Doanh Nghiệp

Thêm thịt mát, MASAN muốn tăng trưởng nóng

Hữu Hiệp Thứ Sáu | 22/11/2019 10:00

Ảnh: TL

Ngành thịt và đồ uống tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ cho mục tiêu dài hạn của Masan.
Ảnh: TL

Sau thành công trong lĩnh vực hàng tiêu dùng với các thương hiệu như nước tương Chin-su, nước mắm Nam Ngư, mì Omachi..., Tập đoàn Masan (mã MSN) đã liên tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh thông qua các thương vụ M&A như Proconco, VinaCafé Biên Hòa, Bia Phú Yên... Tuy nhiên, đến thời điểm này, bên cạnh việc khẳng định vị trí trong ngành hàng tiêu dùng, có thể thấy rằng không phải thương vụ nào của Masan cũng thành công. 

Tuy đã công bố nhiều nhãn hàng và chiến lược mới nhưng giá cổ phiếu MSN từ giữa năm ngoái đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Nếu tính từ đầu năm nay, giá gần như không đổi và chỉ lên xuống trong khoảng 75.000-90.000 đồng/cổ phiếu, cho thấy nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu rõ nét hơn từ thương hiệu lớn của ngành tiêu dùng này.

Tập đoàn Masan hiện kinh doanh trong 4 mảng với 3 công ty con gồm Masan Consumer (MCH), Masan MEATLife (MML), Masan Resources (MSR) và Techcombank (công ty liên kết).

Mảng tiêu dùng của Masan với Masan Consumer nhìn chung tương đối vững vàng. Sau 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Masan Consumer  đạt 12.589 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Đóng góp mạnh nhất là đồ uống tăng trưởng 29% nhờ nước uống tăng lực (Wake-up và Compact) và nước đóng chai, thông qua mở rộng mạng lưới phân phối. Cụ thể, tăng trưởng doanh thu 33,1% ở nước tăng lực và 21,6% ở nước đóng chai. Các nhãn hiệu cao cấp mới của sản phẩm khác cũng mang lại tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, áp lực giảm doanh thu nằm ở mảng cà phê và dòng bia Sử Tử Trắng. Doanh thu thuần của VinaCafé Biên Hòa giảm 15%, còn mảng bia nếu vẫn duy trì tình trạng này, có lẽ Masan sẽ phải tính toán bước đi kế tiếp.

Bài toán tăng trưởng về cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Masan Consumer  trông chờ vào các sản phẩm cao cấp mới tung ra thị trường. Tuy nhiên, những phát kiến mới ban đầu thường có tỉ suất lợi nhuận thấp. Biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer  trong 9 tháng cũng giảm vì lý do này. Các sản phẩm mới từ hợp tác chiến lược với Công ty Jin-Ju được Masan kỳ vọng giúp ngành hàng thực phẩm trên đà đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu gấp 2 lần trong năm 2019.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, doanh thu thức ăn gia súc của Masan MEATLife bị sụt giảm nhưng lại được bù đắp bởi thức ăn cho thủy sản và gia cầm. Theo đó, lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Công ty vẫn tăng 0,7% so với cùng kỳ, đạt 10.104 tỉ đồng. Do lợi nhuận gộp 2 mảng thủy sản và gia cầm cao hơn đã kéo tỉ suất lợi nhuận gộp chung của Masan MEATLife lên đến 17%. Các khoản này chưa bao gồm doanh thu thịt mát MEATDeli do kết quả mảng này chỉ được ghi nhận từ quý IV/2019.

Với thương hiệu MEATDeli ra mắt tại Hà Nội cuối năm ngoái, Masan MEATLife tiếp tục hoàn thành các mục tiêu như 116 điểm bán ở Hà Nội trong nửa đầu năm. Trong quý III, Công ty cũng mở rộng đến TP.HCM, hợp tác với Co.opmart, nâng tổng số điểm bán lên 320 tính đến tháng 10 và theo dự kiến sẽ là 650 điểm trên toàn quốc cuối năm nay, chỉ sau Bách Hóa Xanh và VinMart.

Với doanh kết quả doanh thu rất khả quan 69 tỉ đồng trong quý III, tăng 4 lần so với quý trước, Masan tin rằng MEATDeli sẽ đóng góp 500 tỉ đồng doanh thu thuần cho cả năm 2019 và chiếm 2% thị phần thịt lợn toàn quốc vào năm 2020. Đây cũng được kỳ vọng là một trong những trụ cột tăng trưởng của Tập đoàn trong trung hạn. Ngoài ra, Masan cũng có kế hoạch niêm yết Masan MEATLife lên thị trường UPCoM vào cuối năm 2019. Vào tháng 10.2019, Masan đã chào bán thành công 1,8 triệu cổ phiếu MML cho các nhà đầu tư cá nhân tại đợt niêm yết trước (pre-listing). Sắp tới, Masan MEATLife sẽ tung ra thị trường các sản phẩm chế biến từ thịt mát như thịt kho trứng, chả lụa, chà bông và các sản phẩm khác.

Một mảng khác của Masan là khai thác, chế biến khoáng sản từ dự án Núi Pháo, thông qua công ty con Masan Resources. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu  Masan Resources giảm 21% xuống 3.685 tỉ đồng do giá bán vonfram giảm. Điểm nổi bật là khoản thu nhập một lần 1.651 tỉ đồng do thành công trong vụ kiện trọng tài quốc tế với Jacobs. Masan cho rằng giá đã chạm đáy và kỳ vọng tương lai sẽ khả thi hơn cho giá kim loại này.

Trong đó có thông tin đáng chú ý là Masan Resources đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck, một bước đi chiến lược để trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao. Điều này giúp Công ty tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỉ USD lên 4,6 tỉ USD. Việc trở thành nhà chế tạo các sản phẩm vonfram midstream sẽ làm gia tăng đáng kể giá trị Công ty, do các sản phẩm vonfram công nghệ cao có giá bán cao hơn 30-50% so với các sản phẩm APT hiện tại.

Tính chung 9 tháng, Tập đoàn đạt 26.378 tỉ đồng doanh thu thuần, xấp xỉ số thu cùng kỳ. Khoản lợi nhuận thuần và lợi nhuận thuần sau khi phân bổ cho cổ đông lần lượt đạt 4.616 tỉ đồng và 4.110 tỉ đồng, tăng 6,5% và 8,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung, Masan dự kiến cả năm 2019 sẽ đạt 38.000-40.000 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận thuần cho cổ đông 2.500-3.600 tỉ đồng, thấp hơn kế hoạch ở Đại hội cổ đông hồi tháng 4.

Với giá cổ phiếu MSN chưa có đột biến mạnh mẽ, cổ đông Masan vẫn đang chờ đợi sự bứt phá trong triết lý “Keep going” của Tập đoàn. Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang vẫn tự tin với chiến lược hiện tại và cho rằng: “Nhiều thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn vào cuối năm nay".

►Nhiều dấu hỏi cho tham vọng của Masan

Masan Resources có thể "dẫn dắt" thị trường Vonfram toàn cầu?

Masan và các thương vụ M&A: Những mảnh ghép không hoàn hảo


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày