Doanh Nghiệp

Top 50 2017: Tôn vinh những người dẫn đầu

Hữu Duy - Nguyễn Sơn Thứ Ba | 13/06/2017 08:00

Điểm nhấn trong Bảng xếp hạng Top 50 năm nay là có đến 12 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hơn 1 tỉ USD.

Bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” năm 2017 (Top 50) do Tạp chí NCĐT phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) tiếp tục chứng kiến những thay đổi thú vị. Nếu như năm 2016 chứng kiến hiện tượng nổi trội của các doanh nghiệp ô tô, thì năm nay, sự xuất hiện trở lại của nhiều cổ phiếu ngân hàng. Điều này cho thấy một nền tảng kinh tế - tài chính ổn định hơn đã được xác lập, tạo tiền đề cơ sở để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên một tầm cao mới trong các năm kế tiếp.

Top 50 năm nay cũng lần đầu tiên có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp đạt mức vốn hóa tỉ USD, một trong những nhân tố quan trọng truyền cảm hứng giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 700 điểm để lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, những doanh nghiệp tỉ USD này thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế Việt Nam, để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Ai đang là những người dẫn đầu và những thuận lợi và thách thức nào đang chờ đón họ trong chặng đường kế tiếp?

Bán lẻ, tài chính thăng tiến

So với năm 2016, Top 50 năm nay chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về chỉ tiêu vốn hóa thị trường khi đạt tổng giá trị hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm hơn phân nửa tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường, gia tăng đáng kể so với tỉ lệ 31% của năm trước đó. Kết quả này là nhờ các tập đoàn lớn tiếp tục thăng tiến mạnh mẽ như Vinamilk, Thế Giới Di Động, FPT, sự trở lại cuộc đua của Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận và nhất là sự đóng góp của một loạt các doanh nghiệp lần đầu xuất hiện như Vietjet Air, Novaland, Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá trị vốn hóa lên đến hàng tỉ USD.

Top 50 2017: Ton vinh nhung nguoi dan dau
Đại diện 50 doanh nghiệp nhận giải thưởng Top 50. Ảnh: Nguyễn Minh Đức

Có lẽ chủ trương “Một chính phủ kiến tạo và hành động” mà Thủ tướng Chính phủ đang nỗ lực tạo dựng đã tạo động lực mới cho các doanh nghiệp tư nhân niêm yết, đồng thời đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tất nhiên, càng nhiều tài sản có chất lượng niêm yết thì cơ hội được xếp vào danh sách các thị trường mới nổi để thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư của Việt Nam càng khả quan hơn.

Sự thống trị của các doanh nghiệp trong Top 50 còn thể hiện rõ ở khía cạnh hiệu quả kinh doanh. Nhóm các công ty này chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu lên đến 28,8% so với năm trước khi đạt 559.580 tỉ đồng, lợi nhuận ròng thậm chí còn tăng ấn tượng 40,7% với 60.687 tỉ đồng. Ấn tượng của bảng Top 50 năm nay là việc quay trở lại ngôi đầu bảng của nhà bán lẻ Thế Giới Di Động, sau một năm đánh mất vị trí vào tay Ô tô Trường Long. Bên cạnh hưởng lợi từ thị trường tiêu dùng điện thoại, điện máy tiếp tục khả quan do dân số trẻ, thành công của Thế Giới Di Động còn đến từ chiến lược mở rộng chuỗi nhanh chóng để giành thị phần, cùng các chính sách marketing khôn ngoan.

Đặc biệt, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Thế Giới Di Động trung bình lên đến 54,3% trong 3 năm qua. Đó thật sự là hiện tượng hiếm gặp và phản ánh phần nào chất lượng quản trị hiệu quả mà công ty này thể hiện cho dù quy mô đã phình to.

Một gương mặt nổi bật ở ngành hàng bán lẻ là Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Dường như những khó khăn gặp phải ở Ngân hàng Đông Á đã kết thúc, đồng thời quá trình tái cấu trúc quyết liệt, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là vàng trang sức bắt đầu mang đến những kết quả tích cực. Giá cổ phiếu PNJ tăng trưởng hơn 226% trong 3 năm qua thể hiện cái nhìn lạc quan của nhà đầu tư vào viễn cảnh của chuỗi bán lẻ vàng trang sức lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Theo Công ty Chứng khoán TVS, nhóm ngành bán lẻ và dược phẩm đang được hưởng lợi từ nền kinh tế tiêu dùng khi tăng trưởng 23% về doanh thu trong bảng xếp hạng năm nay. Nhóm ngành này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian tới vì phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và quy mô thị trường rất lớn với 92 triệu dân.

Nổi bật trong Top 50 còn là nhóm ngân hàng khi ngoài Ngân hàng Vietcombank, bảng xếp hạng còn xuất hiện thêm những cái tên mới như Ngân hàng Quân Đội, ACB. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi sau 5 năm tái cấu trúc, đặc biệt là thách thức trong xử lý nợ xấu thì một số ngân hàng đã dần dần cải thiện được bảng cân đối kế toán, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Thậm chí, một số ngân hàng đã có đủ lợi nhuận để mua lại các khoản nợ từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tăng vốn khả dụng để nâng hệ số an toàn vốn (CAR) nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe theo chuẩn quốc tế Basel II, gia tăng sức cạnh tranh với các ngân hàng hàng đầu khu vực.

Bất động sản và xây dựng cũng là lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý trong năm qua. Nhờ thị trường địa ốc và hạ tầng nóng lên mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có những cuộc bứt phá ngoạn mục về doanh thu và lợi nhuận. Điển hình là những cái tên như Vingroup, Khang Điền, Đất Xanh, Novaland, Nam Long, Hà Đô trên thị trường bất động sản hay Coteccons, Hòa Bình, CII trên lĩnh vực xây dựng.

Thị trường bất động sản phục hồi đã giúp các đại gia về thép và vật liệu xây dựng như Hòa Phát, Hoa Sen, Thép Nam Kim hưởng lợi và họ đã có những những bước thăng tiến đáng kể về vị trí xếp hạng trong bảng Top 50 5 năm, thậm chí Vicostone đã 2 năm liên tiếp nắm giữ vị trí á quân.

Top 50 2017: Ton vinh nhung nguoi dan dau
 

Trong số những cái tên mới nổi, không thể không nhắc đến hiện tượng Vietjet Air. Từ một doanh nghiệp thành lập chỉ mới cách đây gần 10 năm, hiện giá trị vốn hóa của hãng hàng không này đã lớn hơn Vietnam Airlines. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người sáng lập ra Vietjet Air, đã trở thành nữ tỉ phú đầu tiên của Việt Nam và lọt vào nhóm những người giàu nhất châu Á.

Điều nuối tiếc trong bảng xếp hạng năm nay là việc nhóm dầu khí lừng lẫy một thời đã không có một đại diện nào góp mặt. Điều này phản ánh những khó khăn vẫn đang bủa vây khi giá dầu mặc dù phục hồi mạnh mẽ trong năm qua nhưng vẫn xoay quanh ở mức thấp 50 USD/thùng, tức còn dưới ngưỡng hòa vốn khoảng 54-55 USD/thùng tại các giếng khoan dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay. Viễn cảnh phục hồi của giá dầu vẫn còn nhiều thách thức khi khối các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC không mạnh tay cắt giảm sản lượng, đi cùng với nỗi ám ảnh từ nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ bùng nổ.

Kết quả kinh doanh kém hiệu quả của ngành dầu khí đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách quốc gia. Hệ quả là Chính phủ có thể sẽ tìm cách tăng thu bằng các con đường khác, mà kế hoạch tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng nếu được thực thi có thể khiến cho nhiều ngành nghề như vận tải gặp khó, cũng như gia tăng nguy cơ lạm phát.

Khó khăn còn đến từ các doanh nghiệp thủy sản khi chỉ có một gương mặt của nhóm là Vĩnh Hoàn hiện diện trong Top 50 năm nay, trong khi các năm trước luôn có ít nhất 2 doanh nghiệp. Những thách thức về thiếu hụt nguồn nguyên liệu, các vụ kiện chống bán phá giá của nước ngoài gia tăng, áp lực tỉ giá khiến cho nhiều doanh nghiệp thủy sản như Hùng Vương, Minh Phú lao đao. Ngành thủy sản sẽ cần một quá trình cải cách mạnh mẽ, đi cùng với những hỗ trợ tích cực hơn từ Chính phủ mới có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn trước mắt, dù tiềm năng của ngành là không thể bàn cãi.

Lên đỉnh đã khó, giữ được đỉnh còn khó hơn. Quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc đi cùng với những rủi ro và áp lực cạnh tranh khốc liệt khiến các doanh nhân sẽ phải bản lĩnh hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc duy trì đà tăng trưởng. Nếu không họ sẽ sớm trở thành người thua cuộc mà câu chuyện về việc ra đi của gần trăm ngàn doanh nghiệp, trong đó có khá nhiều tên tuổi lớn chỉ trong giai đoạn 2011- 2013, là một minh chứng sống động nhất.

Top 50 2017: Ton vinh nhung nguoi dan dau
 

Điều lạc quan cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước là mặc dù còn nhiều khó khăn do giá dầu thấp, nợ công đang ở mức cao, xu thế bảo hộ thương mại thế giới gia tăng (nhất là ở Mỹ), nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đang dần phục hồi sẽ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp nếu có chiến lược kinh doanh hợp lý và khôn ngoan. Theo phân tích của TVS, lạc quan nhất trong thời gian tới nhiều khả năng là ở các nhóm ngành hướng tới nhu cầu nội địa như ngành hàng tiêu dùng và dược phẩm (Thế Giới Di Động, Traphaco, Dược Hậu Giang, Vinamilk, Vinacafé Biên Hòa, Thiên Long...). Nhóm ngành như ngân hàng dự kiến khả quan khi vấn đề nợ xấu đang dần được giải quyết, cũng như cơ hội đến từ các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Còn nhóm ngành mà hiệu quả phụ thuộc vào giá thế giới như năng lượng, khai khoáng và nông sản dự kiến sẽ kém hiệu quả hơn do các sản phẩm này mang tính chất “hàng thông dụng” có giá trị gia tăng không cao.

Trên thị trường bất động sản, cơ hội sẽ đến cho các doanh nghiệp biết điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với nhu cầu thực của thị trường, tạo dựng được thương hiệu uy tín, năng lực quản trị và bán hàng hiệu quả, cũng như sở hữu được quỹ đất rộng lớn như Đất Xanh, Novaland, Khang Điền, Vingroup.

12 ngôi sao tỉ USD

Điểm nhấn trong Bảng xếp hạng Top 50 năm nay là có đến 12 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hơn 1 tỉ USD. Nổi trội nhất trong số đó là Vinamilk với giá trị gần 9 tỉ USD, đứng thứ hai là Ngân hàng Vietcombank với giá trị 5,7 tỉ USD. Sabeco tuy mới lên sàn nhưng đã giữ vị trí thứ 3 với 5,6 tỉ USD.

Danh sách tỉ USD còn có Hòa Phát, Bảo Việt, Vietjet Air, Ngân hàng Quân Đội, Thế Giới Di Động, Ngân hàng ACB và FPT. Hai công ty bất động sản là Vingroup và Novaland cũng nằm trong danh sách các doanh nghiệp có giá trị lớn nhất thị trường. Họ xứng đáng được tôn vinh như những người xuất sắc nhất, là những thương hiệu có năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trên bình diện khu vực. Vậy nhờ đâu mà họ thành công trong khi có khá nhiều người thất bại với tham vọng tỉ USD?

Dễ thấy, bên cạnh nhân tố chủ quan là theo đuổi mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành hoạt động (như tiêu dùng, công nghệ), thì các doanh nghiệp có mức vốn hóa trên 1 tỉ USD đều theo đuổi một chiến lược tập trung phát triển năng lực cốt lõi (core business).

Top 50 2017: Ton vinh nhung nguoi dan dau
Lễ vinh danh các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2016”. Ảnh: Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Hoàng Việt

Theo TVS, điển hình cho chiến lược này là các doanh nghiệp Vinamilk, Sabeco, Thế Giới Di Động khi tập trung toàn lực vào ngành hàng của mình và không đầu tư sang các lĩnh vực khác không chuyên. Vinamilk trước đây đã mạnh dạn thoái vốn khỏi ngành hàng cà phê, bia, để chỉ làm sữa và các sản phẩm liên quan. Dùng chiến lược lấy mô hình bán lẻ di động làm trọng tâm, Thế Giới Di Động đã nhanh chóng xây dựng được năng lực cạnh tranh cốt lõi và trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành.

Không chỉ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là thép, Hòa Phát khá khôn ngoan về chiến lược khi là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành xây dựng thành công chuỗi kinh doanh khép kín, từ tinh luyện quặng sắt, gang lỏng, tạo phôi đến sản xuất thép thành phẩm. Với tham vọng đầu tư tỉ USD vào dự án gang thép Dung Quất, Hòa phát dự kiến sẽ gia tăng doanh thu lên đến 100.000 tỉ đồng vào năm 2020, tức gấp 3 lần so với quy mô hiện nay để trở thành tập đoàn công nghiệp hàng đầu châu Á.

Ngược lại với các tên tuổi nói trên, Novaland và Vietjet Air theo đuổi chiến lược dẫn đầu về chi phí. Vietjet Air đã xây dựng thành công mô hình hãng hàng không giá rẻ, vốn đang là xu thế và nhất là sử dụng thành thạo kỹ thuật kinh doanh mua và thuê lại (buy and lease back) nổi tiếng trong ngành hàng không thế giới. Chiến lược này không những giúp Vietjet Air xây dựng bảng cân đối tài chính khá tinh gọn, giảm được nợ vay mà còn thu được lợi nhuận khủng từ mô hình này. Trong khi đó, thông qua mô hình hợp tác kinh doanh với các chủ sở hữu các quỹ đất rộng lớn, Novaland đã rút ngắn được thời gian phát triển, đẩy nhanh quy mô kinh doanh và trở thành một ngôi sao sáng trên thị trường bất động sản phía Nam.

Khủng hoảng tài chính năm 2008 đã mang đến những bài học quý giá cho các ngân hàng về công tác quản trị rủi ro. Các ngân hàng Vietcombank, MBB và ACB sở dĩ phục hồi mạnh mẽ hơn so với ngân hàng khác là nhờ theo đuổi chiến lược ưu tiên đặt khâu quản trị rủi ro lên trước mục tiêu lợi nhuận, tuân thủ các nguyên tắc thận trọng tài chính theo các chuẩn mực quản trị của thế giới.

Một điều ấn tượng nữa trong danh sách 12 doanh nghiệp tỉ USD là sự thống trị tuyệt đối của các tập đoàn kinh tế tư nhân (không xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) khi chiếm đến 7 vị trí. Điều này cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đang chứng kiến những bước tiến rất lớn, trở thành một khu vực phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và nếu được hỗ trợ tích cực, các doanh nghiệp này đủ sức trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo vị thế cạnh tranh cho Việt Nam trên thị trường thế giới.

Top 50 2017: Ton vinh nhung nguoi dan dau
Đối thoại cùng các doanh nghiệp tỉ USD: Masan Nutri-Science, Thế Giới Di Động, Vietjet Air. Ảnh: Nguyễn Minh Đức

Danh sách các doanh nghiệp có mức vốn hóa tỉ USD trong năm sau có thể sẽ còn dài ra khi một số doanh nghiệp tư nhân và nhà nước “khủng” sẽ được cổ phần hóa, niêm yết trên thị trường như Mobifone, các tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Saigon Tourist, Nhà máy lọc dầu Dung Quất... Cơ hội cho nhà đầu tư tiếp cận với các tài sản có giá trị lớn vì thế sẽ càng mở rộng hơn.

Việt Nam đang đứng đâu ở ASEAN?

Điểm mới của bảng xếp hạng Top 50 năm nay là việc NCĐT đã nỗ lực so sánh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với các doanh nghiệp Top 50 ở Thái Lan, Philippines và Singapore. Đây chính các đối thủ lớn của doanh nghiệp nội trong những năm tới khi Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN đang dần hoàn thiện. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt có thể tự soi lại mình, xem đang ở đâu trong khu vực và có thể học hỏi được gì từ những thị trường này.

Xét về hiệu quả hoạt động, Singapore là quốc gia được đánh giá cao khi Top 50 chỉ chiếm khoảng 31,85% doanh thu toàn thị trường chứng khoán nhưng lại tạo ra 65,95% lợi nhuận. Các doanh nghiệp Top 50 của Việt Nam khá tương đối với các doanh nghiệp ở Philippines về mức vốn hóa thị trường và doanh thu nhưng tốt hơn hẳn về lợi nhuận ròng. Còn nếu so sánh với Thái Lan thì Việt Nam hoàn toàn vượt trội do nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng khá ảm đạm trong thời gian qua.

Chi tiết hơn, Việt Nam cho thấy sự hấp dẫn của một thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao nhất về doanh thu và thứ nhì về lợi nhuận cổ phiếu, lần lượt là 28,82% và 179%. Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu chỉ cao hơn Philippines, trong khi thua xa đáng kể đối với các doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nội địa nên học hỏi các mô hình kinh doanh hiệu quả hơn của các nước ASEAN phát triển như Thái Lan và Singapore, để vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, vừa gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Hữu Duy - Nguyễn Sơn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày