Doanh Nghiệp

Vietnam Airlines tái cơ cấu toàn diện, sẵn sàng cho phục hồi

Hoàng Kim Thứ Hai | 12/07/2021 08:00

Vietnam Airlines Group đặt mục tiêu duy trì thị phần số 1

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang hồi phục mạnh mẽ nhờ hiệu ứng miễn dịch cộng đồng sau tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Vietnam Airlines Group đặt mục tiêu duy trì thị phần số 1

Ở trong nước, Chính phủ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin cho toàn dân. Đây là yếu tố quan trọng tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đem lại những dự báo lạc quan cho thị trường hàng không cuối năm.

Tiếp tục giữ thị phần số 1

Trong báo cáo gửi đến các cổ đông trước Đại hội đồng cổ đông dự kiến diễn ra ngày 14/7, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mọi chuyến bay, bao gồm an toàn trong hoạt động khai thác và an toàn phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, xấp xỉ 100% nhân viên tuyến đầu của Vietnam Airlines đã được tiêm vắc-xin Covid-19. Mới đây, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên và duy nhất được Tổ chức đánh giá hàng không uy tín thế giới SkyTrax xếp hạng 5 sao, mức cao nhất, về phòng chống dịch.

Trên cơ sở an toàn khai thác và phòng chống dịch, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giữ vững vị thế chủ lực trên thị trường, với mục tiêu cụ thể là duy trì thị phần số 1 của Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO).

Trong sáu tháng cuối năm 2021, định hướng xây dựng kế hoạch của có nhiều thay đổi phù hợp với tình hình mới. Theo đó, hãng hàng không quốc gia thực hiện các giải pháp điều hành linh hoạt sản xuất kinh doanh, bao gồm: thu hẹp quy mô, cắt giảm chi phí nhằm giảm thiểu thua lỗ, chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường. Hãng đặt mục tiêu cắt giảm chi phí thông qua các giải pháp tự thân, đàm phán với đối tác hơn 6.800 tỷ đồng, trong đó đã đưa vào kế hoạch định hướng đầu năm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ áp dụng chung cho các doanh nghiệp vận tải hàng không vượt qua khó khăn của đại dịch như giảm chi phí điều hành bay, hạ cất cánh, thuế bảo vệ môi trường, Vietnam Airlines tiếp tục đề xuất cho phép kéo dài chính sách giãn, giảm khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng tương tự như năm 2020. “Với các giải pháp đã triển khai thực hiện, tổng chi phí cắt giảm năm 2021 dự kiến đạt được khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ chủ động cân đối dòng tiền và sử dụng linh hoạt vay ngắn hạn, giãn nợ trong thanh toán. Đồng thời sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Chia sẻ thêm về kế hoạch tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đang nỗ lực thực hiện mọi giải pháp tăng thu và cắt giảm, tối ưu hoá chi phí, đặc biệt là tái cơ cấu lại đội bay và chi phí thuê máy bay. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ vững tiêu chuẩn chất lượng 4 sao và hướng đến 5 sao.

Đây cũng là thời điểm hãng hàng không quốc gia tập trung tái cơ cấu bộ máy nhằm tối ưu sử dụng nguồn lực, nâng cao hiệu quả và cải thiện thu nhập cho người lao động. Các khối chuyên môn, nghiệp vụ sẽ được kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động thông qua việc tổ chức lại quy trình làm việc...Đồng thời, thực hiện chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ hướng tới là hãng hàng không số. Đây sẽ là những thay đối có tính chất bước ngoặt đối giúp hãng hàng không Quốc gia vượt qua đại dịch.

Vượt qua thách thức

Trước diễn biến dịch bệnh, IATA đã cập nhật dự báo về ngành hàng không thế giới trong năm 2021 với mức lỗ dự kiến là 47 tỷ USD, thâm hụt dòng tiền khoảng 81 tỷ USD và các hãng hàng không chỉ bắt đầu có dòng tiền dương từ năm 2022. Tại thị trường nội địa, số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng thị trường ước đạt 13 triệu khách, giảm 29,9% so với 2019 và thấp hơn 31,7% so với dự báo đầu năm. Tín hiệu tích cực là Cục Hàng không Việt Nam dự báo tình hình thị trường sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm 2021, khi việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh trên thế giới và tại Việt Nam, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý III, đầu quý IV/2021. Với những đánh giá nêu trên, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2021.

Vietnam Airlines đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng đón cơ hội phục hồi
Vietnam Airlines đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng đón cơ hội phục hồi

Dự kiến gói cho vay tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu tăng vốn tổng cộng 12.000 tỷ đồng sẽ sớm được giải ngân trong nửa cuối năm 2021, giúp Vietnam Airlines có nguồn để trang trải các khoản nợ phải trả quá hạn và chi phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng cũng sẽ được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Vượt qua khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không, Vietnam Airlines đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng đón cơ hội phục hồi. Bên cạnh kế hoạch thay đổi sản phẩm bay quốc tế theo hướng tiếp tục thực hiện các chuyến bay chở khách hồi hương, Vietnam Airlines đã chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo Chính phủ cho phép sớm khai thác trở lại các đường bay thường lệ trên cơ sở kết hợp khai thác các chuyến bay chở hàng. Tháng 6/2021, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA (Travel Pass). Đây có thể coi là “chìa khóa” mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia.

Đáng chú ý, Vietnam Airlines đang là hãng đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này được cấp phép bay đến Mỹ và Canada, những thị trường rất giàu tiềm năng. Không chỉ có ý nghĩa thương mại, việc đạt phép bay đến các quốc gia có hàng rào tiêu chuẩn an toàn, an ninh khắt khe đã khẳng định năng lực và nguồn lực bay quốc tế vượt trội của hãng hàng không Quốc gia.

Đối với thị trường nội địa, Vietnam Airlines có kế hoạch điều hành tải cung ứng và mở bán nhằm mục tiêu duy trì 51% thị phần vận chuyển hành khách nội địa trong năm 2021 của VNA Group; giữ ổn định sản phẩm các đường bay kết nối Hà Nội – Đà Nẵng – TP HCM; tìm các cơ hội mở thêm các đường bay địa phương mới. Đồng thời, hãng xây dựng lộ trình khôi phục dần mạng đường bay nội địa cho giai đoạn sau dịch bệnh.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày