sản xuất kinh doanh 2 dòng sản phẩm chính là Bia Sài Gòn và các thương hiệu bia địa phương tự doanh (Bia Quy Nhơn, Bia Lowen, Bia Tươi) chiếm hơn 95% tổng sản lượng, còn lại là các loại đồ uống khác. Năm 2018, sản lượng tiêu thụ của SMB là 210 triệu lít, trong đó gần 30% là bia tự doanh. SMB thừa hưởng lợi thế so với các đối thủ là nằm trong đại gia đình Sabeco, đơn vị có thị phần lớn nhất 43%, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt.

 

Sản phẩm của SMB ngoài việc được phân phối qua công ty con thì còn có hệ thống phân phối của Bia Sài Gòn. Ngoài sản lượng ổn định của Bia Sài Gòn thì với chất lượng tốt của Bia Quy Nhơn với Bia Tươi, mảng bia tự doanh của SMB mang lại hiệu quả khá tốt.

Theo SMB, kế hoạch kinh doanh của Công ty phụ thuộc khá nhiều từ chỉ đạo của Sabeco, vào những lúc cao điểm phải tập trung sản xuất Bia Sài Gòn, dẫn đến việc không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ Bia Quy Nhơn. Trong khi biên lợi nhuận gộp của Bia Sài Gòn là 21-24%, thì biên lợi nhuận của Bia Quy Nhơn cũng như các loại bia tự doanh tốt hơn.

Theo thông tin mới nhất từ Ban lãnh đạo SMB, 3 nhà máy của SMB đã hoạt động tối đa công suất trong 3 năm qua. Đặc biệt, nhà máy Đắk Lắk với công suất khoảng 70 triệu lít bia nhưng đang sản xuất khoảng hơn 100 triệu lít, chiếm hơn 50% sản lượng. Công ty kỳ vọng sẽ nâng công suất tại nhà máy Đắk Lắk lên 180 triệu lít bia, sản xuất Bia Quy Nhơn (chai và lon) tại nhà máy Đắk Lắk để giảm áp lực cho nhà máy Quy Nhơn và Phú Yên nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tổng vốn đầu tư vào khoảng 200 tỉ đồng, dự kiến tài trợ một phần bởi vốn vay. Tuy nhiên, Công ty đang chờ trình duyệt từ phía Sabeco mới có thể tiến hành, trong ngắn hạn có thể chưa được thông qua.

 

Theo bộ phận phân tích của VDSC, SMB khá hấp dẫn để đầu tư vì có dòng tiền lành mạnh, hoạt động kinh doanh ổn định và đặc biệt là tỉ suất cổ tức hấp dẫn (lên đến 35% mệnh giá). VDSC tin rằng SMB hoàn toàn có thể duy trì tỉ lệ cổ tức tiền mặt tương tự trong năm 2020, tương đương với tỉ suất cổ tức vào khoảng 9% so với thị giá hiện tại, khoảng 38.500 đồng. Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu đã tăng 40% trong năm qua, nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư SMB khi SMB đã hạ nhiệt hơn trong thời gian tới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày